Ghi ở di tích đặc biệt

Ghi ở di tích đặc biệt
TP - Tiết trọng thu, nương theo những bảng lảng khói sương về Kiếp Bạc đúng ngày giỗ của Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn (tháng Tám giỗ Cha tháng Ba giỗ mẹ) và tản bước sang Côn Sơn lại cũng chả sướng sao!
Đúng dịp 712 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo, Tiểu đoàn 666 mang tên Trần Hưng Đạo (Quân Khu Tả Ngạn) viếng Đền Kiếp Bạc nhân 40 năm ngày truyền thống
Đúng dịp 712 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo, Tiểu đoàn 666 mang tên Trần Hưng Đạo (Quân Khu Tả Ngạn) viếng Đền Kiếp Bạc nhân 40 năm ngày truyền thống.

1. Không có cái may dự lễ đón Bằng Di tích đặc biệt quốc gia nhưng được chen vai thích cách ở Đền Kiếp Bạc đúng dịp Giỗ Cha lần thứ 712 (20 tháng Tám âm lịch) tai mắt mãi mới quen những la liệt tinh kỳ cùng trống chiêng rầm rĩ của Hội đua thuyền cùng là cuộc tập trận giả với muôn hồng ngàn tía văn nghệ chào mừng.

Không biết ngày đón Sắc có người xướng trang trọng bài văn tế Đền Kiếp Bạc nổi tiếng bao đời (tác giả là Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm) ba lần đánh đuổi giặc Nguyên cứu vớt sinh linh thoát ách man di/ Một phen khôi phục nhà Trần vãn hồi nước Nam ngời ngời phong hóa... Nhưng ngày Giỗ không thấy có xướng?

Một đám đông đỏ huyên náo ngay tam quan Đền. Chen đến hóa ra người ta đang chỉ trỏ bàn tán đôi câu đối chĩnh chiện Vạn Kiếp hữu sơn gia kiếm khí/ Lục đầu vô thủy bất thu thanh nổi tiếng của ông Thám hoa Vũ Phạm Hàm đề trên đó nghe nói cũng từ thời Nguyễn. Vạn Kiếp có ngọn núi nào thì đều vương hơi gươm kiếm/ Lục Đầu không con nước nào không vang tiếng đao binh đuổi giặc.

Làm nên sự huyên náo ồn ào có lẽ đầu têu là mấy ông vận áo the khăn đóng chừng như là chức sắc của ngành văn hóa địa phương đây? Các ông đương bàn đương cự rất hăng với mấy ông khách (chắc ở xa?) đại ý rằng tốp thợ ngõa đắp chữ câu đối đã nghe lầm chữ thung thành chữ thu!

Nghe bàn lẫn tán chợt giật mình hóa ra các ông kia đương lặp lại cuộc tranh luận hơn nửa thế kỷ nay mà vẫn chưa có hồi kết. Lúc thì trên hội thảo hội nghị. Khi trên giấy trắng mực đen các tạp chí chuyên san. Tóm lại chia làm hai phe.

Phe thì như cái ông vừa chém gió kia, thợ đắp chữ đã lầm thung thành thu. Hoặc trang thành chữ thu. “thung thanh”, hoặc là “trang thanh”, đều hàm nghĩa “âm vang cọc gỗ”.

Do gần giống về mặt âm, có thể cánh thợ đắp chữ đã nghe nhầm nên đắp chữ “trang”, hoặc chữ “thung” thành chữ “thu”, vừa không chỉnh đối, vừa rất… lạc nghĩa.

Lại nữa, nếu là “thu thanh” thì sông nào chẳng có “tiếng thu” khi gặp gió lớn sóng to. Nếu là “thung thanh” thì chỉ có sông Bạch Đằng (Lục Đầu) mới có tiếng đóng cọc mà thôi” (chỉ sự kiện Ngô Quyền đại phá quân Nam Hán năm 939 và Trần Hưng Đạo đại phá Nguyên Mông năm 1288).

Nhưng phe kia khăng khăng rằng, cụ Thám hoa Vũ Phạm Hàm đâu có phải gà mờ! Nên nhớ Tam nguyên Vũ Phạm Hàm, đậu Thám Hoa nhưng thực chất là Thủ khoa (Đình Nguyên), giành học vị đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ khoa thi Đình đời vua Thành Thái năm thứ tư (năm 1892, khoa thi này không lấy Trạng Nguyên và Bảng Nhãn).

Nếu cụ dùng chữ “thung thanh” thay cho “thu thanh” thì đâu còn là uẩn súc lẫn thâm thúy nữa! Bởi “thu thanh” trong câu đối thì “thu” là mùa thu, với nghĩa hàm súc là để chỉ chiến tranh và đau thương tang tóc.

Hiểu theo nghĩa này, “thu thanh” có thể hiểu là “tiếng đau thương, tang tóc”, hoặc “tiếng binh đao” đối với “hơi gươm kiếm” ở vế trên là chan chát và chuẩn cả về chữ lẫn nghĩa.

Như vậy, hơn một thế kỷ nay câu đối của bậc đại khoa ấy đã trơ gan cùng tuế nguyệt không những toát lên khí phách oai hùng của những trận chiến chống quân Nguyên xâm lược mà còn là thông điệp cho bao thế hệ nước Nam!

Ngày Giỗ Cha Đền Kiếp Bạc năm nay cũng khá phong phú xôm tụ. Có rất đông người (trong đó chắc lắm vị có chữ?) bàn lẫn tán một đôi câu đối của tiền nhân ra đời chẵn 110 năm về Đền thiêng Kiếp Bạc này có lẽ cũng là cái lạ lẫn hay?

Nhân chuyện câu đối, những lần đến Đền Kiếp Bạc thấy có kha khá những bức hoành phi câu đối của khách thập phương tiến cúng.

Không rõ số tồn kho là bao nhiêu nhưng số treo và trưng trong Đền nhiều thứ, chưa nói đến những nội dung ước lệ mòn sáo, chữ viết chưa chuẩn? Có lẽ vì thế nên trong cuốn Di sản Hán Nôm, Sở VHTT Hải Dương và Ban QLDT Kiếp Bạc còn đôi hồi chưa vội dịch những câu đối mới này để cung cấp cho khách thập phương? Hồi nãy nghe chuyện một vị túc nho, thấy cũng có lý là Ban QLDT nên chọn những câu đối toát nên các sắc thái khác nhau phong phú về cuộc đời vị anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo ngõ hầu để có thông điệp nhân văn cho hậu thế? Tỷ như một câu đối trong Đền Trừu thuần tín khởi chiêm nê mã/ Phi kiếm trung hồi phiếm mã chu (Vứt đầu gậy lòng tin lầm ngựa đá/ Vung kiếm trừ giặc tôi trung hộ thuyền vua). Câu đối dùng ngay điển tích nhà Trần.

Đó là chuyện quên thù nhà đặt lợi ích quốc gia là tối thượng! Sử chép nhiều đến mối hiềm của cha Trần Quốc Tuấn là An sinh vương Trần Liễu.

Lúc sắp mất, ông cầm tay Quốc Tuấn, trăng trối “Con không vì cha lấy được thiên hạ, thì cha chết dưới suối vàng cũng không nhắm mắt được”.

Quốc Tuấn ghi để trong lòng, nhưng không cho là phải. Đến khi vận nước lung lay, quyền quân quyền nước đều do ở mình, Trần Quốc Tuấn đem lời cha trăng trối để dò ý hai thuộc tướng thân tín Dã Tượng và Yết Kiêu.

Hai thuộc hạ can: “Làm kế ấy tuy được phú quý một thời nhưng để lại tiếng xấu ngàn năm. Nay Đại Vương há chẳng đủ phú và quý hay sao? Chúng tôi thề xin chết già làm gia nô, chứ không muốn làm quan mà không có trung hiếu”...Trần Quốc Tuấn cảm phục đến khóc, khen ngợi hai người.

Một hôm Trần Quốc Tuấn đem chuyện ấy hỏi người con thứ là Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng. Tảng thưa rằng nên làm... đảo chính! Trần Quốc Tuấn rút gươm ra: “Tên loạn thần là từ đứa con bất hiếu mà ra” và định giết Quốc Tảng. Chúng can ngăn khóc lạy. Trần Quốc Tuấn mới tha.

Năm Ất Dậu (1285), thế quân Nguyên Mông quá mạnh, hai vua Trần ngầm đi chiếc thuyền nhỏ để đánh lừa quân giặc.

Đại Việt sử ký toàn thư còn chép: “Lúc ấy, xa giá nhà vua đang phiêu giạt, mà Trần Quốc Tuấn vốn có kỳ tài, lại còn mối hiềm cũ của An Sinh vương, nên có nhiều người nghi ngại. Trần Quốc Tuấn theo vua, tay cầm chiếc gậy có bịt sắt nhọn. Mọi người đều gườm mắt nhìn. Trần Quốc Tuấn liền rút đầu sắt nhọn vứt đi chỉ chống gậy không mà đi.

Lời ấy phải quá đi rồi. Nhưng ngặt nỗi sẽ gây bận bịu cho Ban QLDT! Nội việc thuyết minh cũng mệt? Nhưng Di tích đặc biệt có lẽ cần phải thế chăng?

2. Bám theo một đoàn khách thập phương, lần đến khu gò cây cối um tùm có tên là Viên Lăng. Đồn đây là mộ người anh hùng Trần Hưng Đạo.

Sử chép hai tháng trước khi mất, vua Anh Tông đến thăm lúc Trần Hưng Đạo đang ốm, có hỏi:  Nếu chẳng may ông mất đi, giặc phương Bắc lại sang xâm lấn thì kế sách làm sao?

Ông đã trăng trối những lời cuối cùng: Thời bình phải khoan thư sức dân để làm kế sâu gốc bền rễ, đó là thượng sách giữ nước.

Mùa thu tháng Tám, ngày 20, năm Canh Tý, Hưng Long thứ 8 (1300) “Bình Bắc đại nguyên soái” Hưng Đạo đại vương qua đời.

Theo lời dặn lại, thi hài ông được hỏa táng thu vào bình đồng và chôn trong vườn An Lạc, giữa cánh rừng An Sinh miền Đông Bắc, không xây lăng mộ, đất san phẳng, trồng cây như cũ...

Chao ôi vĩ đại dường ấy! Cũng bình dị khiêm nhường dường ấy. Trộm nghĩ những chuyện đại loại cho rằng khi mất, con cháu Trần Hưng Đạo làm 72 cái quan tài chia và đi về 72 phía và chôn ở 72 nơi khác nhau, cũng chỉ là đồn đại không hợp với tính cách một nhân tướng dũng tướng như Trần Hưng Đạo! Gần đây có về Thái Bình, người ta dẫn đến một khu xây cất khá hoành tráng.

Một ngôi mộ bằng đá to đùng trên đề chữ Đại Vương. Mé phải đề chữ Trần. Trái đề chữ Lăng. Trước mộ có cái hòm công đức to tướng. Nói là mộ Trần Hưng Đạo. Quả lạ mắt lẫn lạ tai!

Chợt bên cạnh có người kháo cái chuyện có lần người ta đã mang máy dò về tìm mộ Đức Ngài tại khu vực Viên Lăng... Không biết thực hư ra sao? Chợt giật mình, nhiều tỷ đồng ngân sách đã và đang được bổ sung cho Di tích đặc biệt này.

Nói dại mồm, ai đó sẵn tiền hứng lên làm cái việc đục bỏ đôi câu đối trên cổng tam quan kia của nhà đại khoa Vũ Phạm Hàm! Dại nữa người ta cố công để minh chứng khu gò Viên Lăng đây là mộ cụ Trần Hưng Đạo những là đào bới xây cất nham nhở ra thì không biết sự thể sẽ thế nào? Ấy may mà mới chợt nghĩ... dại vậy thôi!

3. Tha thẩn Kiếp Bạc chán lại vòng lên Côn Sơn đến viếng chùa Côn Sơn và Đền Nguyễn Trãi cũng vừa nhận sắc phong Di tích đặc biệt.

Dấu vết cuộc đón Bằng di tích khá hoành tráng mới ba hôm trước còn vương vãi đây đó... Khỏi biên ra đây con số nhiều trăm mét khối gỗ lim tứ xứ cùng đá xanh xứ Thanh được quy tập về đây xây đền nhiều năm trước... Và nữa, dấu tích các lãnh đạo quốc gia lẫn địa phương đến tham quan Đền. Cơ man nào là ảnh chụp, bút tích.

Ông bạn cùng đi lắm chữ hồi nãy chỉ cho tôi hai tấm ảnh lưu bút tích của hai vị. Cụ Võ Nguyên Giáp với những dòng rắn rỏi gọn ngắn Dân nước Nam ta đời đời ghi nhớ tấm gương nghĩa liệt của vị anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi (Võ Nguyên Giáp ngày 4-10-1993).

Và bức bên kia của cụ Nguyễn Văn Linh tiếc thay vị anh hùng dân tộc đáng tôn kính lại bị kết liễu cuộc đời một cách rất thương tâm. Bài học của Nguyễn Trãi mong rằng các thế hệ ngày nay mà mai sau là những người có chức có quyền không được đối xử với những người ưu ái với dân nước như những bọn tham quan ô lại đối xử với Nguyễn Trãi... (Nguyễn Văn Linh, ngày 22-5-1993).

Anh bạn thở dài vuốt nhẹ tấm biển rằng, khu di tích đặc biệt này nên có nhiều trích đoạn về vị anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi như cụ Linh đây...

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Lý do giá vàng thế giới biến động mạnh
Lý do giá vàng thế giới biến động mạnh
TPO - Dù đang trên đà giảm, giá vàng thế giới có mức tăng nhẹ trong phiên giao dịch ngày 24/4. Khi tình hình chính trị ở Trung Đông chưa có thêm căng thẳng thì dữ liệu kinh tế Mỹ, lộ trình lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ lại tác động giá vàng.