Hái dừa khô ở Tiền Giang . Ảnh: Đức Thịnh |
Giá tăng từng ngày
Ông Bích ở xã Khánh Thạnh Tân (Mỏ Cày Bắc, Bến Tre), mua dừa khô tự hái tại vườn hơn chục năm qua, cho hay: “Giá dừa đang lên từng ngày”. Mới 4 hôm trước, ông vào vườn mua, mỗi chục 12 trái giá 81.000 - 83.000 đồng, hôm nay đã nhảy thêm 4.000 đồng thành 85.000 - 87.000 đồng. Loại trái 0,7 kg, mỗi chục đã có giá 73.000 đồng. Còn mua xô mỗi chục xấp xỉ 70.000 đồng.
Ở tỉnh Tiền Giang, một hộ dân mua dừa tươi ở ấp Me, thị trấn Tân Hiệp (Châu Thành, Tiền Giang) cho biết, 4 hôm trước, một chục giá 35.000 đồng, ngày 14-12, đã lên 38.000 đồng. Ở các tỉnh khác vùng ĐBSCL như Trà Vinh, Vĩnh Long, giá dừa trái cao tương tự.
Như thế, giá dừa trái sụt giảm ở những tháng đầu năm 2010, chỉ còn bằng 50 - 60% của năm 2009, thì bắt đầu tăng từ cuối tháng 8 và tăng liên tục, hiện đã đạt mức kỷ lục trước nay. Thời điểm cuối năm, chuẩn bị cho Tết nguyên đán, giá dừa thường tăng để sản xuất bánh kẹo và nhiều mặt hàng khác, tuy nhiên năm nay tăng cao hơn là do xuất hiện thêm nhiều doanh nghiệp Thái Lan sang mua.
Giá dừa khô bán cho cơ sở sản xuất cơm dừa, một chục đã trên 90.000 đồng và bán xuống tàu xuất khẩu là 100.000 đồng. Nhưng nguồn cung đang không đáp ứng đủ nhu cầu. Ở tỉnh Bến Tre, cán bộ của Cty TNHH Sản xuất và Kinh doanh tổng hợp Đông Á, doanh nghiệp sản xuất kẹo dừa lớn nhất tỉnh này, cho biết, Cty đang gặp khó khăn trong việc mua nguyên liệu mặc dù khách hàng nước ngoài đặt hàng khá lớn. Các doanh nghiệp khác cũng gặp khó khăn tương tự.
Những bất hợp lý
Bên cạnh nhu cầu dịp cận Tết nguyên đán tăng lên, còn có một nguyên nhân là vườn dừa ở ĐBSCL ít được đầu tư phát triển, tất cả đều do nông dân tự phát trồng và khai thác theo kinh nghiệm cổ truyền có phần lạc hậu. Dễ thấy là diện tích dừa lão hóa khá lớn.
Ông Trần Văn Quân, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tiểu Cần (Trà Vinh), một huyện có nhiều dừa, cho biết, diện tích dừa ở huyện không phát triển mới, phần lớn chăm sóc và cải tạo lại vườn dừa bị lão hóa nên cho sản lượng trái giảm.
Nhiều nhà vườn trồng dừa ở ĐBSCL chưa có thói quen bón phân cho dừa, thậm chí có người còn cho rằng “dừa không cần bón phân”. Việc cải tạo vườn dừa lão hóa bằng giống mới năng suất cao cũng chưa có chính sách khuyến khích.
Từ đó, việc khai thác thương mại theo nhu cầu lên xuống của thị trường với tính chất ăn xổi mà chưa xây dựng được một ngành công nghiệp dừa hợp lý. Mỗi lần giá dừa tăng, người trồng dừa phấn khởi thì doanh nghiệp chế biến lại lao đao.
Ông Lê Hữu Nghiệp, phụ trách đối ngoại của Cty TNHH Sản xuất và Kinh doanh tổng hợp Đông Á ở Bến Tre, cho biết, chính sách thuế hiện chưa có sự quan tâm hỗ trợ việc xây dựng ngành kinh tế sản xuất và chế biến dừa, khi các doanh nghiệp chế biến tại chỗ vừa tạo nhiều việc làm vừa đóng thuế và phần nào còn góp phần xây dựng vườn dừa.
Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Dừa Việt Nam, cho rằng các doanh nghiệp chế biến những sản phẩm phụ từ dừa đang phải chịu một mức thuế 4% cho đầu vào của nguyên liệu là hết sức vô lý.