Đây là một trong chuỗi các hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025); 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890-19/5/2025).
![]() |
Các đại biểu dự lễ khánh thành. |
Phát biểu tại buổi lễ, Phó trưởng Phòng Văn hóa, khoa học và Thông tin huyện Gia Lâm Bùi Thị Lợi cho biết, thực hiện Nghị quyết số 1286 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của TP Hà Nội giai đoạn 2023 – 2025, xã Phú Sơn hôm nay được sáp nhập từ 02 xã trước đây là Phú Thị và Kim Sơn.
Là các địa phương có bề dày truyền thống lịch sử văn hóa, với các thôn làng: Phú Thị, Trân Tảo, Tô Khê, Hàn Lạc, Đại Bản (xã Phú Thị); Kim Sơn, Giao Tất, Giao Tự, Linh Quy (xã Kim Sơn); trong đó, 02 thôn Phú Thị, Kim Sơn nổi tiếng có truyền thống hiếu học, là hai làng khoa bảng của đất Thăng Long – Hà Nội, với hệ thống các di tích lịch sử văn hóa có giá trị, thờ phụng những nhân vật lịch sử có công với non sông, đất nước: Lý Công Tuấn, Tướng quân Đào Liên Hoa, Lã Tá Đường, Trần Văn Xương, Trần Văn Khúc, Cao Bá Quát, Nguyễn Biểu, Thượng tướng quân Đào Phúc…
![]() |
Phó trưởng Phòng Văn hóa, khoa học và Thông tin huyện Gia Lâm Bùi Thị Lợi phát biểu tại buổi lễ. |
Những tấm gương cao cả đó gắn với trang sử hào hùng của lịch sử giữ nước và chống giặc ngoại xâm của dân tộc, tiếp thêm sức mạnh để Phú Thị, Kim Sơn phát huy truyền thống yêu nước, kiên cường bất khuất, viết tiếp trang sử mới, đạt nhiều thành tích trong thời đại Hồ Chí Minh, trong công cuộc xây dựng, bảo vệ tổ quốc, thực hiện đường lối đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập và phát triển.
Trong những tháng năm của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Phú Thị, Kim Sơn tự hào là một phần của khu du kích “Toàn Quyết Chiến Thắng”, nơi làm điên đầu quân xâm lược, nơi ghi nhận những thành tích vẻ vang trong chống càn, phục kích, phá tề, diệt bốt…
![]() |
Lãnh đạo huyện Gia Lâm dâng hương tại đình Hàn Lạc, xã Phú Sơn. |
Các thôn: Trân Tảo, Hàn Lạc, Linh Quy, Giao Tất, Kim Sơn với những chiến công của quân và dân kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh dân vận đã làm thất bại âm mưu huy động lực lượng bao vây làng, cướp của, phá nhà của giặc; tổ chức rào làng, canh gác, xây dựng làng chiến đấu cản bước tiến của địch khi chúng càn quét từ năm 1947 đến năm 1954.
Xương máu của hơn 100 đồng bào đồng chí, 300 cán bộ, đảng viên và Nhân dân (xã Phú Thị) được ghi nhận có công với cách mạng; 40 cán bộ đảng viên, chiến sỹ lực lượng vũ trang (xã Kim Sơn) hy sinh được Tổ quốc đời đời ghi công; mãi mãi là những con số biết nói ghi nhận, tri ân công lao đóng góp của Nhân dân Phú Thị, Kim Sơn trong cuộc kháng chiến chống Pháp.
Xã Phú Thị, xã Kim Sơn được phong tặng “Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân” về thành tích kháng chiến chống Pháp.