Già Y Hơ Êban giữ hồn văn hóa dân tộc

Âm nhạc dân tộc là niềm vui của già Aê Nháp.
Âm nhạc dân tộc là niềm vui của già Aê Nháp.
TP - Ở buôn Kơ Nia 4, xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk), già làng Y Hơ Êban (tên còn gọi là Aê Nháp) được ví như “cây đa đầu buôn” ngăn chặn điều xấu, mang bình yên, hạnh phúc đến cho buôn làng. Già cũng là người có công lớn trong việc gìn giữ văn hóa Ê đê thông qua việc mở lớp dạy sử dụng nhạc cụ cho thế hệ trẻ.

Ngắm con đường nhựa thẳng tắp, hai bên cây cối xanh mướt tỏa bóng xuống các ngôi nhà dài truyền thống của người Ê đê tạo nên khung cảnh thanh bình, ít ai biết nơi đây từng là điểm nóng về tình hình an ninh trật tự. Già Aê Nháp kể: Chỉ vì nhẹ dạ tin vào những lời hứa viển vông “ngồi mát xơi bát vàng” của kẻ xấu mà nhiều người trong buôn đã theo Fulro vượt biên trái phép. Sau nhiều năm già Aê Nháp cùng cán bộ kiên trì, thường xuyên đến nhà dân tuyên truyền, giải thích, vạch rõ âm mưu chia rẽ nội bộ của bọn xấu Fulro, đồng bào mới dần hiểu ra, chuyên tâm lao động sản xuất. 

Gia đình Amí Na Sa (buôn Kơ Nia 4) 15 năm trước từng vượt biên sang Campuchia nay đã trở về buôn làng chăm lo làm ăn. Amí Na Sa tâm sự: “Sau bao năm cố gắng lao động, tích góp, gia đình mình đã cất được nhà to, đẹp. Mình biết ơn già lắm”.  Cũng bằng hình thức vận động, tuyên truyền “mưa dầm thấm lâu” già Aê Nháp đã cảm hóa thành công Y Khoan H’Wing từng theo Fulro, giúp Y Khoan nhận ra lỗi lầm, trở về gia đình. Nay anh đang hạnh phúc bên tổ ấm nhỏ của mình.

Không những giữ bình yên cho buôn làng, già Aê Nháp còn là người giữ hồn văn hóa Ê đê cho thế hệ trẻ bằng cách mở lớp dạy nhạc cụ dân tộc. Đưa chiếc Đinh năm lên miệng thổi đệm cho vợ hát điệu Ayray, già Aê Nháp tiết lộ, “bí quyết” để giữ được chất giọng khỏe khoắn, hào sảng như “chàng đam san” là nhờ tình yêu với nhạc cụ dân tộc. Sinh ra trong gia đình có truyền thống yêu văn hóa dân tộc, từ nhỏ, Y Hơ đã “mê” tiếng chiêng, Đinh năm, Đinh púk. Mỗi khi buôn làng mở hội, Y Hơ đều tìm đến nhìn các nghệ nhân chơi nhạc cụ rồi về nhà học theo, lại còn học cách chế tác để “thấu hiểu” hồn dân tộc mình. Năm lên 15 tuổi, Y Hơ đã sử dụng, chế tác thành thạo nhiều loại nhạc cụ. Và cứ thế tiếng khèn, tiếng chiêng gắn bó mãi với ông mỗi khi lên rẫy hay thư giãn lúc nông nhàn.

Năm 2004, già Aê Nháp bắt đầu mở lớp truyền dạy cách sử dụng các loại nhạc cụ, thổi vào đó ngọn lửa đam mê âm nhạc dân tộc cho con cháu trong buôn. Hơn 13 năm “tiếp lửa đam mê”, tới nay già Aê Nháp đã truyền dạy cho hàng trăm thanh thiếu niên biết chơi nhiều nhạc cụ, để  gìn giữ văn hóa truyền thống thời du nhập đủ thứ văn hóa ngoại lai vào làng buôn.

Những đóng góp của già làng Aê Nháp trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và lưu giữ văn hóa Ê đê đã được UBND tỉnh Đắk Lắk cùng các ban ngành khác biểu dương, khen thưởng. Già cũng từng vinh dự được chọn lên tàu tham quan, tìm hiểu về quần đảo Trường Sa.

MỚI - NÓNG