Ghi nhận ca tử vong đầu tiên do sởi ở người lớn

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Viện Y học Nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) vừa ghi nhận ca tử vong đầu tiên do sởi ở người lớn trong năm 2025. Bệnh nhân là người có bệnh nền nặng, tử vong sau hai tuần điều trị tích cực. Đáng lo ngại, số ca mắc sởi ở người lớn đang có chiều hướng gia tăng với tỉ lệ biến chứng nghiêm trọng.

PGS.TS Đỗ Duy Cường, Viện trưởng Viện Y học Nhiệt đới cho biết, bệnh nhân tử vong là người mắc sởi trên nền phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) và đái tháo đường. “Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng viêm phổi nặng, phải lọc máu, chạy ECMO (hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể), nhưng sau 2 tuần điều trị vẫn không qua khỏi”, TS. Cường nói.

Sởi tấn công người lớn: Nguy cơ bị xem nhẹ

Theo thống kê của Viện Y học Nhiệt đới, mỗi ngày đơn vị tiếp nhận từ 10 đến 20 bệnh nhân sởi là người trưởng thành. Đa số có triệu chứng điển hình như sốt cao, phát ban, ho, chảy nước mắt, nước mũi. Tuy nhiên, nhiều ca đến viện khi đã có biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, suy hô hấp, tiêu chảy, tăng men gan hoặc thậm chí là viêm não - màng não.

“Điểm chung ở nhiều ca bệnh nặng là chưa từng tiêm vắc xin phòng sởi, hoặc có tiêm từ nhỏ nhưng không tiêm nhắc lại khi trưởng thành. Phần lớn người bệnh ở độ tuổi từ 30 - 50, chủ quan vì nghĩ sởi là bệnh của trẻ nhỏ và có thể tự khỏi”, PGS.TS Cường cho biết.

Đặc biệt, từ cuối năm 2024 đến nay, Viện Y học Nhiệt đới đã khám và điều trị cho 104 ca mắc sởi ở người lớn, trong đó 5% diễn biến nặng cần can thiệp máy móc, 2 ca thở máy xâm nhập, 1 ca phải chạy ECMO. “Điều đáng lo là 75% bệnh nhân không nhớ rõ đã tiêm chủng vắc xin sởi hay chưa”, ông Cường chia sẻ.

Không chỉ ở người trung niên, viện từng tiếp nhận trường hợp bệnh nhân 70 tuổi mắc sởi biến chứng nặng. “Khi hệ miễn dịch suy giảm, người lớn không còn được bảo vệ hoàn toàn dù từng mắc sởi khi nhỏ”, bác sĩ Cường cảnh báo.

Biến chứng nguy hiểm

Sởi vốn là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây qua đường hô hấp với hệ số lây nhiễm rất cao. Người bệnh có thể lây cho 12 đến 18 người nếu không được cách li kịp thời. Bệnh đặc biệt nguy hiểm ở nhóm người có bệnh nền như đái tháo đường, tim mạch, COPD hoặc suy giảm miễn dịch.

PGS.TS Đỗ Duy Cường cảnh báo: “Nhiều người vẫn cho rằng sởi là bệnh lành tính, nhưng thực tế bệnh có thể gây tử vong nếu biến chứng nặng mà không điều trị kịp thời. Các biến chứng nặng gồm viêm đường hô hấp trên, viêm phổi, suy gan, suy thận, suy đa phủ tạng, phải đặt ống nội khí quản, lọc máu…”.

Ghi nhận ca tử vong đầu tiên do sởi ở người lớn ảnh 1

PGS.TS Đỗ Duy Cường và các bác sĩ thăm khám cho một bệnh nhân mắc sởi.

Các chuyên gia nhắc nhở, khi có các dấu hiệu nghi sởi như sốt cao, phát ban, ho kéo dài, nên đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị sớm. Ngoài ra, việc đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, tránh tiếp xúc với người nghi mắc sởi cũng là biện pháp hữu hiệu để hạn chế lây lan.

Hiện nay, dù dịch sởi có xu hướng giảm nhẹ so với giai đoạn đầu năm, nhưng theo cảnh báo từ Bộ Y tế, vẫn chưa thể chủ quan. Đặc biệt, sự gia tăng các ca bệnh ở người trưởng thành, thậm chí có tử vong, là dấu hiệu cho thấy dịch bệnh có thể đang âm thầm lan rộng trong cộng đồng nếu không kiểm soát chặt chẽ.

Không ít người trưởng thành vẫn cho rằng sởi là bệnh “của trẻ em” và sẽ tự khỏi sau vài ngày. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đây là quan niệm sai lầm, đặc biệt nguy hiểm khi bệnh nhân có bệnh nền hoặc hệ miễn dịch suy yếu.

“Chúng tôi ghi nhận khoảng 5% ca nhập viện vì sởi ở người lớn có biến chứng nặng, trong đó có những trường hợp phải thở máy, lọc máu hoặc chạy ECMO”, PGS.TS Đỗ Duy Cường, Viện trưởng Viện Y học Nhiệt đới cảnh báo.

Các biến chứng nguy hiểm khi người lớn mắc sởi gồm: viêm phổi nặng, suy hô hấp; viêm đường hô hấp trên; tăng men gan, suy gan; tiêu chảy kéo dài, mất nước; viêm não - màng não; suy đa phủ tạng, phải lọc máu và nguy cơ tử vong nếu điều trị muộn.

Đặc biệt, những người trên 30 tuổi, chưa tiêm hoặc không nhớ rõ lịch sử tiêm chủng, có bệnh nền như đái tháo đường, tim mạch, phổi tắc nghẽn mãn tính, thuộc nhóm có nguy cơ cao diễn tiến nặng nếu mắc sởi.

Việc đến bệnh viện muộn khi bệnh đã biến chứng là nguyên nhân chính khiến nhiều ca điều trị trở nên khó khăn. Do đó, người lớn không được chủ quan với bệnh sởi, nhất là trong bối cảnh dịch có xu hướng lan rộng.

Vắc xin – chìa khóa kiểm soát dịch

Theo Bộ Y tế, tính đến đầu tháng 4/2025, cả nước đã ghi nhận hơn 54.000 ca mắc sởi, trong đó nhiều ca sốt phát ban nghi sởi vẫn tiếp tục được ghi nhận rải rác ở các tỉnh miền núi, vùng sâu vùng xa – nơi tỉ lệ tiêm chủng còn thấp, điều kiện tiếp cận y tế hạn chế.

Trước tình hình này, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc xin sởi, nhất là ở nhóm nguy cơ cao. Đồng thời, các cơ sở y tế cần bố trí khu vực khám riêng cho người nghi mắc sởi, tăng cường truyền thông qua nhiều hình thức để người dân nhận diện bệnh và chủ động phòng tránh.

Ghi nhận ca tử vong đầu tiên do sởi ở người lớn ảnh 2

Cần thiết tiêm vắc xin phòng sởi cho cả trẻ em và người lớn

Vắc xin sởi hiện được tiêm miễn phí trong chương trình Tiêm chủng mở rộng, mũi đầu tiên lúc 9 tháng tuổi, mũi nhắc lại khi trẻ 18-24 tháng. Với người lớn chưa từng tiêm hoặc không nhớ rõ, chuyên gia khuyến cáo nên tiêm lại vắc xin sởi – quai bị – rubella (MMR) để đảm bảo miễn dịch đầy đủ.

“Vắc xin là biện pháp phòng bệnh đơn giản nhưng hiệu quả, an toàn. Tiêm đầy đủ không chỉ giúp bảo vệ bản thân mà còn là cách kiểm soát sự bùng phát trong cộng đồng”, PGS.TS Cường nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG
Trend yêu nước phủ đỏ mạng xã hội
Trend yêu nước phủ đỏ mạng xã hội
TPO - Những ngày này, nhiều trào lưu bày tỏ lòng yêu nước được lan tỏa khắp mạng xã hội. Các nghệ sĩ cũng góp phần truyền đi thông điệp tích cực về lòng tự tôn dân tộc. Hình ảnh NSND Xuân Bắc đặt lá cờ Tổ quốc lên ngực, video "Hòa bình đẹp lắm" của hoa hậu Huỳnh Thị Thanh Thủy, Hà Myo gây sốt mạng xã hội. 
Bình luận