VCK Asian Cup 2019 là lần đầu tiên LĐBĐ châu Á (AFC) áp dụng công nghệ VAR vào các giải đấu thuộc hệ thống của mình. Tuy nhiên, ở giải đấu này, VAR chỉ được đưa vào từ vòng tứ kết, và thực tế, đội tuyển Việt Nam cũng đã được trải nghiệm nó, cụ thể là ở trận tứ kết gặp Nhật Bản.
Trong trận đấu ấy, Nhật Bản đã một lần đưa bóng vào lưới Việt Nam ở hiệp một. Tuy nhiên, sau khi tham khảo VAR, trọng tài đã không công nhận bàn thắng. Sang hiệp hai, Bùi Tiến Dũng đã có pha phạm lỗi trong vòng cấm. Sau khi xem lại VAR, trọng tài cho Nhật Bản được hưởng quả phạt đền và Ritsu Doan ghi bàn thắng duy nhất của trận đấu.
Tại VCK U23 châu Á 2020 tới đây, U23 Việt Nam thi đấu tại bảng D gặp U23 UAE, U23 Jordan và U23 Triều Tiên. Đây là giải đấu rất quan trọng bởi 3 đội có thành tích tốt nhất sẽ đoạt vé dự Olympic Tokyo 2020.
Để đảm bảo sự công bằng, một lần nữa AFC lại đặt niềm tin vào VAR. Thay vì chỉ áp dụng từ tứ kết hay các vòng knock-out như VCK Asian Cup 2019, họ quyết định sử dụng công nghệ này cho toàn bộ 32 trận đấu tại VCK U23 châu Á 2020
"Bóng đá châu Á đã đạt đẳng cấp thế giới và chúng tôi quyết tâm là tổ chức kiểu mẫu trong việc áp dụng công nghệ mới nhất vào phát triển bóng đá. Tôi tự tin rằng chúng ta sẽ thành công và giải U23 châu Á 2020 sẽ là một cơ hội lớn để nhấn mạnh tiêu chuẩn trọng tài tại châu Á”, Chủ tịch AFC Shaikh Salman bin Ebrahim Al Khalifa cho biết.
Để chuẩn bị cho việc áp dụng công nghệ mới tại VCK U23 châu Á 2020, các trọng tài làm việc trong phòng VAR đã được đào tạo theo những quy chuẩn nghiêm ngặt nhất của Hội đồng bóng đá quốc tế (IFAB). Kể từ tháng 3/2017, AFC đã tổ chức 6 khóa học và hội nghị chuyên đề để đảm bảo rằng các trọng tài có thể sử dụng VAR một cách chính xác nhất.