Gia tăng trẻ mắc COVID-19: Bảo vệ nghiêm ngặt nhóm trẻ có bệnh nền

0:00 / 0:00
0:00
TP - Các chuyên gia nhận định, tỉ lệ tử vong ở trẻ em thấp hơn người lớn, tuy nhiên vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với trẻ mắc COVID-19 có bệnh nền, thừa cân, béo phì...

Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị tập huấn trực tuyến toàn quốc về hướng dẫn, chăm sóc và điều trị cho trẻ em mắc COVID-19.

Các chuyên gia y tế cho rằng y tế cơ sở phải tăng cường tập huấn về chăm sóc, theo dõi, phân loại bệnh nhân COVID-19 trẻ em. Việc phân loại tình trạng bệnh của trẻ rất quan trọng, đặc biệt kĩ năng chuyên môn phát hiện trẻ chuyển nặng để kịp thời chuyển đến viện, tránh tình trạng chuyển nặng không cần thiết... Đối với các cơ sở điều trị tầng 2 và tầng 3 cần nâng cao năng lực điều trị nhi khoa mắc COVID-19, chuẩn bị sẵn một số cơ sở vật chất, trang thiết bị về hồi sức nhi trong trường hợp nhu cầu hồi sức cấp cứu tăng.

PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, từ khi dịch COVID-19 xuất hiện ở Việt Nam đến nay, tỉ lệ mắc COVID-19 của trẻ dưới 18 tuổi ở nước ta là 19,2%, tương đương khoảng 490.000 trẻ. Trong đó có 4,8% trẻ từ 13-17 tuổi; 8% trẻ 6-12 tuổi; 2,8% trẻ từ 3-5 tuổi và 3,6% trẻ từ 0-2 tuổi. Cả nước ghi nhận 165 trẻ tử vong, chiếm 0,42% so với tử vong chung.

Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết thêm: “Những trường hợp trẻ mắc COVID-19 viêm đa hệ tuy hiếm nhưng vẫn có thể ghi nhận trên toàn thế giới. Với biến chủng Omicron, việc lây nhiễm sẽ có nguy cơ nhiều hơn ở nhóm trẻ em chưa được tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19”.

Gia tăng trẻ mắc COVID-19: Bảo vệ nghiêm ngặt nhóm trẻ có bệnh nền ảnh 1

Bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương thăm khám cho trẻ mắc COVID-19. Ảnh: Lê Xuân Tùng

Tại hội nghị, TS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lí Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết tính đến ngày 7/2, trong tổng số 516.163 ca mắc COVID-19 của TPHCM có 32.429 F0 là trẻ em từ 16 tuổi trở xuống, chiếm tỉ lệ 6,3%. Số ca tử vong trẻ em là 48 ca/tổng số ca tử vong cộng dồn 20.379 người (chiếm 0,23% tổng số ca tử vong). Tỉ lệ tử vong/mắc 0,15%. Qua phân tích 2.478 ca mắc COVID-19 tại TPHCM cho thấy có 165 ca trẻ ở mức độ nặng, nguy kịch, trong số này có 13,9% trẻ thừa cân, béo phì, 8,5% có bệnh đi kèm.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, tổng số trẻ được khám và chẩn đoán COVID-19 đến nay là 611 trẻ, trong đó có 545 ca được chuyển khám, cách li tại địa phương; 66 ca điều trị nội trú tại bệnh viện. Hiện bệnh viện đang điều trị 10 bệnh nhân COVID-19. Thời gian qua đã có 5 trẻ mắc COVID-19 tử vong (gồm 3 bệnh nhân sơ sinh, 1 bệnh nhân 2 tháng tuổi có viêm não liên cầu B, 1 bệnh nhân 6 tháng tuổi ở Bắc Ninh chuyển lên).

Thống kê cho thấy Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương có tổng 617 bệnh nhân COVID-19 là trẻ em dưới 16 tuổi trên tổng số 6.484 F0 đã điều trị tại đây; có 21 trẻ nặng, nguy kịch.

TS Nguyễn Trọng Khoa cho hay: “Rất may số tử vong ở trẻ em rất ít. Tuy nhiên chúng ta phải làm sao bảo vệ nghiêm ngặt nhóm thừa cân béo phì, đang điều trị bệnh nền, mạn tính, những trẻ bị suy giảm miễn dịch bởi khi các nhóm này nhiễm COVID-19 thì khả năng nguy cơ tử vong cao hơn”.

Không chủ quan

Tại hội nghị, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Điều trị người bệnh COVID-19 cho biết: “Tỉ lệ trẻ em mắc COVID-19 ngày càng gia tăng. Bệnh nhìn chung nhẹ hơn người lớn nhưng không được chủ quan”.

Bác sĩ Hiếu đưa ra các yếu tố nguy cơ bệnh nặng ở trẻ, gồm: Trẻ đẻ non, cân nặng thấp; đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa, bất thường gene, béo phì; bệnh hô hấp mạn tính, hen phế quản; bệnh tim bẩm sinh; suy giảm miễn dịch bẩm sinh, mắc phải (HIV, điều trị corticoid kéo dài); bệnh thận mạn; ung thư, huyết học (bệnh hồng cầu hình liềm)…

Đối với việc điều trị, chăm sóc trẻ mắc COVID-19 tại nhà, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu nhấn mạnh cần phát hiện kịp thời các triệu chứng nặng, điều trị các triệu chứng thông thường và tránh lây nhiễm chéo trong gia đình. “Lợi ích điều trị tại nhà, đó là trẻ được chăm sóc trong vòng tay người thân, không bị thay đổi môi trường sống, ít ảnh hưởng tới tâm lí và hạn chế quá tải y tế không cần thiết”, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu nói.

Nâng cao năng lực, kĩ năng thực hành y khoa

Tại hội nghị, các chuyên gia cho rằng trong bối cảnh mở cửa trở lại, dự kiến số trẻ mắc cao. Do vậy, việc đảm bảo an toàn cho trẻ để phòng chống dịch bệnh là nhiệm vụ quan trọng, đặc biệt là những trẻ trong độ tuổi từ 5 đến dưới 12 tuổi chưa tiêm vắc xin.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh, một trong những giải pháp để chuẩn bị kịch bản thích ứng linh hoạt và an toàn cho trẻ em trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 thời gian tới là cần chủ động sắp xếp nhân lực tại chỗ, nâng cao năng lực, kĩ năng thực hành y khoa để bảo đảm công tác phòng, chống dịch COVID-19 và khám, chữa bệnh khác phù hợp.

“Các nhà trường phải tuân thủ đầy đủ các hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo như vệ sinh trường học, phân luồng đón tiếp học sinh, bố trí phòng cách li tạm thời tại các trường học, phòng học dự phòng trong tình huống có học sinh nghi nhiễm, nhiễm SARS-CoV-2”, Thứ trưởng Bộ Y tế nói thêm.

MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.