> Đồng Tháp: Mùa lũ, giá rau màu tăng cao
Thực phẩm rau quả, giá tăng mạnh
Sau cơn bão bất thường ngày 1-4, sáng ngày 2-4, bà Trần Thị Đinh ra chợ cư xá Ngân Hàng (P. Tân Thuận Tây, Q.7, TPHCM) mua thực phẩm và ngỡ ngàng bởi giá nhiều loại thực phẩm tươi sống tăng đáng kể so với vài ngày trước đó.
Ví dụ, chỉ qua một đêm, giá cua đồng tăng từ 75.000 đồng lên 90.000 đồng/kg; cá điêu hồng tăng từ 45.000 đồng lên 50.000 đồngkg; thịt ba chỉ tăng từ 100.000 đồng lên 125.000 đồng/kg.
Tương tự, chị Trang Nhung cho biết: “Sáng 2-4 ra chợ Bình Phước (quận 9) ở gần nhà thấy nhiều mặt hàng tăng giá đáng kể, trong đó có không ít loại rau củ quả.
Chẳng hạn, bắp cải trắng tăng từ 4.000 lên 6.000 đồng/kg, mướp đắng có giá 8.000 đồng/kg, tăng 3.000 đồng/kg; củ cải trắng từ 4.000 lên 7.000 đồng/kg, khoai tây tăng từ 10.000 lên 12.000 đồng; cam sành giá 32.000 đồng, tăng 9.000 đồng so với trước đó...”.
Theo khảo sát của phóng viên Tiền Phong ngày 2-4, mặc dù giá cả tại các chợ đầu mối Bình Điền, Thủ Đức không có biến động lớn, song tại nhiều chợ bán lẻ ở nội ô lẫn ngoại thành thành phố, giá nhiều mặt hàng thực phẩm tươi sống vẫn tăng đáng kể, tạo ra mức chênh lệch khá lớn về giá giữa chợ sỉ và chợ lẻ.
Chẳng hạn, giá cà chua ở chợ sỉ 7.000 đồng, dưa leo 10.000 đồng nhưng tại các chợ lẻ giá vọt lên 15.000 đồng/kg - 17.000 đồng/kg; bầu bí 6.000 đồng/kg (chợ lẻ 12.000 đồng), bắp cải 3.500 đồng/kg (chợ lẻ từ 8.000 đồng), khổ qua 4.000 đồng/kg (chợ lẻ 13.000 đồng)…
Đáng nói là giá tăng trong khi dù sức mua không tăng, hàng hóa cũng không có dấu hiệu khan hiếm.
Siêu thị hàng hóa cũng đội giá
Đại diện một số hệ thống siêu thị cho biết, từ giữa tháng 3, nhiều nhà cung cấp đã gửi thông báo đề nghị tăng giá nhiều mặt hàng với mức tăng 5-15%. Theo ông Huỳnh Hữu Tuấn, quản lý siêu thị Citimart Chu Văn An, các mặt hàng tăng giá rơi vào nhóm hóa mỹ phẩm và thực phẩm chế biến, nước giải khát với mức tăng khoảng 5%.
Thời gian áp dụng giá mới vào cuối tháng 3. Phần lớn các mặt hàng đề nghị tăng giá là hàng nhập khẩu.
Tổng Giám đốc hệ thống Maximart, bà Nguyễn Thị Ánh Hồng cũng xác nhận, đã nhận được thông báo tăng giá của một số đơn vị với mức tăng 5-7%.
Theo các nhà phân tích, đối với hàng sản xuất trong nước do sức mua giảm, lượng hàng tồn kho khá lớn nên các doanh nghiệp dè dặt trong việc tăng giá. Riêng hàng nhập khẩu đã bắt đầu tăng tại các siêu thị do chi phí vận chuyển tăng.
Đại diện hệ thống siêu thị BigC cho rằng, các siêu thị khó tránh khỏi việc tăng giá, bởi chi phí vận tải tăng. Siêu thị cũng đang tính toán, xem xét, đàm phán lại với nhà cung cấp để kiềm chế tăng giá.
Tuy nhiên, khi các nhà cung cấp đồng loạt nâng giá bán nhưng siêu thị không đàm phán giảm được thì buộc phải tăng giá một số hàng hóa. Và, việc tăng giá bán đã diễn ra tại một số hệ thống siêu thị kể từ đầu tháng 4 này.
Đại diện các siêu thị cho rằng, giá cả các mặt hàng trước đó vẫn trong tình trạng phải “nén”, và đến đầu tháng 4 này đã bắt đầu “bung” bởi việc tăng giá xăng dầu trước đó đã “ngấm” sâu khiến các nhà cung cấp khó có thể kiềm chế thêm được nữa.