Theo phản ánh của người dân thôn Phù Xá, xã Văn Môn, huyện Yên Phong (Bắc Ninh), khoảng 10 năm nay, họ luôn phải sống trong tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do chất thải, khí thải xả ra từ Cty TNHH Vạn Lợi và nhiều hộ gia đình nhỏ lẻ khác ở thôn Mẫn Xá làm nghề cô đúc nhôm.
Hoạt động cô đúc nhôm được công ty này cùng các hộ gia đình diễn ra 24/24. Do đó, hết cột khói này đến cột khói khác bốc lên nghi ngút. Các hộ gia đình sinh sống ở 2 thôn Mẫn Xá và Phù Xá chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ hoạt động này. Họ luôn phải đóng kín cửa, che chắn cả nhà. Tuy nhiên, mùi khí thải bốc ra nồng nặc, nhất là những ngày trời mưa.
Bà Thành, một người dân thôn Phù Xá cho biết: “Nhà dân thường làm ngày, nghỉ đêm, còn Cty TNHH Vạn Lợi hoạt động 24h/24h. Chúng tôi đi chợ toàn phải đi đường vòng, ra đó khói bụi mù mịt không thở được”. Cũng theo bà Thành, trước đây, người dân từng đóng góp mỗi nhà vài chục nghìn để cho các cụ bô lão đại diện làng lên kêu cứu trên Trung ương, song kết quả vẫn không khả thi.
Theo thống kê của UBND xã Văn Môn, hiện xã có khoảng 2.245 hộ dân, trong đó khoảng 1.080 hộ kinh doanh buôn bán, chủ yếu là mua bán phế liệu, tái chế nhôm, làm đồ gỗ, sản xuất rượu. Chỉ riêng tại thôn Mẫn Xá có khoảng 160 hộ dân làm nghề cô đúc nhôm.
Nguyên liệu chủ yếu là các kim loại màu thải, trong đó nhôm phế liệu khoảng 500 tấn/ngày, sử dụng nhiên liệu than đá đốt lò khoảng 1.200kg/ngày. Nguồn khí thải từ hoạt động phế liệu, cô đúc nhôm như CO, CO2, NO2, SO2…và chất thải rắn không qua xử lý thải trực tiếp ra ngoài môi trường.
Không hợp tác với chính quyền
Theo ông Nguyễn Hoàng Gia, Phó Chủ tịch UBND xã Văn Môn, Cty TNHH Vạn Lợi hoạt động được khoảng chục năm nay. Trước công ty này do ông Mẫn Văn Vinh làm giám đốc, năm 2010 ông này chết, sau đó, công ty được giao cho con trai là Mẫn Văn Khắc làm giám đốc, quản lý.
Ông Gia cho hay, công ty này chuyên xử lý chất thải rắn cho Cty Honda Việt Nam. “Chúng tôi được biết Cty TNHH Vạn Lợi có xây dựng hệ thống xử lý khí thải được Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cấp phép vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại.
Tuy nhiên, công ty gần như không hợp tác với chính quyền địa phương, không cung cấp bất cứ hồ sơ, giấy tờ nào cho chính quyền xã để kiểm tra. Nhiều lần dân làng bức xúc phản ánh tại các cuộc tiếp xúc cử tri với lãnh đạo huyện, tỉnh, song tình trạng ô nhiễm vẫn không được cải thiện” – Phó Chủ tịch UBND xã Văn Môn bức xúc.
Cũng theo ông Gia, trước đây ông cùng lãnh đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh xuống kiểm tra về vấn đề an toàn lao động, quyền lợi của người lao động…song công ty không đón tiếp. Theo ông Gia, công nhân của công ty này chủ yếu từ các tỉnh xa như Nghệ An, Thanh Hóa tới làm, chủ yếu là lao động thời vụ. Do ảnh hưởng từ hít thở các khí thải ô nhiễm, nhiều người già và trẻ nhỏ trong xã bị các bệnh về đường hô hấp.
Ông Gia cho hay, dù doanh thu lớn nhưng công ty này cũng chưa bao giờ đóng góp cho ngân sách xã nhà. Các xe tải, container của công ty này nhiều lần dừng đỗ trên trục đường chính, gây ùn tắc giao thông, công an xã đến cũng chỉ nhắc nhở, không xử phạt được.
Ông Phạm Đức Định, Phó trưởng phòng TN&MT huyện Yên Phong cũng ngán ngẩm: “Cty TNHH Vạn Lợi có đánh giá tác động môi trường. Chúng tôi chỉ phối hợp với Sở TN&MT tỉnh trong các đợt kiểm tra. Tuy nhiên, các biên bản đều do sở nắm giữ nên chúng tôi không biết kết quả cụ thể”.