Và thực tế là giấc mơ này cũng đã thành sự thật với không ít người.
Bãi đá “ngọc mắt mèo” tập kết ngay bên quốc lộ 14 |
Gặp những nông dân đeo đầy vàng
Nằm ngay trên quốc lộ 14, cách trụ sở UBND xã Đăk Ghềnh (huyện Đăk Mil) khoảng gần 1km, có một bãi đá nhỏ, tập hợp vài chục khối đá sần sùi, xấu xí.
Chúng tôi đã đi qua bãi đá này nhiều lần, nhưng lần gần đây nhất tình cờ ghé lại quán nước ven đường cạnh bãi đá và nghe lỏm vài câu chuyện phiếm của người dân trong vùng thì mới biết những khối đá bám đầy bùn đất đó trị giá cả tỷ đồng.
Thấy chúng tôi chỉ là khách loại “a-ma-tơ”, mấy ông chủ đá trên cổ và tay đeo đầy vàng hờ hững ra giá: Cục hình quả núi kia nặng độ nửa tạ, giá 30 triệu đồng, cục nhỏ hơn giá 20 triệu. Còn mấy cục lớn thì mắc lắm, mà mối quen đặt mua hết rồi.
Cái sự “làm mình làm mẩy” của những ông chủ đá khiến chúng tôi càng tò mò hơn về loại đá này. Chúng tôi quyết định tìm hiểu cho ra đầu ra đuôi xem những khối đá kia từ đâu ra và có gì trong đó mà đắt thế.
Sau một hồi “bị” chúng tôi thuyết phục, Hân – một thanh niên cũng đeo đầy vàng nhưng có vẻ hiền lành và dễ bắt chuyện nhất trong số những ông chủ đá - đã dẫn chúng tôi vào một căn nhà ván ọp ẹp. Hân chỉ vào góc nhà: “Đấy, các anh xem đi, mấy cục đá ngoài kia mà đánh bóng lên thì còn đẹp hơn cục đá này gấp mấy lần”.
Theo hướng tay Hân, chúng tôi thấy một khối đá nhẵn bóng hình nón, cao độ 1m. Càng nhìn kỹ càng thấy nhiều lớp vân huyền ảo màu vàng, tím, đỏ, xanh nhạt ẩn hiện trong viên đá có màu ngọc bích sang trọng.
Thấy chúng tôi như bị hút hồn vào viên đá “hạng bét” của mình, Hân tỏ ra khoái chí, liền “chỉ giáo” cho chúng tôi đôi điều về loại đá này.
“Sách vở gọi là đá Ô-pan” – Hân nói – “Nhưng ở đây tụi tui toàn gọi nó là “ngọc mắt mèo”. “Ngọc mắt mèo” vừa đẹp vừa cứng nên chế tác được nhiều loại trang sức đắt tiền. Mà cũng không cần chế tác chế tiếc gì cho mệt, chỉ cần đánh cho nó bóng lên, để trong phòng khách hoặc làm hòn non bộ, là “hết ý thơ” rồi”.
Chúng tôi há hốc miệng mà nghe khiến Hân càng đắc ý. Anh trở nên thân thiện hơn, rót nước mời chúng tôi uống rồi kể chuyện anh và những ông nông dân đeo đầy vàng mà chúng tôi đã gặp ngoài bãi đá kia đã đổi đời nhờ “ngọc mắt mèo” như thế nào.
Viên “ngọc mắt mèo” hạng bét của Hân |
Cái lý của “những người đoán mò”
Câu chuyện của Hân đưa chúng tôi về sự kiện “gây ồn ào” vào giữa năm 2007, lúc bấy giờ có đại gia ngành đồ uống bỗng dưng nhảy vào một mỏ đá đã có chủ ở huyện Đăk Mil, hối hả khai thác và vận chuyển đá về nơi cách đó gần 200 km để... xây dựng trang trại.
Tuy nhiên, những chuyến xe chở đá của đại gia này không chỉ có đá cây (loại đá hình trụ vuông vức tự nhiên, có bán kính khoảng 50cm, cao trên dưới 5m) như đã đăng ký trong giấy phép, mà có cả những khối đá xù xì lớn nhỏ.
Người dân trong vùng thắc mắc: Trang trại của đại gia này nằm trên thảo nguyên đầy đá, cớ gì phải chở thêm những cục đá xấu xí ở đây về?
Nhiều người đoán mò rồi đồn thổi rằng, trong đá có... vàng. Những kẻ hiếu kỳ tìm cách trộm vài cục đá về nghiền thành bột rồi đãi xem có vàng thật hay không. Khi họ đập nhỏ viên đá, bên trong lớp vỏ sần sùi hiện ra những lớp vân đá đẹp lạ lùng...
Tin đồn lan xa, thương gia từ TPHCM bắt đầu tìm đến. Ban đầu họ chỉ trả cho mỗi ký “ngọc mắt mèo” giá 1.000 đồng. Nhưng sau đó, những kẻ săn đá quý từ Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An, Đà Nẵng “đánh hơi” được, đã đổ xô đến vùng đất này. Họ tranh nhau mua, đẩy giá đá lên vùn vụt. Hiện tại, một ký “ngọc mắt mèo” hạng bét cũng được trả giá từ 10.000 đồng trở lên, còn loại tốt thì có thể được trả tới 50.000 đồng.
Hân đưa cho tôi cầm thử một viên “ngọc mắt mèo” nhỏ bằng quả bưởi, viên đá nặng trĩu, phải đến hơn chục ký. Hân cười khà khà: “Vậy đó, nhiều khối “ngọc mắt mèo” tụi này đào được to bằng cái bàn, nặng đến hàng tấn. Ông cứ nhân lên với giá vài chục ngàn đồng là biết trị giá của nó thôi!”.
Cơn sốt “ngọc mắt mèo”
Lãnh đạo các xã Đăk Lao, Đăk Ghềnh (huyện Đăk Mil) và xã Cư K’nia, Đăk Đ’rông (huyện Cư Jút) đều cho biết “ngọc mắt mèo” đã trở thành cơn sốt trên vùng đất này.
Những cán bộ xã ở đây đều cung cấp cùng một thông tin: Cà phê, tiêu đang cao giá là vậy, nhưng nhiều nông dân vẫn phá bỏ để tìm “ngọc mắt mèo”.
Không chỉ nông dân, mà chúng tôi biết có cán bộ xã cũng đã bị cuốn vào cơn lốc tìm “ngọc mắt mèo”, ông này đầu tư cả nửa tỷ để mua máy cuốc, về cuốc tan tành miếng đất vườn của mình để tìm đá quý.
Theo những gì chúng tôi thu thập được từ những đầu nậu đá ở Đăk Nông, thì “ngọc mắt mèo” được hình thành từ dòng nham thạch của núi lửa, chúng nằm rải rác trên lớp đất mặt chứ không đóng thành vỉa dày đặc.
Vì những đặc điểm đó, nên việc khai thác “ngọc mắt mèo” cũng mang tính may mắn. Có nhiều nông dân đào loanh quanh một khoảnh nhỏ như cái ao trong vườn cũng “nhặt” được vài tấn “ngọc mắt mèo”. Nhưng cũng có người đào phá hết vườn cũng chưa thấy bóng dáng viên đá nào có bề ngoài sần sùi để hy vọng. Sự trái ngược này chúng tôi chứng kiến tại thôn Tân Định, xã Đăk Ghềnh, huyện Đăk Mil.
Bên cạnh căn nhà 2 lầu to đùng mới xây của một nông dân tên Hương mới phất lên nhờ “ngọc mắt mèo” là một căn nhà gỗ treo biển “bán nhà + rẫy” của một người tên Tùng. Hàng xóm của họ kể: Từ khi thấy ông Hương liên tục đào được “ngọc mắt mèo”, ông Tùng đã phá hết cà phê trong vườn, vay mượn hàng chục triệu đồng để thuê người đào bới. Nhưng tuyệt nhiên trong vườn ông Tùng không có chút “ngọc mắt mèo” nào.
Từ bài học của ông Tùng, nhiều nông dân trong vùng “rốn” của “ngọc mắt mèo” cũng không dám tự tổ chức khai thác mà rao bán vườn lại cho đầu nậu với giá 5 triệu đồng mỗi gốc cà phê (tương đương mỗi mét vuông đất giá 500.000đồng). Có những nông dân đã bán được cả chục ngàn mét vuông đất vườn trồng cà phê với giá như vậy, và trong phút chốc họ trở thành tỷ phú.
Tài sản quốc gia bị khai thác lậu
Xã Đăk Ghềnh (huyện Đăk Mil) được đánh giá là nơi có nhiều “ngọc mắt mèo” nhất, nên cũng là điểm nóng nhất của vấn nạn khai thác lậu tài sản quốc gia. Lãnh đạo xã Đăk Ghềnh đưa ra nhận định bi quan: “Ngọc mắt mèo” nằm rải rác khắp nơi, mà chủ yếu là trong vườn rẫy của người dân. Chính quyền không thể canh giữ và cấm người dân đào bới trong vườn của họ. Nên việc ngăn chặn nạn khai thác lậu “ngọc mắt mèo” là bài toán nan giải. Còn việc mua bán và vận chuyển của các đầu nậu cũng chỉ diễn ra lén lút vào ban đêm (?), thỉnh thoảng chính quyền địa phương chặn bắt được vài vụ, nhưng cũng chỉ là được chăng hay chớ.
Tuy nhiên, với những bãi đá tập kết ngay bên lề đường quốc lộ 14 mà chúng tôi thấy, qua những câu chuyện mà chúng tôi nghe được từ những đầu nậu và người dân trong vùng, thì việc mua bán “ngọc mắt mèo” ở Đăk Nông không đến nỗi phải diễn ra lén lút. Một tay buôn đá nhẩm tính: Từ năm 2007 đến nay phải có đến vài ngàn tấn “ngọc mắt mèo” được mua bán và chở khỏi địa phận Đăk Nông. Phần lớn trong số này được xuất sang Trung Quốc.
Hiện, chính quyền huyện Đăk Mil và tỉnh Đăk Nông đã “bật đèn xanh” cho công ty lâm nghiệp Đăk Mil phối hợp với một Cty ở tỉnh Đồng Nai lập dự án khai thác “ngọc mắt mèo”. Theo ông Lữ Chí Cường, Chủ tịch UBND huyện Đăk Mil, chủ dự án sẽ xây dựng nhà máy chế tác đá thành hàng xuất khẩu ngay tại cụm công nghiệp Thuận An của huyện Đăk Mil để vừa tạo nguồn thu cho địa phương vừa tạo việc làm cho lao động trong vùng.
Tuy nhiên, với tốc độ khai thác lậu như hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng khi dự án được phê duyệt và khâu giải phóng mặt bằng được thực hiện xong, thì phần lớn “ngọc mắt mèo” đã trở thành tài sản riêng của các đầu nậu.