Giá tăng bất thường do buông lỏng quản lý

Giá tăng bất thường do buông lỏng quản lý
TP - Thảo luận tại tổ về dự án Luật Giá, chiều 8-11, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng, việc bình ổn giá phải bảo vệ được lợi ích của người dân.

> Luật Giá cần bao quát toàn diện hơn về quản lý và điều tiết giá

Phân tích về điều kiện bất thường của thị trường, ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến bất thường là do buông lỏng quản lý. Giá lương thực, thực phẩm của ta tăng cao lên trên 30%, trong khi các nước ASEAN chỉ tăng bình quân 10%.

ĐB Đinh Xuân Thảo (Hà Nội) cho rằng, luật cần quy định rõ hành vi thông đồng giá ảnh hưởng đến cộng đồng. Không chỉ có liên kết tăng giá, giảm giá cũng phải xử lý nghiêm.

"Với người nghèo, giá tăng dù chỉ 1 đồng cũng bị ảnh hưởng. Phải lấy thước đo là thu nhập, là sức mua của người dân làm tiêu chuẩn để bình ổn giá" - Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH TPHCM Lê Trọng Sang nói. Ông Sang kiến nghị, Chính phủ cần phải đứng ra thống nhất về bình ổn giá, không nên để cho các tỉnh tự làm, tránh cắt khúc thị trường mà cuối cùng người tiêu dùng vẫn bị thiệt.

Một số ĐB cho rằng, Luật Giá cần ghi rõ những mặt hàng nhà nước bình ổn giá, tránh qui định chung chung. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Nhà nước quản lý giá nhưng cần đảm bảo tôn trọng quy luật thị trường, đảm bảo để DN cạnh tranh bình đẳng.

"Bình ổn giá trong điều kiện lạm phát là cần thiết. Tuy nhiên, nếu dự thảo không qui định cụ thể danh mục hàng hóa cần bình ổn, phải chờ Nghị định có khi mất thời gian tới cả năm. Ngoài ra, dự luật nên có qui định về vấn đề thẩm định giá, bởi đây là vấn đề rất quan trọng. Bộ Y tế đang phải thẩm định giá hơn 350 mặt hàng thuốc và việc này cũng rất khó khăn" - bà Tiến nói.

ĐB Nguyễn Ngọc Hòa (TPHCM) đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu qui định xử lý các tình huống đặt ra trong giá, trên cơ sở tôn trọng qui luật thị trường. Nhưng không thể để có lúc giá biến động thái quá, có lúc Nhà nước lại can thiệp quá sâu vào giá. Ví dụ giá sữa, giá thuốc chữa bệnh là những mặt hàng thiết yếu, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe nhân dân, nhưng thời gian qua bị thả trôi nổi, pháp lệnh giá bất lực.

Vậy những mặt hàng này để mặc theo thị trường hay không? Phải tính đến những trường hợp cụ thể, ví dụ giá thuốc nếu qui định cũng chỉ tác động ở khu vực bệnh viện công còn bệnh viện tư thì sao? Hay giá xe Honda, nhà máy công bố một kiểu đại lý bán một đằng. Luật Giá phải có qui định để xử lý những vấn đề như vậy.

"Thuốc chữa bệnh quan trọng không kém gì xăng dầu. Nhà nước phải có chủ trương ngay từ ban đầu. Đồng thời, cần có qui định xử lý vi phạm về giá nghiêm minh" - ĐB Hòa kiến nghị.

Trước hiện tượng chuyển giá không chỉ xảy ra ở trong khu vực doanh nghiệp FDI mà đã lan sang doanh nghiệp trong nước (chuyển giá cho công ty con, công ty sân sau), ĐB Châu Thị Thu Nga (Hà Nội) kiến nghị Luật cần quy định rõ những biện pháp chống chuyển giá.

Vốn trái phiếu Chính phủ: Cần quy trách nhiệm trong hiệu quả đầu tư

Thảo luận về Chương trình sử dụng trái phiếu Chính phủ sáng 8- 11, một số đại biểu lo ngại về khả năng cân đối ngân sách và rủi ro của nền tài chính vì tổng mức đầu tư tăng cao, hiệu quả hạn chế.

ĐB Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) cho rằng, việc tăng quy mô và tổng mức đầu tư Chương trình trái phiếu Chính phủ rất lớn. Tổng mức đầu tư tăng đến 10 lần, vượt khả năng cân đối của ngân sách và sức chịu đựng của nền kinh tế. Điều này làm tăng rủi ro về tài chính của quốc gia khi đẩy nợ công tăng nhanh.

"Những hạn chế, yếu kém này cần được phân tích đánh giá làm rõ các nguyên nhân và trách nhiệm của các cơ quan liên quan. Đồng thời báo cáo rõ với cử tri vì đây là những món nợ người dân phải trả trong thời gian sắp tới"- ĐB Tâm nói.

ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) cho biết, với tổng vốn đã đầu tư cho các dự án đến nay là 236.770 tỷ đồng nhưng kết quả "rất khiêm tốn".

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Mai Xuân Hùng đề xuất, Chính phủ sớm xây dựng mục tiêu, tiêu chí cắt giảm, chuyển các dự án đầu tư đang dở dang trong nhiều năm. Cương quyết không khởi công các dự án chưa đủ nguồn vốn.

ĐB Trần Hoàng Ngân kiến nghị, từ năm 2013 đưa các khoản chi đầu tư từ nguồn trái phiếu Chính phủ vào ngân sách nhà nước để kiểm tra, giám sát.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
TPO - Ban Bí thư T.Ư Đoàn đề nghị các ban, đơn vị thuộc T.Ư Đoàn và các tỉnh, thành Đoàn, Đoàn trực thuộc giới thiệu, lựa chọn, đề xuất các gương thanh niên, thiếu niên, nhi đồng tiêu biểu trên các lĩnh vực xét trao giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2024. Thời gian đề cử, giới thiệu từ ngày 10/11 – 31/12/2024.
Hiện trạng khu tái định cư Đền Lừ III bỏ hoang sắp được cải tạo
Hiện trạng khu tái định cư Đền Lừ III bỏ hoang sắp được cải tạo
TPO - Hoàn thành từ năm 2017 nhưng dự án tái định cư Đền Lừ III (quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội) vẫn trong tình trạng bỏ hoang, với nhiều hạng mục xuống cấp trầm trọng. Mới đây, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo UBND quận Hoàng Mai đầu tư dự án cải tạo, bảo đảm khang trang, sạch đẹp, phục vụ tốt nhất đời sống người dân sau khi được bàn giao nhà tái định cư.