Trong cuộc sống thường nhật, mọi người dùng trà để thư giãn, tỉnh táo làm việc, không khác gì sự thịnh hành của văn hóa cà phê Phương Tây. Trà còn như một phương thuốc dân gian chữa các bệnh như: đau đầu, tiêu hóa, kiết lỵ...
Nói về trà, nổi tiếng và lâu đời nhất phải nói đến trà Tân Cương, Thái Nguyên. Được sự ưu ái về thổ nhưỡng, khí hậu, trà Tân Cương mang đến những sản phẩm chè ngon đặc biệt không nơi nào có được. Không quá lời khi nói rằng, Tân Cương là vùng cho ra đời những giống trà ngon nhất Việt Nam.
Ông Trần Vũ Hoàng, Cty Trà Tâm Giao (chủ chuỗi cửa hàng Việt Cổ Trà) ngõ 143 Trung Kính, Yên Hoà, Cầu Giấy - một trong những đơn vị đầu tiên trong phong trào gây dựng văn hóa trà Việt tại Hà Nội cho biết: “Cứ thử thưởng thức trà Việt chất lượng thì chắc chắn người dùng sẽ không còn mặn mà với trà Nhật, trà Tàu”.
Trà Lộc Xuân Tân Cương được người nông dân hái thủ công từ 100% búp chè tươi của vùng đất Tân Cương, Thái Nguyên. Người hái phải tuân theo nguyên tắc “một tôm hai lá, một cá hai chừa” để được những búp chè ngon nhất và tạo điều kiện cho lứa chè sau có nhiều búp hơn.
Cùng một búp trà, nhưng cách hái cho ra những hương vị khác nhau mà người sành thưởng trà có thể cảm nhận được. Ngoài ra quá trình xao chế bằng than củi thủ công theo cách tính thời gian của các nghệ nhân cũng ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng trà thành phẩm.
Theo ông Vũ Hoàng, không chỉ có Tân Cương (Thái Nguyên), trà Việt còn có nhiều vùng chất lượng như: Suối Giàng (Yên Bái), Cao Bồ (Hà Giang)... tuy nhiên chúng ta lại chưa có sản phẩm trà ổn định và có thương hiệu nên ít người yêu trà biết đến.
“Một ấm trà ngon cũng chỉ có giá từ 30.000 đồng, 5 người có thể ngồi thưởng trà, hàn huyên”, ông Hoàng nói. Với mong muốn phổ biến văn hóa thưởng trà ngon đến từng người dân, ông Vũ Hoàng đau đáu: “Gây dựng nền móng luôn vất vả nhưng một ngày không xa, văn hóa thưởng trà cùng những giá trị của những búp trà Việt sẽ trở nên thân thương hơn với người yêu trà”.