Tàu nằm bờ chờ giá cá lên
Do giá cá ngừ giảm mạnh mà nhiều tàu cá tại TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa phải neo đậu tại cảng cá Hòn Rớ suốt nhiều tháng qua.
Đánh bắt không có lãi, ngư dân Khánh Hòa cho tàu nằm bờ suốt nhiều tháng qua. |
Ông Trần Hùng (chủ tàu KH 90117, ở phường Vĩnh Hòa, TP Nha Trang) không tổ chức ra khơi từ cuối tháng 9 đến nay và trong gần 30 năm làm nghề lưới rê chưa bao giờ ông cho tàu nằm bờ lâu như thời gian này. Mỗi chuyến ra khơi tàu của ông Hùng mang về khoảng 9-10 tấn cá ngừ, trước kia chủ vựa thu mua với giá ổn định khoảng 30.000 đồng/kg nhưng hiện giá cá giảm xuống chỉ còn khoảng 17.000 -19.000 đồng/kg.
"Với giá cá như vậy thì sau mỗi chuyến ra khơi, trừ hết các khoản chi phí từ dầu, đồ ăn, tiền công cho 10 bạn tàu (6-7 triệu đồng/người - PV), gần như tôi không có lãi, thậm chí có chuyến tôi còn bị lỗ", ông Hùng chia sẻ.
Theo ông Hùng, các chủ vựa có thông tin lại với ông về việc các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá ngừ tạm dừng thu mua nên buộc phải hạ giá cá như vậy. Nếu tình trạng này kéo dài nữa thì bà con làm nghề khai thác cá ngừ như ông không biết phải xoay xở như thế nào để lo cho cuộc sống của gia đình.
Hiện giá cá ngừ giảm xuống còn khoảng 17.000 - 19.000 đồng/kg. |
Chung cảnh ngộ, anh Giã Cường (chủ tàu KH 95327, ở xã Phước Đồng, TP Nha Trang) đã cho tàu nằm bờ được gần 2 tháng nay vì đánh bắt không có lãi. Theo anh Cường, ngày trước cá đánh bắt sau mỗi chuyến biển vừa tiêu thụ trong nước, vừa được các doanh nghiệp thu mua đưa về nhà máy chế biến, sản xuất đồ hộp xuất khẩu. Kể từ ngày có quy định về kích thước khai thác cá ngừ thì gần như không bán được cho doanh nghiệp.
"Khi doanh nghiệp không thu mua nữa thì ngư dân như chúng tôi không biết bán đâu cho hết với sản lượng cá đánh bắt được từ các tàu lớn như vậy. Cá ngừ tiêu thụ ở thị trường trong nước chủ yếu là người dân mua về ăn tươi, mà cá ăn tươi thì ở mình có nhiều loại cá ngon để lựa chọn nên số lượng cá ngừ được tiêu thụ trong nước là không đáng kể", anh Cường nói.
Quy định không phù hợp, cần sửa đổi
Ông Vũ Đình Đáp - Chủ tịch Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam - cho biết: Nguyên nhân chính khiến giá cá ngừ giảm mạnh là do Nghị định số 37/2024/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 8/3/2019 của Chính phủ, trong đó có quy định kích cỡ cá ngừ vằn cho phép khai thác là 50 cm và khối lượng cá khoảng từ 5 kg/con trở lên.
Theo ông Đáp, quy định này là không phù hợp với thực tế khai thác tại các địa phương ở nước ta. Hiện sản lượng khai thác của ngư dân chủ yếu là các loại cá ngừ dưới 2 kg/con và kích thước từ 30 cm trở lại. Sản lượng cá có thể đáp ứng kích thước tối thiểu như quy định chỉ chiếm khoảng 10%.
“Nếu các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu mua cá ngừ nhỏ hơn so với kích cỡ khai thác thì các cảng cá không cấp giấy xác nhận nguyên liệu. Do đó, các doanh nghiệp buộc phải dừng thu mua cá. Nhu cầu giảm mà nguồn cung vẫn giữ nguyên hoặc tăng lên thì việc cá bị dồn lại nhiều, giá giảm là điều không tránh khỏi”, ông Đáp cho hay.
Cá ngừ vằn đánh bắt đạt kích cỡ 50 cm chỉ chiếm khoảng 10% sản lượng đánh bắt. |
Chủ tịch Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam cũng cho biết, năm 2023, cả nước có hơn 2.200 tàu lưới vây và hơn 1.200 tàu lưới rê khai thác các loại cá ngừ với tổng sản lượng 60.000 - 70.000 tấn/năm. Quy định khai thác cá ngừ từ 50 cm trở lên hiện hành ảnh hưởng rất lớn đến nghề khai thác cá ngừ, không chỉ gây khó cho ngư dân mà cả các cơ sở chế biến, doanh nghiệp xuất khẩu cũng đều bị vướng.
“Tôi được biết trong khu vực Đông Nam Á hay trên thế giới chưa có nước nào có quy định về kích thước tối thiểu khai thác cá ngừ, nếu có thì họ chỉ đưa ra hạn ngạch khai thác”, ông Đáp nói thêm.
Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam cũng đã có văn bản gửi lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kiến nghị bộ này rà soát lại các quy định kích thước khai thác tối thiểu đối với cá ngừ vằn và có văn bản chỉ đạo điều chỉnh tới các địa phương ven biển và ban quản lý cảng cá để giải quyết việc cấp giấy xác nhận và giấy chứng nhận nguyên liệu thủy sản từ khai thác cho cá ngừ vằn, trong giai đoạn chờ sửa nghị định; tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung phụ lục Nghị định 37 trong thời gian sớm nhất theo hướng quản lý nghề khai thác cá ngừ vằn theo hạn ngạch để phù hợp với các luận cứ khoa học và cơ sở thực tiễn.