+ Quan điểm của ông về việc xem xét giảm thuế để kìm giá xăng, dầu trong nước thời điểm này?
-Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường: Mặt hàng xăng, dầu đang phụ thuộc lớn vào nguồn nhập khẩu nên để bình ổn giá có thể tính tới điều tiết thuế, phí. Nền kinh tế của chúng ta đang gặp nhiều khó khăn, trong khi đó, giá xăng dầu lại là đầu vào của hoạt động kinh tế xã hội.
Nếu giá xăng dầu cao sẽ tác động đến các lĩnh vực khác, không tốt cho hoạt động kinh tế xã hội nói chung. Do vậy, việc đề xuất có biện pháp kiềm chế giá xăng dầu là cần thiết, hợp lý. Trong bối cảnh giá xăng dầu tăng như gần đây, cũng nên tính toán giảm thuế nhập khẩu hoặc thuế về môi trường cũng nên tạm thời duy trì ở mức hợp lý.
Mức tăng như vừa qua chưa phải quá lớn so với thời điểm đỉnh cao của những năm trước đây. Tuy nhiên trong bối cảnh doanh nghiệp rất khó khăn, nền kinh tế đang trên đà phục hồi, giá xăng dầu tăng cao, tăng nhanh như vậy sẽ đẩy các chỉ số tăng giá của tất cả các ngành khác. Đặc biệt, nó sẽ tác động đến lĩnh vực giao thông vận tải, du lịch…Đây là những ngành nghề phải gánh chịu tác động rất mạnh trong đợt dịch vừa qua.
Vì thế, theo tôi, cần thiết giữ ổn định giá xăng dầu để ổn định, phục hồi kinh tế, kìm chế tăng giá các ngành khác. Trong đó, ưu tiên nhất là nên xem xét điều chỉnh thuế nhập khẩu và sử dụng hiệu quả quỹ bình ổn xăng dầu. Còn thuế môi trường là giải pháp cuối cần cân nhắc vì điều tiết thuế này còn liên quan tới hành vi sử dụng của người dùng.
+ Theo ông, liệu còn giải pháp nào để kìm hãm sự tăng cao của mặt hàng quan trọng này?
-Giá xăng dầu trong nước tăng cao một phần do tác động giá xăng dầu thế giới. Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh làm cho chi phí vận chuyển bị đội lên. Thêm nữa các chi phí liên quan kho bãi, kiểm soát cũng tăng thêm... Những yếu tố đó cộng vào làm cho giá xăng dầu tăng cao. Tất cả phải được xem xét tổng thể, qua đó xem xét cắt giảm để giá xăng dầu không tăng quá cao.
ĐBQH Hoàng Văn Cường |
+ Còn vai trò điều hành của liên Bộ Tài chính – Công Thương thì sao, thưa ông?
- Bộ Công Thương đương nhiên phải đánh giá được mức độ thay đổi giá thế giới, nguồn cung trong nước, từ đó dự báo mức độ ảnh hưởng, tác động đến giá cả. Còn Bộ Tài chính là đơn vị phải thực thi chính sách, như việc điều chỉnh thuế, phí, cần thẩm tra đánh giá để báo cáo Chính phủ và Quốc hội. Muốn vậy, Bộ Công Thương phải nắm được khả năng cung ứng trong nước, giá thế giới, các chi phí dự báo ra sao… Các khoản chi phí đó tác động, chiếm tỉ trọng bao nhiêu trong cấu thành giá. Qua đó mới thẩm định, đề xuất phương án cho phù hợp.
+ Trong bối cảnh giá xăng dầu tăng cao, Việt Nam có nên tăng khai thác không, thưa ông?
- Việc khai thác tài nguyên cần phải theo kế hoạch và chiến lược. Khi giá thấp thì hạn chế khai thác, khi giá tăng cao thì không nên hạn chế mức khai thác. Nhưng không phải vì thế mà tăng công suất một cách quá mức. Vì điều này chưa chắc hiệu quả cao, tăng chi phí không cần thiết, tạo ra sự cạn kiệt nguồn tài nguyên…
Cảm ơn ông!
Hôm qua (26/10), liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định tăng mạnh giá bán lẻ xăng, dầu trong nước dù đã dùng tới Quỹ bình ổn. Mỗi lít xăng E5 RON 92 tăng 1.430 đồng; xăng RON 95 thêm 1.460 đồng. Các mặt hàng dầu cũng đắt thêm 120-1.170 đồng một lít, kg tuỳ loại.
Sau điều chỉnh, xăng E5 RON 92 ở mức 23.110 đồng một lít, còn xăng RON 95 lên mức 24.330 đồng một lít - ngưỡng cao nhất 7 năm (kể từ tháng 9/2014).