Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng miếng SJC 69,05 - 69,75 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra, tăng 150.000 đồng/lượng cả 2 chiều mua vào, bán ra so với đầu giờ sáng. Đây là mức giá cao nhất hơn 1 năm qua.
Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng miếng ở mức 68,85 - 69,75 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra.
Giá vàng miếng SJC tiến sát mốc 70 triệu đồng/lượng vào chiều 10/10. |
Giá vàng tăng mạnh trong ngày khiến nhiều nhà đầu tư nhấp nhổm mua vào.
Chị Nguyễn Hạnh (Hoàng Mai, Hà Nội), cho biết: "Tôi đã theo dõi giá vàng thời gian qua và thấy giá đang có xu hướng tăng. Trong khi đó, tôi đang có tiền gửi ngân hàng mà giờ lãi suất còn 5,3%/năm kỳ hạn 12 tháng nên tôi không mặn mà gửi tiếp. Nay tôi quyết định rút tiết kiệm mua vàng. Xu hướng vàng sẽ tăng vào cuối năm cộng thêm yếu tố tăng giá của thế giới. Tôi nghĩ đầu tư vàng chỉ nên lướt sóng bởi số tiền bỏ ra lớn. Tuy nhiên, về lâu dài dù giá vàng có hạ vẫn thấy an toàn hơn các kênh đầu tư khác như trái phiếu".
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Thế Hùng - chuyên gia Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam - cho rằng giá vàng thế giới đang có xu hướng tăng trên mốc 1.800 USD/ounce và tương lai gần sẽ lấy lại mốc 2.000 USD/ounce. Vào thời điểm này năm ngoái, giá vàng thế giới tăng mạnh, giá vàng trong nước lên đỉnh 73 triệu đồng/lượng.
"Tôi cho rằng, giá vàng SJC trong nước có khả năng phá đỉnh năm ngoái", ông Hùng nói và cho rằng người dân cân nhắc thời điểm mua vào, bán ra, bởi hiện nay để đảm bảo lợi nhuận kinh doanh, các nhà vàng để mức chênh lệch mua vào - bán ra lên gần 1 triệu đồng/lượng.
Còn chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu dự báo giá vàng sẽ tăng tiếp. “Nhà đầu tư muốn quản trị rủi ro chắc chắn và muốn chốt lời, có thể bán ra lúc này. Vấn đề họ phải đặt mức để chốt, khi đó dù giá tiếp tục tăng vẫn bán”, ông Hiếu nói.
Ông Hiếu cho biết thêm, giá vàng thế giới tăng tác động đến giá vàng trong nước. Hiện giá vàng đã gần chạm mốc 70 triệu đồng/lượng, thậm chí có thể hơn.
Theo ông Hiếu, khi các kênh đầu tư khác đều không mấy sáng sủa và không mang lại lợi nhuận như lãi suất ngân hàng giảm, thị trường chứng khoán lình xình, thị trường bất động sản còn khó khăn trong khi vàng sôi sục dễ khiến người ta đổ tiền vào vàng.
“Tôi không bao giờ khuyên đầu tư “lướt sóng” vàng. Nếu đầu tư vào vàng thường phải trong vòng 1 năm. Còn trong thời gian đầu tư ngắn, chỉ vài tuần rất nguy hiểm, không nên đầu tư", ông Hiếu khuyên.
Ngoài ra, ông Hiếu cho rằng nhà đầu tư không nên “bỏ tất cả trứng vào một rổ”. Mặc dù giá vàng trong nước xu hướng tăng nhưng đổ hết tiền tiết kiệm vào vàng rất nguy hiểm. Nên phân bổ rủi ro cho nhiều kênh đầu tư; trong đó có ngân hàng, vàng, chứng khoán, bất động sản.
"Thời điểm này, nếu đầu tư vào vàng, nên chia 1/3 số tiền tiết kiệm của mình để đầu tư. Đặc biệt, đừng bao giờ đi vay tiền để mua vàng”, ông Hiếu khuyến cáo.
Bên cạnh đó, ông Hiếu chia sẻ chênh lệch mua - bán do nhà vàng tạo nên. Chênh lệch mua - bán càng cao càng cho thấy nhà vàng đã tính tới sự biến động mạnh của thị trường. Doanh nghiệp kinh doanh vàng kiểm soát rủi ro bằng cách mua vào với giá thấp, tới khi thị trường giảm mạnh tới cả triệu đồng/lượng thì họ vẫn lãi.
"Người có vàng muốn bán ở thời điểm này sẽ bị kiểm soát ở mức sàn và vẫn buộc phải bán cho một vài nhà vàng với mức giá gần như tương tự nhau mà không có sự lựa chọn khác. Theo đó, nhà đầu tư phải cân nhắc kỹ thời điểm mua vào - bán ra", ông Hiếu nói.