Giá đất trước và sau khi có dự án chênh tới 700 lần

0:00 / 0:00
0:00
TPO - PGS.TS Doãn Thị Hồng Nhung, Phó Trưởng ban Pháp chế, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, có nơi giá đất trước và sau khi có dự án chênh từ 50 đến 700 lần. Con số này cho thấy, địa tô chênh lệch thể hiện rất rõ lợi ích của người dân, chủ đầu tư, Nhà nước dường như không công bằng…

Tại Tọa đàm chuyên đề "Đánh giá vòng 2 việc công khai thông tin kế hoạch sử dụng đất cấp huyện và bảng giá đất cấp tỉnh trên môi trường điện tử năm 2022" vừa diễn ra, PGS Doãn Thị Hồng Nhung, Phó ban Pháp chế Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, nhiều vụ án lớn về đất đai những năm qua ít nhiều có vi phạm về quyền tiếp cận thông tin của người dân. Trong đó, trục lợi chính sách thể hiện rất rõ từ giá đất và bảng giá đất.

Về vấn đề này, dẫn kết quả khảo sát của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, PGS Doãn Thị Hồng Nhung cho hay, có nơi giá đất trước và sau khi có dự án chênh từ 50 đến 700 lần.

“Con số này cho thấy, địa tô chênh lệch thể hiện rất rõ lợi ích của người dân, chủ đầu tư, Nhà nước dường như không công bằng và là hậu quả trong đầu tư kinh doanh”, bà Nhung nói.

Cũng theo bà Nhung, việc không minh bạch giá đất, quy hoạch còn là nguy cơ dẫn đến hoạt động rửa tiền, tham nhũng là những vấn đề nhức nhối trong xã hội.

Dù công khai kế hoạch sử dụng đất và bảng giá đất là một trong những nhiệm vụ mà chính quyền địa phương phải thực hiện theo luật, song theo bà Nhung, việc này còn rất nhiều vấn đề, có những nơi không công bố hoặc có công bố nhưng không đầy đủ.

Bên cạnh đó, việc công khai thông tin trên các website ở địa phương cũng chưa đồng bộ, mức độ không đồng đều.

Do đó, bà Nhung kiến nghị xây dựng, hoàn thiện Luật Đất đai sửa đổi, Luật Tiếp cận thông tin theo hướng hoàn thiện hơn việc thanh tra, kiểm tra trong hoạt động giám sát của người dân.

Giá đất trước và sau khi có dự án chênh tới 700 lần ảnh 1

Theo kết quả khảo sát của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, có nơi giá đất trước và sau khi có dự án chênh từ 50 đến 700 lần. Ảnh minh họa.

Trong khi đó, GS. Nguyễn Đăng Dung, Giảng viên khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, tính công khai, mức độ tiếp cận của người dân đối với thông tin về quy hoạch, giá đất hiện nay vẫn chưa rõ ràng, còn mập mờ.

“Việc mập mờ thông tin dẫn đến tình trạng một số ít, hoặc nhóm người nắm được thông tin này sẽ làm giàu thông qua tích trữ, đầu cơ đất đai; gây khó khăn cho công tác quản lý và thất thoát cho Nhà nước”, ông Dung phân tích.

Theo ông Dung, trong bối cảnh kinh tế thị trường, giá trị thông tin là rất lớn. Càng cung cấp cho người dân nhanh bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu và phần nào giải quyết tình trạng đầu cơ, tích trữ đẩy giá đất lên cao trong khi người có nhu cầu thực sự không mua được.

Do đó, ông Dung nhấn mạnh, một trong những điểm mấu chốt của lần sửa đổi Luật Đất đai này là làm sao người dân chủ động nắm bắt được thông tin về giá đất, về quy hoạch không tránh bị người nắm bắt thông tin đầu cơ, tích trữ.

Ông cũng đồng tình với ý tưởng cần có một trang thông tin thống nhất về giá đất, người dân có thể dễ dàng truy cập, thao tác để nắm bắt được giá đất, quy hoạch nơi mình đang ở. Cơ quan dân cử từ Quốc hội, HĐND các cấp, cho đến MTTQ các cấp cần giám sát việc công khai thông tin về đất đai cho người dân.

MỚI - NÓNG