PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện nhi T.Ư cho biết so với cùng kỳ năm ngoái, năm nay số trẻ đến khám SXH tăng cao gần 10 lần với 185 trẻ. Trong đó hiện có 28 bệnh nhi điều trị nội trú. Đáng chú ý, 5 bệnh nhi trong số này có dấu hiệu cảnh báo vì đã bị biến chứng
TS Điển cho biết thêm, bệnh viện đã triển khai kế hoạch khám phân loại và thu dung điều trị theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Các kế hoạch hoạt động được triển khai theo từng cấp độ bệnh nhân nhập viện; các đơn vị khoa khám bệnh; truyền nhiễm; cấp cứu và hồi sức cùng các phòng ban chức năng thực hiện tóm tắt dấu hiệu bệnh, xét nghiệm, điều trị theo mức độ nặng được tập huấn cho các bác sĩ và điều dưỡng. Ngoài ra nhân viên y tế phát tờ hướng dẫn điều trị ngoại trú cho gia đình bệnh nhi để chăm sóc và phát hiện dấu hiệu cảnh báo kịp thời.
Tại Bệnh viện E, TS Lương Thị Thu Hiền, Trưởng khoa Nội Nhi tổng hợp cho biết, trung bình mỗi ngày khoa tiếp nhận và điều trị cho 30-40 trường hợp bệnh nhân nhi mắc các bệnh trên, cao điểm có những ngày 6 bệnh nhi mắc SXH trong đêm.
Lượng bệnh nhi bị SXH cũng tăng. Hiện tại khoa Nhi có 18/42 bệnh nhi đang điều trị SXH. Trong đó, có một bệnh nhân nhi (7 tuổi, ở Đồng Xa, Cầu Giấy, Hà Nội) mắc SXH nặng có biểu hiện sốc kèm theo tiểu cầu và bạch cầu đều giảm thấp, huyết áp dao động. Các bác sĩ phải điều trị tích cực, chống sốc cho bệnh nhi. Tuy nhiên, khi bệnh nhi qua cơn nguy kịch thì xuất hiện thoát huyết tương gây ra tràn dịch màng bụng và đa màng. Các bác sĩ ở khoa Nhi căng mình ra túc trực bên bệnh nhi theo dõi sát sao 24/24h, áp dụng các biện pháp chống sốc đặc biệt. Đến ngày thứ 8, bệnh nhi mới có dấu hiệu phục hồi, ăn, ngủ được và cắt sốt, tràn dịch màng bụng giảm, các chỉ số sinh hóa dần về bình thường.
Bác sĩ Hiền khuyến cáo, bệnh SXH sẽ nguy hiểm trên cơ địa là trẻ em do hệ miễn dịch kém. Vì vậy cha mẹ phải theo dõi sát sao trẻ khi có dấu hiệu tăng nhiệt độ cơ thể để nhận biết đúng bệnh và điều trị kịp thời. Khi trẻ mắc SXH nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như sốc, xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não, trụy tim mạch, hôn mê dẫn đến tử vong. Nhằm hỗ trợ bệnh nhân nhi được tốt nhất, hiện khoa có 40 giường bệnh điều trị với đầy đủ các trang thiết bị cấp cứu hiện đại như máy thở, oxy và khí nén áp lực, các máy theo dõi monitoring, bơm tiêm điện, máy truyền dịch, siêu âm, điện tâm đồ… cùng với đội ngũ bác sĩ là những bác sĩ giỏi chuyên môn nghiệp vụ, tay nghề cao hằng ngày chăm sóc, khám chữa bệnh cho bệnh nhi.
Huy động cơ sở y tế ngoài công lập điều trị SXH
Ngày 1/8, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, thời tiết hiện đang thuận lợi cho dịch SXH gia tăng nhanh. Các quận Hoàng Mai, Đống Đa và nhiều quận huyện khác của Hà Nội vẫn tiếp tục gia tăng bệnh nhân SXH, tích lũy toàn thành phố kể từ đầu năm 2017 xấp xỉ 8.000 người mắc.
Để giảm bớt áp lực cho các bệnh viện đang quá tải bệnh nhân, ngày 2/8 Hà Nội sẽ họp với khối y tế ngoài công lập để chọn các phòng khám có đủ trang thiết bị, nhân lực, đáp ứng điều kiện về danh mục kỹ thuật là chẩn đoán, điều trị ban đầu cho người bệnh SXH tham gia tiếp nhận bệnh nhân.
Đồng thời, để chủ động phòng chống dịch, cần tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy và muỗi truyền bệnh; nâng cao ý thức chủ động phòng chống dịch bệnh của cộng đồng bắt đầu từ tháng 8/2017, Hà Nội yêu cầu các quận, huyện trọng điểm về SXH cũng như những địa phương có nguy cơ cao về dịch bệnh này phải thành lập được các đội xung kích diệt bọ gậy tại khu dân cư với số lượng từ 8 đến 10 người/đội.