Trong những ngày đầu tháng 9 vừa qua, cảnh sát biên giới Romania ghi nhận ngày càng nhiều thuyền tị nạn vượt biển Đen vào nước này. Đây là tuyến đường được cho là nguy hiểm và chết người nhiều hơn so với tuyến Địa Trung Hải. Bởi lẽ, biển Đen sóng to và thay đổi bất thường. Nó có thể thay đổi khó lường trong vòng 20 phút.
Ngày 9/9, cảnh sát biển Romania chặn được một tàu đánh cá vượt biển Đen vào Romania với 97 người di cư trên tàu, trong đó có trẻ em. Cảnh sát biên giới cho biết, đó là những người Iran và Iraq, những người đã tiếp cận gần biên giới biển Romania-Bulgaria. Tối 8/9, cảnh sát biển Romania chặn một chiếc thuyền khác chở khoảng 120 người và bàn giao cho cảnh sát biển Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngày 3/9, một chiếc thuyền đánh cá chở 87 người di cư bị chặn lại khi nó hướng tới bờ biển Romania từ biển Đen. Chiếc thuyền được cho rằng xuất phát từ bờ biển phía bắc Thổ Nhĩ Kỳ. Các vụ thuyền di cư vượt biển Đen tới Romania cũng được cảnh sát biển Romania ghi nhận vào ngày 21/8 với 68 người tị nạn, vài ngày sau đó là 150 người tị nạn Syria, ngày 13/8 là 69 người tị nạn...
Mặc dù những con số này nhỏ so với hàng trăm nghìn người vượt biển qua Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp, nhưng nó cho thấy một xu hướng mới đang gia tăng.
Bà Carmen Dan, Bộ trưởng Nội vụ Romania, đến thăm cảnh sát biên phòng biển Đen tuần trước. Bà nói: “Chúng tôi đối xử với người di cư như những người cần được giúp đỡ, chứ không phải là tội phạm”.
Ông Krzysztof Borowski, người phát ngôn của cơ quan bảo vệ biên giới EU Frontex, cho biết vẫn còn quá sớm để thảo luận về những vụ việc này. Tuy nhiên, ông cho biết, Frontex đã xem xét đó như là một nỗ lực mới của bọn buôn lậu ở Thổ Nhĩ Kỳ nhằm kích hoạt tuyến buôn người qua biển Đen.
“Trong quá khứ, tuyến đường này đã được sử dụng. Vào năm 2014, có 430 người di cư tới Romania và Bulgaria qua biển Đen. Năm 2015 có 68 người, năm 2016 có 1 người. Có thể bọn buôn người đang thử nghiệm tuyến đường này, dù nguy hiểm hơn nhiều”, ông nói.
Bà Gabriela Leu, người phát ngôn của Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn Romania cho biết, cơ quan này rất quan tâm đến những người tị nạn và người nhập cư bằng đường biển trên các con tàu tồi tàn. Bà nói: “Khả năng chết trên tuyến đường biển này cao hơn nhiều”.
Các nhà chức trách Romani đã bắt giữ 6 cá nhân vì nghi ngờ liên quan đến các vụ buôn người qua tuyến biển Đen, trong đó có 2 người Thổ Nhĩ Kỳ, 1 người Bulgaria, 1 người Syria, 1 người Iraq và 1 người đảo Síp. Theo Tổ chức Di cư Quốc tế, di cư bằng đường biển cực kỳ nguy hiểm. Từ tháng 1 đến tháng 7 năm 2017, có 2.244 người di cư chết trên đường vượt Địa Trung Hải.
Romania, nằm ngoài khối Schengen (khu vực tự do đi lại trong Liên minh châu Âu) nên đã thoát khỏi cuộc khủng hoảng người tị nạn do họ thường nhằm đích tới các nước Tây Âu. Tuy nhiên, số người cố gắng để vượt biên giới Romania cũng đang gia tăng.
Theo số liệu của cảnh sát biên phòng Romania, trong bảy tháng đầu năm 2017, 2.800 người bị bắt khi cố gắng vượt biên trái phép vào Romania, tăng hơn 1.624 người so với cả năm 2016. Đa số những người di cư là người Iraq (1.370 người), tiếp đến là Syria với 525 người và 319 người từ Pakistan.
Năm 2015, Romania là một trong những quốc gia đầu tiên chống lại việc thiết lập hạn ngạch toàn châu Âu để phân bổ lại những người tị nạn giữa các quốc gia thành viên. Tuy nhiên, sau đó Romania đồng ý nhận khoảng 4.200 người xin tị nạn. Tính đến cuối tháng 8 năm nay , có 727 người di cư tới Romania nhưng không ai chọn ở lại Romania.
Răzvan Samoilă, giám đốc điều hành của Arca, một tổ chức phi chính phủ ở Bucharest cho biết: “Đã có 4 nhóm đến Romania và hiện giờ chưa có ai ở Romania”.