Theo dự thảo Thông tư quy định cấp, cấp lại Giấy chứng nhận Người có bài thuốc gia truyền, phương pháp chữa bệnh gia truyền đang được Bộ Y tế lấy ý kiến công dân quy định, việc cấp, cấp lại Giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền, phương pháp chữa bệnh gia truyền nêu rõ, bài thuốc, phương pháp chữa bệnh gia truyền cần đạt tiêu chí sau:
Bài thuốc, phương pháp chữa bệnh theo kinh nghiệm của dòng tộc, gia đình, tính đến người đề nghị cấp Giấy chứng nhận ít nhất là 3 đời hành nghề liên tục truyền lại; bài thuốc có công thức rõ ràng, phương pháp chữa bệnh an toàn và hiệu quả; Hội đồng tư vấn cấp Giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền, phương pháp chữa bệnh gia truyền công nhận (Hội đồng tư vấn); được Hội Đông y tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xác nhận về đạo đức hành nghề.
Bên cạnh đó, bài thuốc, phương pháp chữa bệnh được sao chép, tham khảo trong các tài liệu đã công bố, đã xuất bản; bài thuốc, phương pháp chữa bệnh mới được nghiên cứu không được coi là bài thuốc chữa bệnh gia truyền, phương pháp chữa bệnh gia truyền. Trường hợp đặc biệt cá nhân có bài thuốc, phương pháp chữa bệnh mà gia đình dòng tộc chưa hành nghề đủ ba đời hoặc được người khác dòng họ truyền lại nhưng hiệu quả chữa bệnh cao thì Giám đốc Sở Y tế tỉnh báo cáo về Bộ Y tế xin xem xét đặc cách.
Điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận người có bài thuốc, phương pháp chữa bệnh gia truyền
Để được cấp Giấy chứng nhận người có bài thuốc, phương pháp chữa bệnh gia truyền, người đề nghị cấp Giấy chứng nhận phải đạt các điều kiện sau:
Là công dân Việt Nam, đang cư trú trong lãnh thổ Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
- Là người sở hữu hợp pháp, được gia đình, dòng tộc có bài thuốc, phương pháp chữa bệnh truyền lại;
- Có hiểu biết về bài thuốc, phương pháp chữa bệnh gia truyền: Đối với bài thuốc gia truyền, phải biết rõ và kê khai đầy đủ công thức bài thuốc về số lượng vị thuốc, hàm lượng từng vị thuốc; phương pháp, kỹ thuật bào chế từng vị thuốc, bài thuốc; cách khám, chẩn đoán bệnh, chứng bệnh; chỉ định, chống chỉ định, liều dùng, cách dùng; tác dụng không mong muốn và xử trí khi tác dụng không mong muốn xảy ra.
Đối với phương pháp chữa bệnh gia truyền: Phải nắm được cách khám bệnh, chẩn đoán bệnh; nắm vững chỉ định, chống chỉ định; tác dụng không mong muốn, cách xử trí khi tác dụng không mong muốn xảy ra; quy trình và thực hiện thành thạo các thao tác kỹ thuật của phương pháp chữa bệnh gia truyền.
Không được chuyển nhượng mua, bán, cho thuê, mượn Giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền
Theo dự thảo, người có Giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền được hành nghề khám bệnh, chữa bệnh bằng bài thuốc gia truyền, phương pháp chữa bệnh gia truyền sau khi được Sở Y tế tỉnh, thành phố (Sở Y tế tỉnh) cấp Chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh và Giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của luật Khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi cả nước; được đăng ký sản xuất, kinh doanh hoặc ủy quyền cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc để đăng ký sản xuất lưu hành trên thị trường theo quy định của Luật Dược.
Bên cạnh đó, được phổ biến để áp dụng bài thuốc gia truyền, phương pháp chữa bệnh gia truyền trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; được quyền đăng ký với Cục Sở hữu trí tuệ để giữ bí mật bài thuốc gia truyền, phương pháp chữa bệnh gia truyền.
Dự thảo nêu rõ, người có bài thuốc gia truyền, phương pháp chữa bệnh gia truyền không được chuyển nhượng mua, bán cho thuê hay cho mượn Giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền, phương pháp chữa bệnh gia truyền để cá nhân hay tổ chức khác hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.
Người có bài thuốc gia truyền, phương pháp chữa bệnh gia truyền khi hành nghề bằng bài thuốc gia truyền, phương pháp chữa bệnh gia truyền phải thực hiện đúng các quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về sự an toàn cho người bệnh.