Vòm cầu Long Biên, tiềm năng chưa được “đánh thức”
Ra đời cùng với cầu Long Biên năm 1902 - công trình được mệnh danh là tháp “tháp Eiffel nằm ngang”, cầu dẫn đường sắt nối ga Hà Nội với cầu Long Biên được xây bằng đá và có kiến trúc vòm rỗng. Công trình gồm 127 vòm dẫn và 4 cầu dẫn chạy dọc với phố Phùng Hưng, Gầm Cầu đến cầu Long Biên. Từ năm 1980 về trước, các vòm cầu để trống cho người và phương tiện di chuyển. Để đảm bảo vệ sinh an toàn và an ninh trật tự trong khu vực, những năm 1980, các cơ quan chức năng của Hà Nội và Bộ Giao thông Vận tải đã cho xây bịt 125 vòm cầu, chỉ giữ lại 2 vòm cầu phục vụ cho nhu cầu đi lại ở ngõ Hàng Hương và phố Nguyễn Thiếp. Từ khi xây bịt lại, đoạn vòm này đã chia cắt khu phố cổ Hà Nội và Hoàng Thành Thăng Long, thay vào đó là tình trạng lấn chiếm vỉa hè làm nơi kinh doanh, bãi trông giữ xe gây mất vệ sinh môi trường xảy ra thường xuyên.
Để bảo tồn và phát huy giá trị di sản thủ đô Hà Nội và nâng cao chất lượng sống của người dân xung quanh khu vực. Tháng 3/2017, UBND thành phố Hà Nội đã giao UBND quận Hoàn Kiếm khảo sát, nghiên cứu các ô không gian gầm cầu Long Biên để sử dụng vào dịch vụ công cộng phục vụ các hoạt động nghệ thuật. Căn cứ báo cáo đề xuất của UBND quận Hoàn Kiếm, tháng 8/2017, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã giao UBND quận Hoàn Kiếm làm việc với Quỹ giao lưu quốc tế Hàn Quốc nghiên cứu triển khai dự án trang trí tại một số vòm cầu dẫn của tuyến đường sắt nối phố Phùng Hưng với cầu Long Biên.
Sau khi có ý kiến đóng góp của Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch, Bộ Giao thông Vận tải và giới chuyên gia về triển khai trang trí một số vòm cầu dẫn lên cầu Long Biên, là giai đoạn 1 của dự án phát huy giá trị di sản các vòm cầu dẫn lên cầu Long Biên thành không gian văn hoá.
Nhận được ý kiến đồng thuận của các bộ, ngành liên quan, UBND thành phố Hà Nội giao UBND quận Hoàn Kiếm phối hợp với Quỹ Giao lưu Quốc tế Hàn Quốc (Korea Foundation) và Chương trình Định cư Con người Liên Hợp Quốc (UN-Habitat) tổ chức triển khai thực hiện việc vẽ tranh bích họa với sự tham gia của các nghệ sĩ Việt Nam và nghệ sĩ Hàn Quốc triển khai vẽ tranh bích họa trang trí từ ngã ba phố Lê Văn Linh- Phùng Hưng đến phố Hàng Cót. Dự án “Bích họa trên phố Phùng Hưng” được xây dựng trên cơ sở chương trình “Đưa nghệ thuật vào không gian sống” do UN-Habitat phối hợp thực hiện với Quỹ giao lưu quốc tế Hàn Quốc và các thành phố tại Việt Nam từ năm 2015. Thực hiện các tranh bích họa trên đường phố Phùng Hưng là một trong những chuỗi hoạt động kỷ niệm 25 năm thiết lập mối quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc.
việc trang trí và sử dụng không gian một số vòm cầu đá dẫn lên cầu Long Biên góp phần tôn tạo và phát huy giá trị khu phố cổ trong tổng thể di sản Hà Nội. Khi triển khai quận Hoàn Kiếm đã thu thập tài liệu hiện trạng tiến hành đánh giá khả năng chịu tải và tìm ra các biện pháp gia cố phù hợp. Trước mắt, đục thí điểm một số vòm cầu, làm cơ sở đưa ra các giải pháp phù hợp để phá dỡ các vòm tiếp theo, đảm bảo an toàn, không làm ảnh hưởng đến quá trình khai thác của đường sắt.
Giá trị văn hóa vòm cầu Long Biên thế nào?
Trang trí trên phố Phùng Hưng được kỳ vọng tạo ra một không gian nghệ thuật mới, một không gian sống tốt đẹp hơn cho người dân tại địa bàn và hướng tới là phố đi bộ, phố nghệ thuật hấp dẫn du khách. Đây cũng là hoạt động nhằm tôn vinh, bảo tồn, phát huy giá trị di sản đô thị của khu Phố cổ Hà Nội, Cải tạo không gian công cộng cho nhân dân, khách du lịch, phục vụ cộng đồng về văn hóa, nghệ thuật và du lịch.
Các tác phẩm do các nghệ sỹ Việt Nam và Hàn Quốc thể hiện theo chủ đề con đường ký ức truyền tải các thông điệp về một Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến đang đứng trước những biến đổi, song vẫn luôn gìn giữ những giá trị truyền thống. Các nghệ sĩ cùng giao lưu với người dân để tạo ra một không gian văn hóa nghệ thuật đường phố nhằm thu hút người dân và du khách, trở thành một điểm nhấn văn hóa tại Phố cổ Hà Nội.
Đánh giá về dự án trên, ông Park Kyoung Chul, Trưởng đại diện Quỹ Giao lưu Quốc tế Hàn Quốc tại Hà Nội chia sẻ: “Đây không chỉ là một dự án nghệ thuật thông thường với mục đích trang hoàng lại diện mạo của một công trình, mà là một diễn đàn cho nghệ sĩ hai nước sáng tạo, là một cơ hội để đánh thức những giá trị di sản văn hóa. Khi được sống và làm việc tại Hà Nội, tôi đã nhìn thấy cái “chất” của người Hà Nội đang hòa lẫn trong dòng chảy sôi động của quá trình đô thị Hà Nội. Trong những năm qua, Quỹ Giao lưu Quốc tế Hàn Quốc phát triển các dự án tương tự trên nhiều quốc gia về lĩnh vực nghệ thuật và giao lưu con người, giao lưu văn hóa".
Để triển khai dự án, tháng 10/2017, Sở Văn hoá - Thể thao Hà Nội và UBND quận Hoàn Kiếm (Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội) đã tổ chức lấy ý kiến của các thành viên Hội đồng nghệ thuật Thành phố và trưng cầu ý kiến của người dân sống trong khu vực về nội dung 26 bức bích họa, đảm bảo phát huy tối đa các nét văn hóa của người Hà Nội. Nổi bật là các bức hoạ “Cầu sắt Long Biên”, “Nhà số 63 Phùng Hưng”, “Nụ hôn”, “Chùa Báo Ân xưa”, …Song song với đó, từ đầu tháng 11/2017, các nghệ sỹ Hàn Quốc cũng có mặt tại Hà Nội phối hợp vẽ những bức bích họa đầu tiên.
Là người đại diện cho nhóm các nghệ sỹ Việt Nam trong dự án, họa sỹ Nguyễn Thế Sơn cho biết: “Dự án nghệ thuật tại phố Phùng Hưng là một dự án rất đặc biệt đối với tôi. Nhận lời mời từ ý tưởng đề xuất của quận Hoàn Kiếm, tôi thấy đây là một dịp tốt để biến bức tường lịch sử trên đoạn phố Phùng Hưng trở thành một bối cảnh nghệ thuật công cộng, từ đó thu hút người xem và tạo ra sự tương tác mạnh mẽ với các hoạt động chung quanh phố đi bộ nói riêng và các hoạt động văn hoá nghệ thuật sau này nói chung. Đây là một dịp để nghệ thuật cộng đồng - với nhiều yếu tố của nghệ thuật đương đại - tới gần công chúng hơn.Chính vì vậy, mục tiêu “tương tác tối đa” được đặt ra ngay từ giai đoạn đầu cho các tác phẩm tham dự. Sau dự án này, các bức tranh trên những vòm cầu của bức tường đá Phùng Hưng sẽ là những mảnh ghép nghệ thuật thu hút người dân và du khách quốc tế, trở thành một điểm nhấn văn hoá sáng tạo và thú vị tại Phố cổ Hà Nội”.
Với sự chuẩn bị công phu, chu đáo của các nghệ sỹ Việt Nam và Hàn Quốc, sau khi hoàn thành, dự án trang trí bích họa, kết hợp đục thông vòm cầu dẫn lên cầu Long Biên được kỳ vọng trở thành không gian cho cộng đồng trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, không gian sáng tạo, không gian khởi nghiệp, thương mại dịch vụ theo hướng văn minh hiện đại để quảng bá các giá trị của khu Phố cổ. Cùng với đó, không gian văn hóa vòm cầu còn đóng vai trò “kích cầu” thu hút khách du lịch, mở rộng và kết nối các không gian văn hóa như: không gian đi bộ xung quanh hồ Hoàn Kiếm, không gian đi bộ Phố cổ Hà Nội, tuyến phố văn hóa ẩm thực Tống Duy Tân, chợ hoa Hàng Lược và phố Phùng Hưng. Hay rộng hơn là kết nối không gian với khu vực Hoàng thành Thăng Long.
Nói về dự án, đại diện Ban Quản lý Phố cổ cho biết, đây là dự án lần đầu tiên thực hiện tại Hà nội nên việc xin ý kiến các đơn vị liên quan và quy trình triển khai còn gặp khó khăn. Cùng với đó, việc lựa chọn vật liệu, chủng loại màu vẽ cho phù hợp với thời tiết và khí hậu Hà Nội cũng tốn nhiều thời gian. Tuy nhiên, được sự hỗ trợ của UBND Thành phố, và các bộ, ngành liên quan, việc chuẩn bị đã hoàn tất để các nghệ sĩ toàn tâm, toàn ý hoàn thành các bức bích họa đúng tiến độ để đón du khách tham quan từ tháng 2/2018.