Giấc mơ mái ấm

0:00 / 0:00
0:00
TP - Hơn 5 năm qua, gia đình nhỏ của chị Loan sống trong một căn hộ 25m2 mua lại của người quen, nằm trong một dự án căn hộ trên đường Nguyễn Văn Quá, quận 12, TPHCM.

Chị Loan cho biết, loại căn hộ nhỏ này là do chủ đầu tư tự chế bằng cách “chẻ đôi” căn hộ tiêu chuẩn. Căn hộ mini này không có trong thiết kế được cấp có thẩm quyền phê duyệt nên không được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhưng do túi tiền có hạn nên chị đành chấp nhận.

Vì chẳng thể sử dụng tài sản của mình vào việc vay vốn làm ăn khiến chị Loan mãi loay hoay với việc phát triển kinh tế gia đình. Các quyền lợi bình thường khác cũng bị hạn chế bởi không có giấy chứng nhận quyền sở hữu.

Nói có hay không với căn hộ mini (dưới 45m2) tại một siêu đô thị như TPHCM là vấn đề gây tranh cãi từ nhiều năm qua. Vì lo ngại nén dân cư vào nội đô, tăng dân số cơ học quá nhanh từ đó gây áp lực quá lớn về hạ tầng kỹ thuật, an sinh xã hội, an toàn phòng cháy chữa cháy và tạo ra những khu ổ chuột trên cao…, chính quyền TPHCM đã nói không với căn hộ mini.

Mặc dù vậy, các chủ đầu tư vẫn tìm nhiều cách biến tướng để hình thành những căn hộ loại này. Đã không ít lần chính quyền thành phố yêu cầu các cơ quan chức năng, quận huyện xử lý tình trạng chung cư mini phát triển ồ ạt làm phá vỡ quy hoạch.

Trong khi đó, từ cuối năm 2019, bằng việc ra đời Thông tư 21/2019/TT-BXD về ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Nhà chung cư, Bộ Xây dựng lại “bật đèn xanh” với loại căn hộ mini diện tích 25m2. Mới đây, TPHCM tiếp tục có văn bản kiến nghị Bộ Xây dựng không cho phép xây dựng căn hộ thương mại loại này.

Sự thiếu thống nhất về quan điểm, chính sách giữa Bộ quản lý ngành và chính quyền thành phố đã gây ra những khó khăn không nhỏ cho người dân cũng như doanh nghiệp. Nhu cầu về nhà ở của người dân là rất lớn. Khi không có khả năng để sở hữu căn hộ tiêu chuẩn, người dân buộc lòng phải tìm đến những căn hộ nhỏ và ít tiền hơn. Song, chính quyền TPHCM cũng có lý do rất chính đáng để giữ quan điểm của mình.

Vấn đề là, nếu nói không với căn hộ mini, chính quyền thành phố có giải pháp nào khả thi hơn để phát triển, đáp ứng kịp thời nhà ở cho đông đảo người dân, nhất là người có thu nhập thấp? Chủ trương, kế hoạch phát triển nhà ở xã hội của thành phố từ lâu đã gặp rất nhiều trở ngại khi hiệu qủa đầu tư không cao nên các doanh nghiệp không sẵn sàng; chưa kể quỹ đất ngày càng khan hiếm. Không ít dự án nhà ở xã hội đã bị trì hoãn hoặc bỏ dở, thậm chí chuyển hướng thành nhà ở thương mại bởi những trở ngại kể trên.

TPHCM đang rất quyết tâm và đặt ra những mục tiệu cụ thể về phát triển nhà ở xã hội cho người dân thời gian tới, đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp có dự án quy mô trên 10 ha cần dành 20% diện tích xây dựng nhà ở xã hội. Tuy nhiên, thực hiện điều đó như thế nào lại hoàn toàn tùy thuộc vào doanh nghiệp. Do vậy, chính quyền thành phố vẫn mãi còn loay hoay với bài toán phát triển nhà ở cho người có thu nhập thấp.

MỚI - NÓNG