Giá xăng trong nước giảm gần 2.000 đồng/lít từ ngày 11/7?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Từ ngày 11/7 đến hết năm 2022, thuế bảo vệ môi trường (BVMT) với xăng dầu sẽ được giảm thêm 1.000 đồng/lít. Với xu hướng giảm giá của dầu thô và xăng dầu thành phẩm thế giới, tại kỳ điều hành giá xăng dầu sắp tới (ngày 11/7), giá xăng có thể giảm gần 2.000 đồng/lít.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết giảm thuế bảo vệ môi trường (BVMT) với giá xăng, dầu, mỡ nhờn về mức sàn. Theo đó, trong cơ cấu giá bán xăng dầu, phần chi phí từ thuế phí sẽ giảm 1.000 đồng.

Tại kỳ điều chỉnh giá xăng dầu gần nhất (ngày 1/7), giá xăng E5 RON 92 tối đa 30.890 đồng/lít; RON 95 ở mức 32.760 đồng/lít; dầu diesel giá 29.610 đồng/lít, dầu hỏa giá 28.350 đồng/lít, dầu mazut giá 19.720 đồng/kg.

Giá cơ sở xăng dầu được tính trên 4 yếu tố: giá xăng dầu thành phẩm thế giới; các khoản chi phí và lợi nhuận định mức; mức trích lập, chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG); các loại thuế. Các sắc thuế áp dụng đối với mặt hàng xăng dầu và cơ cấu trong giá cơ sở xăng dầu gồm: thuế nhập khẩu, thuế TTĐB đối với xăng, thuế BVMT và thuế VAT. Tỷ trọng thuế trong giá cơ sở xăng dầu hiện nay khoảng 23,12% với xăng E5RON92; khoảng 24,04% với xăng RON95 và khoảng 12,61% với dầu diesel.

Sau khi giảm thuế BVMT, yếu tố quyết định giá xăng dầu ở kỳ điều hành sắp tới phụ thuộc vào bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới. Ở kỳ điều hành trước đó (ngày 1/7), giá bình quân 147,7 USD/thùng xăng RON 92.

Trong khi đó, giá trung bình thế giới của dầu thô có xu hướng giảm nhẹ kể từ ngày 1/7 trở lại đây. Cụ thể, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 9/2022 đã giảm từ mức 106 USD/thùng (ngày 1/7) xuống mức 98,00 USD/thùng (ngày 7/7); giá dầu Brent giao tháng 9/2022 đứng ở mức 114 USD/thùng (ngày 1/7) về mức 104,30 USD/thùng (ngày 7/7).

Giá dầu thô giảm sẽ kéo theo giá xăng dầu thành phẩm thế giới giảm xuống. Theo Bộ Công thương, cập nhật giá xăng dầu từ Singapore đang lao dốc mạnh. Ngày 5/7, xăng RON 92 về 137,48 USD/thùng, xăng RON 95 về 145,63 USD/thùng, dầu diesel về gần 160 USD/thùng. Giá xăng nhập khẩu có 4 phiên giảm liên tiếp và thấp hơn giá bán trong nước khoảng 1.100 - 1.300 đồng/lít.

Dựa trên yếu tố này, một số dự báo cho thấy, giá xăng trong nước sẽ có đợt giảm thứ hai liên tiếp vào kỳ điều chỉnh ngày 11/7. Dự tính, nếu không sử dụng công cụ Quỹ bình ổn giá (trích lập quỹ hoặc chi), mức giảm của các mặt hàng xăng dầu trong nước có thể từ 1.000 - 1.900 đồng/lít.

Giá xăng trong nước giảm gần 2.000 đồng/lít từ ngày 11/7? ảnh 1

Giảm thuế BVMT 1.000 đồng/lít, giá xăng dầu được dự báo sẽ giảm 2.000 đồng/lít vào ngày 11/7 sắp tới. Ảnh minh hoạ

Nghiên cứu giảm thêm nhiều loại thuế khác

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, từ nay đến cuối năm, Bộ Tài chính sẽ báo cáo cấp thẩm quyền có những động thái hoặc chính sách điều chỉnh thuế phù hợp nhằm mục tiêu ổn định giá xăng dầu trong nước.

Theo đó, để đa dạng hóa nguồn cung xăng (tránh bị động bởi phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ Hàn Quốc và ASEAN), Bộ Tài chính đã nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị định về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi. Hiện nay, Bộ Tài chính đang khẩn trương tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến tham gia của các Bộ, ngành, địa phương về dự án Nghị định về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi để trình Chính phủ (trong tháng 8/2022). Trên cơ sở ý kiến tham gia, Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh mức thuế suất MFN đối với xăng từ 20% xuống mức phù hợp. Đối với mặt hàng dầu hiện đang áp dụng mức thuế suất MFN là 7% đã đảm bảo phù hợp với cam kết quốc tế.

Cùng với việc giảm thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn trong khung thuế và giải pháp điều chỉnh giảm mức thuế suất MFN từ 20% xuống mức phù hợp, Bộ Tài chính đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất phương án giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng và giảm thuế giá trị gia tăng với xăng dầu cho phù hợp để trình Chính phủ và trình Quốc hội xem xét quyết định.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.