GDP bình quân đầu người tăng 440 USD so với năm 2015

Các doanh nghiệp FDI góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế. ảnh: Như Ý
Các doanh nghiệp FDI góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế. ảnh: Như Ý
TP - Báo cáo tình hình kinh tế, xã hội trước Quốc hội sáng 22/10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm đạt 6,98%, ước cả năm vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra (6,7%). Quy mô nền kinh tế tăng mạnh, ước đạt trên 5,5 triệu tỷ đồng (khoảng 240,5 tỷ USD), GDP bình quân đầu người ước đạt 2.540 USD, tăng 440 USD so với năm 2015. Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực và thế giới.

Tăng trưởng cao, chống tham nhũng quyết liệt

Báo cáo trước Quốc hội về tình hình kinh tế, xã hội năm 2018 và kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2019 trong phiên khai mạc, sáng 22/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, nhờ kiên định mục tiêu đề ra từ đầu nhiệm kỳ là ưu tiên kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh nền kinh tế, xã hội đạt được nhiều kết quả tích cực. Tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 6,98%, ước cả năm vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra (6,7%). Cả năm dự kiến sẽ đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, trong đó có 8 chỉ tiêu vượt.

“Với xu hướng tốt như hiện nay, tăng trưởng GDP giai đoạn 2016 - 2020 có thể sẽ đạt mục tiêu Quốc hội đề ra là 6,5 - 7%, cao hơn bình quân giai đoạn 2011 - 2015 (5,91%). Quy mô nền kinh tế tăng mạnh, năm 2018 ước đạt trên 5,5 triệu tỷ đồng (khoảng 240,5 tỷ USD), gấp trên 1,3 lần năm 2015. GDP bình quân đầu người ước đạt 2.540 USD, tăng 440 USD so với năm 2015”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Về sắp xếp tổ chức, bộ máy, đấu tranh phòng chống tham nhũng, Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã ban hành các nghị định, quyết định để thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; đã giảm số lượng lớn các tổng cục, vụ, cục thuộc các bộ và giảm trên 86,3 nghìn biên chế, trong đó có 12,4 nghìn công chức. Công tác thanh tra được tập trung triển khai theo kế hoạch, trong đó đã ban hành kết luận thanh tra đối với nhiều vụ việc nghiêm trọng, dư luận xã hội quan tâm (như AVG, cảng Quy Nhơn, Hãng phim truyện Việt Nam, đất đai tại Đà Nẵng, Thủ Thiêm…), thu hồi số lượng tiền, tài sản lớn về cho Nhà nước. Bên cạnh đó, tập trung điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh các vụ án phức tạp, nhân dân quan tâm (như vụ đánh bạc trên internet, sai phạm tại một số ngân hàng thương mại, vụ “Vũ nhôm”, “Út trọc”…), được cử tri cả nước đồng tình, ủng hộ.

GDP bình quân đầu người tăng 440 USD so với năm 2015 ảnh 1 Thủ tướng Chính phủ  Nguyễn Xuân Phúc
Khắc phục lãng phí nguồn lực đất đai
Thủ tướng cũng chỉ ra một số khó khăn, hạn chế về kinh tế, xã hội, như sức ép lạm phát còn lớn do tác động của nhiều yếu tố, nhất là biến động tỷ giá, lãi suất, xu hướng tăng giá dầu thô trên thị trường quốc tế và yêu cầu thực hiện lộ trình giá thị trường đối với điện, dịch vụ giáo dục, y tế... Tính tự chủ của nền kinh tế từng bước được nâng lên nhưng chưa đáp ứng yêu cầu, khả năng chống chịu trước những biến động bên ngoài còn hạn chế. Giải ngân vốn đầu tư công, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn ở nhiều bộ ngành, địa phương chậm. Sản xuất kinh doanh nhiều lĩnh vực còn khó khăn…Theo Thủ tướng “đây là áp lực lớn mà các cấp, các ngành và khu vực kinh tế trong nước cần vượt qua”.

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,6 - 6,8% trong năm 2019, Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ tiếp tục: Củng cố nền tảng vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế; Tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng; Triệt để tiết kiệm, chống lãng phí và cắt giảm mạnh chi hội họp, đi công tác trong, ngoài nước; Nâng cao hiệu quả sử dụng, khắc phục tình trạng lãng phí các nguồn lực đất đai, tài nguyên, khoáng sản; Quyết liệt rà soát, đơn giản hóa, cắt giảm hơn nữa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh. Siết chặt kỷ luật hành chính, tăng cường thanh tra công vụ. Cũng theo Thủ tướng, Chính phủ đồng thời giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài; nghiêm túc thi hành các bản án hành chính đã có hiệu lực.

Tán thành với các giải pháp mà Chính phủ đề ra nhưng Ủy ban Kinh tế của Quốc hội lưu ý cần hoàn thiện thể chế và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để: Thực thi và khai thác những cơ hội từ Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), triển khai thực hiện Hiệp định tạo thuận lợi thương mại của WTO một cách có hiệu quả; Phòng ngừa, hạn chế rủi ro, đồng thời tận dụng tốt nhất các cơ hội trong bối cảnh kinh tế, thương mại, tài chính thế giới có những biến động phức tạp và nhanh chóng với sự tác động của các nước lớn.

Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị Chính phủ: Chấn chỉnh, xử lý nghiêm các sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai, nhất là ở các thành phố lớn; Rà soát lại toàn bộ hệ thống quy hoạch, triển khai xây dựng sớm hệ thống quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành, quy hoạch tỉnh, quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng, bảo đảm tính kết nối đồng bộ; Sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai, kiểm soát chặt chẽ việc phê duyệt chuyển đổi mục đích sử dụng đất và điều chỉnh quy hoạch phân khu chức năng, tránh lợi ích cục bộ và lợi ích nhóm; Rà soát, xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật trong đầu tư xây dựng cơ bản để tránh lãng phí, nâng cao hiệu quả đầu tư.

MỚI - NÓNG
Huyện miền núi Nam Trà My đề xuất xây thêm 15 thủy điện, có xã thêm... 8 thủy điện
Huyện miền núi Nam Trà My đề xuất xây thêm 15 thủy điện, có xã thêm... 8 thủy điện
TPO - Trên địa bàn hiện có 12 thủy điện, tuy nhiên huyện Nam Trà My (Quảng Nam) đề xuất thêm 15 thủy điện vì cho rằng, với tiềm năng về phát triển năng lượng tái tạo hiện có, kết cấu hạ tầng truyền tải điện cơ bản hoàn thiện với cấp điện áp 110kV, và nhu cầu tiêu thụ điện tương đối lớn nên việc đầu tư, phát triển nguồn điện trên địa bàn huyện hiện nay là rất cần thiết.