“Giải cứu” sai cơ chế, hiệu quả không cao

TS Đặng Kim Sơn.
TS Đặng Kim Sơn.
TP - Trao đổi với PV Tiền Phong, TS Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển NNNT cho rằng, cần tạo động lực mới để thay đổi “cuộc chơi”, trong đó Nhà nước phải đóng vai trò kiến tạo, nông dân phải chấp nhận cơ chế thị trường.

Thưa ông, vì sao sản xuất nông nghiệp lại liên tiếp rơi vào tình trạng thừa cung, dẫn đến những cuộc “giải cứu” như vừa rồi?

Chúng ta vẫn trong vòng luẩn quẩn với cảnh trồng-chặt, nuôi-bỏ. Đến nay, với nhiều nông sản, cách tổ chức sản xuất vẫn theo kiểu kế hoạch trước đây. Trong các báo cáo, chúng ta vẫn lo diện tích lúa còn giữ vững không, năng suất, sản lượng vượt bao nhiêu, tăng trưởng thế nào…theo tư duy của nhà nước quản lý, không phải kiến tạo.

Những việc sản xuất, kinh doanh cụ thể, hãy để người chủ là 13 triệu hộ nông dân và hàng vạn doanh nhân quyết định, họ phải chịu trách nhiệm cuối cùng với miếng cơm manh áo của mình. Cũng phải nói, trong khi nhà nước hay lo khuyến khích dân mở rộng sản xuất, chính người dân cũng quen cách làm này để tăng thu nhập.

Nông dân thấy cái gì được liền tăng quy mô sản xuất quá mức, dẫn đến cạnh tranh bằng cách hạ giá, bán rẻ, chấp nhận giảm chất lượng, ít lo tính an toàn nông sản… Khi tất cả đều đi theo hướng đó thì đương nhiên giá bán sẽ tụt xuống dưới giá thành, dẫn đến thua lỗ và cả nền sản xuất bị đổ vỡ. Như vậy, cách hành xử của nhà nước và cả người dân đều có nguy cơ dẫn đến thừa cung, sinh ra “giải cứu” lặp đi lặp lại.

Nguồn cung lớn, nhưng phải chăng chất lượng nông sản của chúng ta chưa đáp ứng được nhu cầu người tiêu dùng, kênh phân phối chưa làm tốt, nên sinh ra dư thừa?

Nhu cầu tiêu dùng thế giới cũng như ở Việt Nam đã thay đổi nhiều theo đà tăng thu nhập, mức sống; chuyển từ ăn nhiều sang ăn ngon, sạch; từ ăn rẻ sang ăn bổ, chất lượng cao; lương thực giảm bớt, sản phẩm chăn nuôi, rau quả tăng lên…

Yếu tố cầu xoay chuyển, trong khi nông sản Việt Nam chậm chuyển đổi, tiếp tục bám thị trường cũ sẽ bị nhiều đối thủ mới cạnh tranh. Chúng ta bị đẩy ra khỏi thị trường giá trị thấp, nhưng lại chưa bước được vào thị trường giá trị cao, ngay cả trong thị trường nội địa. Thật khó tin là gạo Thái Lan, Campuchia, thậm chí cả gạo Nhật cũng tràn vào thị trường đô thị Việt Nam.

Tương tự là đường, thịt gà, trứng, thủy sản… ngoại cũng đổ bộ vào, cho thấy sản xuất chưa bám nhu cầu đang thay đổi. Mặt khác, sản xuất và thị trường của Việt Nam thiếu kết nối. Giữa 13 triệu hộ nông dân với hàng vạn doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ là cầu nối lỏng lẻo của hàng chục vạn hộ tiểu thương, đầu nậu trung gian.

Cả ba nhóm đó rời rạc, không kết nối. Vì thế, người sản xuất không có thông tin thị trường, không biết giá lên, xuống; thị hiếu tiêu dùng…Kết quả là giá cả chênh lệch nhiều giữa các khâu trong chuỗi, và bao giờ nông dân cũng thiệt thòi.

Thực tế, hàng hóa Việt Nam xuất ra thế giới, đi vào chuỗi toàn cầu cũng thông qua các trung gian quốc tế. Bao công sức bỏ ra mà chấp nhận chui lủi bán qua đường mòn, lối mở tiểu ngạch. Trên các quầy hàng thế giới, nông sản Việt không có tên tuổi, thương hiệu.

Vậy, có giải pháp nào giúp sản xuất nông nghiệp vận động theo thị trường, tránh những cuộc giải cứu bất đắc dĩ, thưa ông?

Bài học là phải hành xử theo hướng nhà nước chuyển sang kiến tạo, người dân phải chuyển sang cơ chế thị trường. Thực tế, nhìn vào bộ máy tổ chức ở các bộ ngành phụ trách sản xuất, kinh doanh tới 80-90% cục, vụ, viện là lo phần thúc đẩy sản xuất.

Cán bộ nhà nước đa số là dân kỹ thuật, lại ngồi ở đơn vị chỉ đạo sản xuất, thì anh chỉ giỏi và thích chăm lo sản xuất mà thôi. Vậy thì, phần nghiên cứu thị trường, tiếp thị, phát triển thị trường ở đâu?

Rồi kho tàng, hậu cần, chế biến, phát triển thương hiệu, môi trường, cảnh quan… và toàn bộ phần sau sản xuất đó, hầu như chúng ta vẫn thiếu bộ máy, lẫn con người có năng lực và động lực quán xuyến. Như thế, chính sách, chiến lược, đầu tư vẫn nặng phần sản xuất, nhẹ phần bán hàng.

Cảm ơn ông

MỚI - NÓNG