'Giải mã' bức tượng gán tên Lê Công Thành

0:00 / 0:00
0:00
Nhà điêu khắc Lê Công Thành Ảnh: Tư liệu gia đình
Nhà điêu khắc Lê Công Thành Ảnh: Tư liệu gia đình
TP - Sáng thứ 6, ngày 17/12, phu nhân cố điêu khắc gia Lê Công Thành, nữ họa sỹ Kim Thái, gọi điện cho tôi phàn nàn: Cháu trai của bà vừa thấy một gallery lớn ở Hà Nội đăng quảng cáo trên facebook về một bức tượng đá trắng, cao 25 cm, ngang 32 cm. Đáng nói, gallery này khẳng định “cha đẻ” của tượng đá trắng là điêu khắc gia Lê Công Thành. Gia đình cố điêu khắc gia phản đối kịch liệt: Đó không phải tượng của chồng/cha/ông của họ.

Là điêu khắc gia nổi tiếng nên hồi còn sống Lê Công Thành từng “vạ” oan như loạt tượng 12 con giáp ở Đồ Sơn, chủ đầu tư nói, chúng được hình thành từ ý tưởng của Lê Công Thành, trong khi ông không hề hay biết. Bây giờ, Lê Công Thành đã khuất núi, tranh và tượng của ông giao dịch khá tốt trên thị trường. Phu nhân Lê Công Thành không có nhu cầu bán tượng của chồng, muốn giữ làm kỷ niệm. Bỗng dưng một gallery ở Hà Nội, một địa chỉ khá quen thuộc với giới họa sỹ lại “rao” một bức tượng bằng đá trắng và giới thiệu (nguyên văn): “Một bức điêu khắc rất yêu: Nude/Đá trắng/Cao 25 ngang 32 cm/HS-NĐK: Lê Công Thành”. Nhìn qua hình ảnh, nữ họa sỹ Kim Thái phẫn nộ: Không phải tượng Lê Công Thành!

'Giải mã' bức tượng gán tên Lê Công Thành ảnh 1

Một số tác phẩm tại nhà Lê Công Thành- Kim Thái. Ảnh: H.D

Theo nữ họa sỹ Kim Thái, bà có quen biết chủ gallery này và đã từng tới gallery tham quan. Khi Lê Công Thành nằm xuống một thời gian, chủ gallery đề nghị mua trọn sáng tác của Lê Công Thành. Song phu nhân cố điêu khắc gia không đồng ý: “Tôi nói với anh ấy, rằng không muốn bán hết, anh thích cái nào thì mua cái đó đi. Bởi mua hết, số lượng nhiều. Mua về những cái không thích lại vứt xó xỉnh, cũng tội cho tác phẩm của Lê Công Thành. Thế rồi COVID nổ ra, câu chuyện giao dịch tạm ngừng”. Nữ họa sỹ Kim Thái kể và khẳng định: “Chủ gallery nọ chưa mua bất kể tác phẩm nào của Lê Công Thành”.

Mua bằng uy tín, chỉ có giấy chuyển nhượng

Không khó để liên lạc với chủ gallery quảng cáo bức tượng được cho là của Lê Công Thành. “Tôi quan tâm đến tác phẩm điêu khắc bằng đá trắng của Lê Công Thành trong gallery của anh. Nhưng tôi thấy thô vụng, không giống như những tác phẩm điêu khắc của Lê Công Thành mà tôi từng nhiều lần được chiêm ngưỡng”, tôi “vào đề”. Người đàn ông xưng là chủ gallery vui vẻ đáp: “Bọn mình chuẩn luôn đấy bạn ạ. Bạn ở Hà Nội hay ở tỉnh? Mời bạn qua chỗ bên mình”. Tôi trình bày quan điểm của mình: “Đó không phải tượng của Lê Công Thành”.

Phía đầu dây bên kia, ông chủ sinh năm 1970 nói như “đinh đóng cột”: “Cái đó là của Lê Công Thành, mình sưu tập lại từ một nơi rất uy tín. Bên mình hiện tại cũng còn một số bức khác của cụ Lê Công Thành, có xác nhận của cô Kim Thái”. Nói rồi, anh gửi qua zalo cho tôi xem một bức tượng đá trắng khác, rồi hỏi: “Có nhận ra tượng Lê Công Thành không?”. (Thực tình tôi không nhận ra hơi hướng Lê Công Thành. Biết gia đình Lê Công Thành đã hơn 16 năm, từng được vợ chồng nghệ sỹ quí mến, coi như người nhà, nên không còn ngóc ngách nào trong căn hộ trưng bày tác phẩm của Lê Công Thành - Kim Thái, tôi chưa khám phá. Chỉ cần nhắm mắt lại tôi đã hình dung ra tượng Lê Công Thành, bởi tác phẩm của ông ghi dấu ấn “cái tôi” nghệ sỹ đậm nét).

Tôi bèn thưa thật với chủ gallery: “Chính họa sỹ Kim Thái gửi cho tôi ảnh bức tượng mà anh quảng cáo trên facebook. Bà bảo: Không phải tượng của Lê Công Thành, tại sao gallery lại đưa tên điêu khắc gia vào đó?”. Chủ gallery giới thiệu: “Bản thân mình và cô Kim Thái cũng là chỗ thân quen. Mình từng đến nhà cô để sưu tầm tranh và tượng của cụ Thành nhưng không có duyên giao dịch với cô Thái. Cái việc thực hư về tranh hay tượng điêu khắc do bên mình sưu tập thì mình nói thế này: Mình đã đăng lên thì đều có giấy chứng thực”. Tôi hỏi tiếp: “Anh sưu tập bức tượng trên năm bao nhiêu, qua ai?”.

Chủ gallery nói: “Bạn qua mình, mình sẽ chia sẻ giấy tờ cần thiết”. Người đàn ông lại “khoe” điều đã “khoe”: “Ngoài điêu khắc đá trắng bên mình vừa đưa lên, còn có khoảng 4-5 bức cả đồng và đá của cụ Thành. Tất cả số tượng này mình không mua từ cô Kim Thái vì không có duyên, dù đã đàm phán. Cô chỉ bán tranh và không bán tượng. Sau này, một số nhà sưu tập trực tiếp sưu tập được tượng Lê Công Thành từ cô, có giấy chứng nhận do cô ký xác nhận, thậm chí có ảnh của cô đứng bên tượng”. Tôi chớp cơ hội: “Anh có ảnh chụp nữ họa sỹ Kim Thái đứng cạnh tượng không?”. Chủ gallery đáp: “Tượng này mình đã nói rõ là mình mua qua một người khác. Người đó lại chuyển nhượng cho mình”.

Không có ảnh của cố phu nhân họa sỹ chụp cạnh tượng cũng không sao vì giấy chứng nhận tác phẩm có chữ ký của tác giả đủ nói lên tất cả. Phía bên kia điện thoại xác nhận: “Có giấy chứng nhận, mua của chỗ thân quen, người ta lại là người rất có uy tín và nổi tiếng trong giới sưu tập và nghệ thuật”. Song chủ gallery từ chối cung cấp giấy chứng nhận tranh có chữ ký của cố điêu khắc hoặc phu nhân cố điêu khắc gia. Anh vẫn giữ giọng bình tĩnh: “Yêu cầu mình giấy chứng nhận tranh thì thú thật, trong giới chúng tôi có những quan hệ rất rộng. Chỉ có thể bật mí: Tôi sưu tập bức tượng này từ Nh., một người từng tổ chức triển lãm cho các họa sỹ, trong đó có tổ chức cho Lê Công Thành. Bức tượng được ông sưu tập trực tiếp từ Lê Công Thành, cách đây hơn chục năm”.

Và sau một hồi, chủ gallery cũng đành nhận, không có giấy chứng nhận tranh có chữ ký của Lê Công Thành, hoặc Kim Thái: “Nhiều khi họa sỹ cho, biếu, tặng hoặc bán rẻ, người ta không nghĩ tới chuyện điểm chỉ, chụp ảnh hay làm giấy chứng nhận. Không phải cụ Lê Công Thành cho, tặng, bán tác phẩm nào cũng đều làm giấy chứng nhận, bạn công nhận không? Nhiều khi nhà sưu tập chỉ có giấy chuyển nhượng. Tôi có giấy chuyển nhượng. Cụ Lê Công Thành đã mất làm sao có giấy chứng nhận được?”. Anh còn nói thêm: “Phải có cơ sở thì mình mới mua, mới sưu tập, chứ làm sao mình bỏ tiền ra mua mà không có cơ sở được. Bạn có hiểu ý mình không? Tôi mua với ông Nh. Ông Nh. là người có uy tín trong nghệ thuật, tôi lại có quan hệ lâu năm với ông ấy. Ông ấy xác nhận nhượng bức tượng đó cho tôi, khẳng định sáng tác đó là của cụ Lê Công Thành”. Chính tôi không hiểu tại sao, nếu có quan hệ với gia đình cố điêu khắc gia, chủ gallery không gửi hình ảnh và hỏi trực tiếp phu nhân cố điêu khắc gia: “Đây có phải tác phẩm của chồng bà?”. Nếu đúng là tác phẩm của Lê Công Thành, nữ họa sỹ Kim Thái chắc chắn không khó khăn ký vào giấy chứng nhận tác phẩm. Cần gì phải “mua bằng niềm tin”?

'Giải mã' bức tượng gán tên Lê Công Thành ảnh 2

Tượng đá trắng trong một gallery ở Hà Nội, đề tên Lê Công Thành bị gia đình phản đối. Ảnh: Nữ họa sỹ Kim Thái cung cấp

Tôi muốn xin số điện thoại của ông Nh. nhưng chủ gallery từ chối: “Tôi cũng phải tế nhị chứ”. Anh mời tôi: “Bạn muốn quan tâm, muốn mua thì tôi có dẫn chứng, có giấy của ông Nh. chuyển nhượng cho tôi”. Tôi nói rằng, tôi không quan tâm với tư cách người mua, tôi quan tâm bức tượng trên với tư cách một người viết quan tâm đến những vấn đề, những câu chuyện thuộc lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Trước khi chia tay, tôi buột miệng chê lần nữa: “Bất kể ai đã yêu mến không gian nghệ thuật Thành - Thái đều nhận ra, tác phẩm trên không phải của Lê Công Thành. Không đẹp như những tác phẩm của ông bày tại nhà ông hoặc các cuộc triển lãm”. Chủ gallery cười: “Ấy thế mà nhiều người lại khen bức tượng đá trắng đẹp, họ muốn sưu tập đấy nhé!”.

“Ngây thơ” thế cơ mà!

Tôi gửi hình ảnh tượng đá trắng đang “ngự” tại gallery nọ cho điêu khắc gia Tạ Quang Bạo, Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật, một người đồng nghiệp quá rõ Lê Công Thành. Chỉ cần một phút ông đã nói: “Giải quyết khối ở bức này còn “ngây thơ” lắm. Chứ Lê Công Thành giải quyết khối cao cường, nghề nghiệp cao tay, xử lý đẹp, không thể “ngây thơ” như thế”.

Tối thứ 6, nữ họa sỹ Kim Thái gọi điện lại cho tôi. Bà vui vẻ vì đã tìm ra “lời giải”: “Chủ gallery đã gọi điện cho tôi. Anh bảo, mua tượng từ Nh. Nói đến Nh. tôi hiểu ngay vấn đề”. Theo nữ họa sỹ, nhân vật có tên Nh. từng được một người chuyên đục tượng cho Lê Công Thành, tên là CH., trước đây từng gửi gắm tác phẩm của anh ta, nhờ Nh. bán hộ: “Ngày xưa, Ch. hay đục tượng cho Lê Công Thành. Ch. cũng sáng tác nữa. Ch. học theo Lê Công Thành, cũng đục nude, đục phồn thực… Nhưng không được nhiều người chấp nhận vì thẩm mỹ không cao”. Phải chăng tác phẩm được bày bán trong gallery kia chính là của Ch.? Nữ họa sỹ Kim Thái không muốn đi sâu thêm, bà chỉ cần chủ gallery công nhận với bà: “Đó không phải tượng Lê Công Thành”. Thế là được.

Xin ngủ dưới mái hiên

Một họa sỹ nổi tiếng, từng lọt top họa sỹ đương đại “ăn khách” trên thị trường mỹ thuật Việt, trong lần chuyện phiếm, có kể: Đến cửa hàng mua họa phẩm, bỗng gặp một nhân vật chuyên “copy” tranh của anh. “Cậu ấy tiến đến chào tôi. Tôi nói đùa: Mày đến trước, thảo nào những màu tao ưa dùng đều hết. Cậu ấy hiểu ý, liền cười: Anh để cho em sống dưới mái hiên của anh với”. Họa sỹ kể đến đây và kết luận: “Nó nói thế mình còn biết nói sao?”.

Quay trở lại với nghệ thuật Lê Công Thành. Hiện nay người quản lý “gia tài” giàu có ấy, chính là nữ họa sỹ Kim Thái, phu nhân cố điêu khắc gia. Ở tuổi 78, phu nhân cố điêu khắc gia phần nào mỏi mệt, bà vừa ra viện, sau một thời gian điều trị viêm phổi. Nữ họa sỹ kể: “Cách đây không lâu, một người Pháp, yêu tranh Lê Công Thành, gọi từ Pháp về, có mách, một gallery khác ở Hà Nội, “chào” một bức tranh “nhái” Lê Công Thành. Tôi xem tranh rồi cũng thôi, chán không muốn nói: “Kệ, muốn làm gì thì làm”. Một bức lạ hoắc mà đề tên Lê Công Thành. Không phải gọi là “nhái” Lê Công Thành mà cướp tên trắng trợn”.

MỚI - NÓNG