Không chỉ giới đầu tư, các chính phủ cũng tăng cường mua vàng dự trữ vì rủi ro địa - chính trị. (Ảnh: Getty) |
Loại tài sản trú ẩn tăng 3% lên 2.135 USD/ounce ngày 4/12, sau đó giảm 2% và đến ngày 19/12 vẫn còn ở mức 2.039,73 USD/ounce.
Trong những tuần gần đây, giới đầu tư tin tưởng rằng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã xử lý lạm phát thành công nhờ nhiều đợt tăng lãi suất mạnh tay, và có thể bắt đầu giảm từ tháng 3 năm sau.
Khi lãi suất tăng, các tài sản như trái phiếu Chính phủ Mỹ trở nên hấp dẫn giới đầu tư.
Nhưng khi lãi thấp, giảm hoặc sắp giảm, nhu cầu mua trái phiếu Chính phủ Mỹ và vàng trở nên hấp dẫn hơn.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm rời khỏi mức 5% - cao kỷ lục trong 16 năm thiết lập hồi giữa tháng 10 xuống 4,3%.
“Kỳ vọng về việc kết thúc chu kỳ thắt chặt đã có tác động, khiến lợi suất dài hạn giảm. Điều này đã tạo ra môi trường thuận lợi hơn cho vàng như một tài sản không mang lại lợi nhuận”, Daria Efanova, trưởng bộ phận nghiên cứu tại hãng môi giới Sucden Financial, nhận xét.
John Reade, một chiến lược gia về thị trường tại Hội đồng Vàng thế giới, nói với CNN rằng khi các nhà đầu tư dự đoán sắp có nhiều đợt cắt giảm lãi suất trong năm tới, giá vàng có thể sẽ tiếp tục phá kỷ lục.
Dự báo về lãi suất cũng khiến đô la Mỹ giảm giá, từ đó khiến vàng càng hấp dẫn hơn. Khi lãi suất tăng, giá đô la Mỹ cũng tăng vì thu hút thêm vốn từ bên ngoài vào Mỹ, và ngược lại.
Tháng trước, đô la Mỹ giảm 3% so với rổ 6 ngoại tệ mạnh. Vì giá vàng được tính theo đô la Mỹ, nên việc đô la Mỹ giảm giá khiến vàng trở nên rẻ hơn, từ đó càng khuyến khích giới đầu tư mua vàng.
Trong dài hạn, giá vàng được hỗ trợ bởi một yếu tố nữa: Sự bất an sâu sắc trên toàn cầu.
Jamie Dimon, CEO của JPMorgan, đánh giá rằng đây có thể là giai đoạn nguy hiểm chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ.
Giới đầu tư coi vàng là tài sản an toàn trong những giai đoạn biến động địa - chính trị. Vì thế, giá vàng năm nay đã tăng 10%.
“Môi trường địa - chính trị có vẻ đã thay đổi. Không chỉ vì cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, không chỉ vì tình hình ở Israel và Dải Gaza, mà cả căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, quan ngại về tình hình Biển Đông, về đảo Đài Loan (Trung Quốc)”, Reade nhận định.
Theo nhà phân tích này, tình hình thế giới bất ổn khuyến khích các ngân hàng trung ương ở những thị trường mới nổi cũng tăng cường dự trữ vàng.
Theo Hội đồng vàng Thế giới, ngân hàng trung ương ở các thị trường mới nổi mua 521 tấn vàng trung bình mỗi năm trong giai đoạn từ 2010-2021. Nhưng chỉ trong năm 2022, các nước đó mua 1.212 tấn, và trong 3 quý đầu năm nay đã mua 880 tấn.
“Tốc độ mua đó có thể tiếp tục trong nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ nữa”, Reade nhận định.
Trong cuộc khảo sát tiến hành tháng 5 năm nay, gần 1/4 tất cả các ngân hàng trung ương cho biết họ có kế hoạch gia tăng dữ trữ vàng trong 12 tháng tới.
“Những quan ngại về bối cảnh kinh tế ảm đạm toàn cầu và xung đột Israel – Palestine càng khiến giới đầu tư lựa chọn tài sản an toàn. Ngoài ra, kỳ vọng vào việc Fed giảm lãi suất trong năm tới làm giảm áp lực lên đô la Mỹ, từ đó càng khiến vàng hấp dẫn”.