Khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng 6 - 6,5% trong năm 2012 gần như không thể xảy ra. |
Theo số liệu kinh tế - xã hội 9 tháng do Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố trước thêm phiên họp thường kỳ của Chính phủ, Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 9 tháng năm 2012 tuy thấp hơn so với cùng kỳ năm trước (GDP chín tháng năm 2011 là 5,77%), nhưng tốc độ tăng GDP qua từng quý có xu hướng tăng (quý I-2012 là 4,00%; quý II tăng 4,66%; quý III tăng 5,35%).
Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế 9 tháng năm nay, lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,48%, đóng góp 0,4% vào mức tăng trưởng chung; lĩnh vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,36%, đóng góp 1,82%; lĩnh vực dịch vụ tăng 5,97%, đóng góp 2,51%.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) chỉ tăng 4,8% so với 9 tháng đầu năm 2011. Cùng kỳ năm ngoái, con số này là 7,8%. Sức mua cũng bị hạn chế khi tổng mức bán lẻ hàng hóa - dịch vụ chỉ tăng 17,3%, trong khi cùng kỳ là 22,8%.
Tồn kho (tính đến 1/9 là 20,4%) tuy vẫn ở mức cao nhưng đã có xu hướng giảm dần so với mức gần 35% hồi cuối quý I.
Tín hiệu tương đối lạc quan khác là xuất khẩu vẫn tăng trưởng gần 20%, đạt gần 83,8 tỷ USD sau 9 tháng. Nhập khẩu đạt gần 83,76 tỷ USD, khiến Việt Nam xuất siêu hơn 30 triệu USD sau 3 quý.
Tính đến 20-9, cơ quan quản lý đầu tư đã cấp giấy chứng nhận cho 775 dự án FDI vào Việt Nam, nhiều hơn 100 dự án so với cùng kỳ 2011. Số vốn đăng ký đạt hơn 6,1 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với mức hơn 8,2 tỷ USD của cùng kỳ 2011.
Theo đánh giá của các chuyên gia Tổng cục Thống kê, mức tăng trưởng trên là hợp lý trong điều kiện cả nước tập trung thực hiện mục tiêu của năm 2012 là ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Tuy nhiên, báo cáo cũng cho thấy, trong tháng 9, lạm phát cao đã quay trở lại với việc tốc độ tăng CPI bất ngờ lên tới 2,2% so tháng 8 và đưa chỉ số giá tiêu dùng tăng so tháng 12-2011 là 5,23%. Điều này làm dấy lên lo ngại, mục tiêu kiềm lạm phát dưới 7% trong năm nay là khó thực hiện được.
Tình hình hiện tại đặt ra những lo ngại cho sức khỏe doanh nghiệp trong quý cuối cùng của năm khi giá cả đầu vào tăng, tiêu thụ đầu ra vẫn còn hạn chế, từ đó ảnh hưởng tới thu ngân sách trong cả năm và sang cả 2013. Tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến 15-9-2012 ước tính đạt 468,6 nghìn tỷ đồng, mới chỉ bằng 63,3% dự toán năm.
Dựa theo các chỉ số mới công bố, đúng theo dự báo của các cơ quan chức năng, khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng 6 - 6,5% trong năm 2012 gần như không có khả năng xảy ra, thấp hơn cả dự tính của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra trước đó, trong khoảng 5,5-5,6%.