>Học sinh khiếm thị được miễn thi tốt nghiệp
Với thí sinh tự do, việc ghi hồ sơ ĐKDT có gì khác?
Ông Nguyễn Quốc Cường (Chuyên viên tuyển sinh Cơ quan Đại diện Bộ GD-ĐT tại TPHCM): Về cơ bản, việc ghi thông tin vào hồ sơ ĐKDT của thí sinh tự do không có gì khác so với các thí sinh bình thường. Cái khác duy nhất hồ sơ của học sinh THPT do trường THPT mà em đó đang theo học ký xác nhận còn hồ sơ của thí sinh tự do phải do xã (phường) nơi thí sinh đăng ký thường trú hay tạm trú dài hạn ký xác nhận.
Hằng năm, thí sinh băn khoăn nhiều nhất là ở mục 2 và 3. Các em lưu ý: Thí sinh có nguyện vọng 1 (NV1) học tại trường ĐH, CĐ không tổ chức thi tuyển sinh hoặc hệ CĐ của trường ĐH hoặc trường CĐ thuộc các ĐH phải nộp hồ sơ, lệ phí tuyển sinh và dự thi tại một trường ĐH tổ chức thi có cùng khối thi để lấy kết quả tham gia xét tuyển vào trường có nguyện vọng học (NV1).
Khi nộp hồ sơ và lệ phí tuyển sinh những thí sinh này cần đồng thời nộp bản photocopy mặt trước tờ phiếu đăng ký dự thi số 1 (không được đồ hay ghi thêm gì vào bản photocopy này).
Các thí sinh này, sau khi đã khai mục 2 trong phiếu ĐKDT (tên trường có tổ chức thi, không ghi mã ngành, chuyên ngành), cần khai đầy đủ mục 3 (tên trường có nguyện vọng học, kí hiệu trường, khối thi và mã ngành).
Thí sinh có NV1 học tại trường có tổ chức thi tuyển sinh chỉ khai mục 2 mà không khai mục 3.
Thí sinh thuộc hai loại đối tượng ưu tiên nhưng trong hồ sơ mục 8 chỉ có hai ô thì em phải ghi làm sao? Nếu thuộc đối tượng ưu tiên thì những giấy tờ phải công chứng ở xã hay tỉnh? Ngoài công chứng có cần làm giấy tờ gì nữa không?
Ông Nguyễn Quốc Cường: Thí sinh thuộc hai đối tượng ưu tiên thì chỉ được hưởng một. Thí sinh nên chọn đối tượng ưu tiên nào có điểm cao hơn. Ví dụ, thí sinh là bộ đội xuất ngũ, được hưởng ưu tiên ở đối tượng 03, đồng thời là con thương binh thì được hưởng đối tượng ưu tiên 06. Thí sinh chỉ được hưởng một trong hai đối tượng đó. Các giấy tờ liên quan đến đối tượng ưu tiên chỉ cần photo chứ không cần công chứng.
Sau này, nếu đậu, vào nhập học sẽ bổ sung đầy đủ. Tuy nhiên, được hưởng ưu tiên khu vực và ưu tiên đối tượng thì thí sinh được hưởng cả hai. Ví dụ, thí sinh là người dân tộc thiểu số được hưởng ưu tiên đối tượng 01, thí sinh ở Tây Ninh thì được hưởng ưu tiên ở khu vực 1, như vậy thí sinh sẽ được cộng cả hai điểm ưu tiên, tức là 3,5 điểm.
Thí sinh có KT3 tại thành phố, vậy mục 9 trong hồ sơ đăng ký dự thi phải ghi như thế nào?
Ông Nguyễn Quốc Cường: Trong mục 9 của hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ là hộ khẩu thường trú, chứ không phải KT3. Vì vậy, các em cần lưu ý là hộ khẩu thường trú ở đâu thì ghi ở đó, chứ không phải ghi theo KT3.
Khi đi thi ĐH, CĐ, thí sinh mang theo bằng tốt nghiệp photo hay bản sao được không?
Ông Nguyễn Quốc Cường: Đối với các thí sinh đã tốt nghiệp năm trước, phải mang bằng tốt nghiệp gốc (chính) hoặc bản sao bằng tốt nghiệp THPT, không được mang bằng tốt nghiệp photo.
Có thể đăng ký thi vào một trường ĐH ở TPHCM rồi lấy kết quả thi xét tuyển nguyện vọng 1 vào các trường ở tỉnh như ĐH Quy Nhơn, ĐH Tây Nguyên được không?
Ông Nguyễn Quốc Cường: Trường ĐH Quy Nhơn, ĐH Tây Nguyên là trường có tổ chức thi tuyển nên bạn không thể mượn một trường khác thi để lấy điểm xét tuyển NV1 vào trường. Tuy nhiên, bạn có thể lấy điểm thi đó để xét NV2 vào các trường này ở những ngành có xét tuyển NV2, có cùng khối thi với khối mà bạn đã thi. Hoặc bạn cũng có thể lấy điểm xét vào hệ CĐ (nếu có) của các trường này. Bạn có thể mượn trường ĐH ở TPHCM thi để xét vào các ĐH ở tỉnh nếu trường đó không tổ chức thi.
Nếu không trúng tuyển ĐH, CĐ chính quy, em đăng ký vào hệ CĐ thực hành của các trường ĐH thì liệu có cách nào để lấy được bằng ĐH chính quy không?
Ông Nguyễn Quốc Anh, (Trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ TPHCM): Nếu bạn thi ĐH, CĐ mà điểm thi dưới điểm sàn của Bộ thì có thể xét vào hệ CĐ thực hành. Ngoài ra, hệ đào tạo này còn xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT.
Sau khi kết thúc hệ CĐ thực hành, nếu muốn lấy bằng ĐH chính quy, các bạn phải trải qua kỳ thi liên thông lên ĐH và nếu đậu, các bạn sẽ học thêm 1,5 năm nữa thì sẽ lấy được bằng ĐH chính quy.
Em là con nhà nghèo, sợ không có tiền theo học dài hạn ở các trường ĐH, CĐ. Vậy, em có thể học nghề nào ngắn hạn mà có thu nhập ổn định?
Ông Trần Văn Thạch, (Giám đốc Trung tâm Thẩm mỹ An Sương): Hiện nay, các khóa học nghề ngắn hạn được các trung tâm dạy nghề mở rất nhiều. Các bạn có thể chọn nghề thẩm mỹ để học, đó là một nghề cực “hot” hiện nay, phù hợp với mọi lứa tuổi. Thời gian học tương đối ngắn từ 2 đến 9 tháng.
Khi ra trường các bạn có thể mở tiệm làm hoặc đi làm thuê với mức thu nhập từ 4 triệu đồng/tháng trở lên. Đối với nữ, các bạn có thể học: trang điểm cô dâu, chăm sóc móng…
Với nam, có thể học trang điểm điện ảnh, phun xăm body… Điều kiện nhập học là người học chỉ cần mang chứng minh thư đến thì nhân viên giáo vụ sẽ hướng dẫn cụ thể hồ sơ.
Em muốn thi vào trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TPHCM, tuy nhiên hiện nay giới ca sĩ, diễn viên khá đông. Vậy nếu em chọn nghề này thì sau này em có thể sống vững bền với nghề này hay không?
Diễn viên Lý Hùng: Hiện nay, hình ảnh của các ca sĩ, diễn viên nổi tiếng luôn là hình ảnh cuốn hút với các bạn trẻ. Tuy nhiên, các bạn phải hiểu rằng, không phải ai là ca sĩ, diễn viên đều nổi tiếng. Có nhiều người là ca sĩ, diễn viên nhưng họ không phải học ĐH, CĐ chính quy ra mà từ các khóa đào tạo ngắn hạn, nhưng họ vẫn trở thành các thần tượng của giới trẻ. Bạn xem lại là mình có khả năng gì về lĩnh vực nghệ thuật này, nếu thật sự đam mê, nhưng năng lực học tập không cho phép bạn vào nghề bằng con đường học ĐH chính quy thì bạn nên học các khóa đào tạo ngắn hạn để theo nghề. Nhưng các bạn cần hiểu rằng, lĩnh vực sân khấu điện ảnh là một lĩnh vực khắc nghiệt, bề ngoài hào nhoáng nhưng bên trong rất nhiều cay đắng. Tuy nhiên, tôi khuyên các bạn rằng: Nếu chúng ta có khả năng thì nghề sẽ không phụ ta.