Gấp rút giải mã trình tự gene 4 chuyên gia Ấn Độ mắc COVID-19 vừa phát hiện tại Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
Gấp rút giải mã trình tự gene 4 chuyên gia Ấn Độ mắc COVID-19 vừa phát hiện tại Việt Nam
TPO - Tại cuộc họp trực tuyến về phòng chống dịch COVID-19 và an toàn tiêm chủng ngày 28/4, GS.TS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội truyền nhiễm cho biết, chủng virus B.1617 ở Ấn Độ nguy hiểm hơn các chủng hiện hành.

Cụ thể, biến chủng Ấn Độ có mức độ lây lan mạnh hơn, tử vong nhiều hơn. Hiện ít nhất 17 quốc gia đã ghi nhận biến chủng của Ấn Độ. Việt Nam đang gấp rút giải trình tự gene 4 bệnh nhân COVID-19 là chuyên gia Ấn Độ

“Chủng này có đột biến kép ở đoạn protein S nên lan tràn rất nhanh, tử vong rất cao. Hiện tại Việt Nam đã ghi nhận 4 chuyên gia Ấn Độ cách ly tại Yên Bái mắc COVID-19 và 1 nhân viên khách sạn tiếp xúc gần (F1) cũng đã xác định là bệnh nhân dương tính. Các bệnh nhân liên quan đoàn chuyên gia của Ấn Độ đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Chúng tôi đang giải trình tự gene để xem đây là chủng B117 của Anh trước đây hay là chủng kép để chúng ta tăng cường phòng vệ và có thông tin đầy đủ cho cán bộ y tế tập trung điều trị. Vài ngày tới sẽ có kết quả".

Nếu phát hiện thêm chủng mới, Việt Nam sẽ có 5 chủng virus SARS-CoV-2 lưu hành, bên cạnh chủng đột biến B.1.1.7 của Anh, chủng Nam Phi, chủng D614G ở châu Âu và chủng ở Vũ Hán.

GS.TS Nguyễn Văn Kính cho hay: “Hiện nay cả thế giới đang chăm chú đến biến chủng kép của Ấn Độ B.1.617. Trước đây, biến chủng chưa kép là B.1.1.7 từ Anh thấy rõ mức độ lan tràn của nó rất nhanh, tăng cao hơn 70% so với chủng ban đầu. Dù chưa rõ tỉ lệ cao hơn bao nhiêu nhưng người ta thấy nhanh hơn tất cả những chủng trước đây Ấn Độ từng gặp. Do đó không chỉ Ấn Độ phải đối mặt với biến chủng kép, cả thế giới cũng hết sức quan tâm, làm sao để ngăn chặn không lan tràn sang nước khác”.

Trả lời câu hỏi, có nghiên cứu nào cho thấy một người sau khi đã mắc COVID-19 với chủng này lại tái nhiễm chủng khác hay không? Ông Kính cho hay, trên thế giới đã ghi nhận một số trường hợp ở Hàn Quốc và Nhật Bản, Mỹ sau khi đã khỏi COVID-19, đi du lịch tới vùng khác, quay về lại có bệnh cảnh lâm sàng COVID-19, xét nghiệm ra chủng mới. Số đó không nhiều nhưng đã có khẳng định có tái nhiễm chủng mới.

Về việc Ấn Độ đã tiêm phòng vắc xin COVID-19 cho nhiều người nhưng số ca mắc vẫn ở mức cao, nhiều người tiêm phòng vẫn mắc bệnh, ông Kính lý giải: “Thứ nhất, không có vắc xin nào có khả năng bảo vệ 100%, tỷ lệ hơn 90% là lý tưởng. Hiện nay, các vắc xin đang được WHO khuyến cáo, Mỹ cấp phép sử dụng đều có hiệu quả từ 81-97%. Những vắc xin này có trung hòa hay ngăn chặn được hết biến thể của virus SARS-CoV-2 hay không là câu hỏi lớn cho ngành vắc xin để theo dõi.

Một số nhà nghiên cứu cho rằng với biến thể nhanh chóng của virus có thể dẫn đến chống lại vắcxin ban đầu, giống như cúm mỗi năm lại phải bổ sung một vắc xin chống lại chủng mới”.

Tăng cường chống dịch COVID-19 ngay tại các cơ sở y tế tư nhân

Bộ Y tế vừa có Công văn số 3377/BYT-KCB về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, để bảo đảm phòng, chống dịch COVID-19 kịp thời, hiệu quả và tránh lây nhiễm chéo tại cơ sở khám, chữa bệnh, Bộ Y tế đề nghị các Sở Y tế tiếp tục chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân trên địa bàn thực hiện nghiêm Quyết định số 3088/QĐ-BYT ngày 16-7-2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế về "Bộ Tiêu chí bệnh viện an toàn phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp" và Quyết định số 4999/QĐ-BYT ngày 1-12-2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế về "Bộ Tiêu chí Phòng khám an toàn phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp".

Theo đó, Bộ Y tế cũng đề nghị các Sở Y tế chỉ đạo cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân tăng cường các hình thức tư vấn khám bệnh, chữa bệnh từ xa cho người bệnh thông qua điện thoại và các thiết bị viễn thông khác; tăng cường công tác phát hiện sớm, phân luồng, cách ly, xét nghiệm... các trường hợp nghi ngờ theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Đồng thời, Sở Y tế được yêu cầu thường xuyên kiểm tra việc thực hiện Quyết định số 3088/QĐ-BYT và Quyết định số 4999/QĐ-BYT tại các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân trên địa bàn quản lý. Đối với các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân không đáp ứng các điều kiện an toàn về phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế cho tạm thời dừng hoạt động để khắc phục theo đúng quy định.

Sở Y tế các tỉnh, thành phố theo dõi sát tình hình dịch bệnh trên địa bàn, căn cứ vào chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế để tham mưu kịp thời cho Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố các giải pháp cụ thể, phù hợp thực tiễn tại địa phương, bảo đảm phòng chống dịch hiệu quả.

Tính đến sáng 28/4, Bộ Y tế cho biết, trong 12h qua Việt Nam không có thêm ca mắc COVID-19, tổng số bệnh nhân vẫn là 2.857. Thế giới ghi nhận thêm hơn 718.000 ca mắc. Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 yêu cầu trong công tác phòng chống dịch phải tiếp tục kiên trì nguyên tắc ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch và điều trị hiệu quả.

Bình Dương, Bình Phước ra công văn khẩn về phòng dịch COVD-19 dịp nghỉ lễ

Ngày 28/4, UBND tỉnh Bình Dương cho biết, ông Nguyễn Lộc Hà – Phó Chủ tịch tỉnh này vừa ký công văn khẩn chỉ đạo các đơn vị nghiêm túc thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19, nhất là đợt cao điểm nghỉ lễ 30/4, 1/5 tới.

Bình Dương đề nghị, tiếp tục hạn chế các sự kiện, hoạt động tập trung đông người không cần thiết; trường hợp tổ chức, phải thực hiện nghiêm các biện pháp bảo đảm an toàn, đặc biệt, phải tuân thủ đeo khẩu trang, sát khuẩn... theo đúng quy định.

Trường hợp phát hiện ca bệnh, phải tập trung chỉ đạo, áp dụng ngay các biện pháp khoanh vùng, truy vết, cách ly; kiên quyết không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng. Việc áp dụng các biện pháp cách ly, phong tỏa, giãn cách xã hội phải theo phương châm thiết thực, hiệu quả; bảo đảm an toàn nhưng không để sản xuất, kinh doanh bị đình trệ ở quy mô quá mức cần thiết; hạn chế tối đa tác động bất lợi đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân.

Trong đó, chú ý thực hiện nghiêm yêu cầu 5K của Bộ Y tế, nhất là đeo khẩu trang bắt buộc tại nơi công cộng, tại các sự kiện có tập trung đông người, trên các phương tiện giao thông công cộng.

Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp... thường xuyên tự đánh giá việc thực hiện các yêu cầu, biện pháp phòng, chống dịch, cập nhật kết quả tự đánh giá trên hệ thống bản đồ chống dịch. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trong phạm vi và trên địa bàn quản lý, nhất là tại các cơ sở y tế, trường học, cơ sở du lịch, cơ sở sản xuất, chợ, siêu thị, bến xe...; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm phòng, chống dịch. Đồng thời, chủ động cập nhật, hoàn chỉnh các phương án sẵn sàng đáp ứng mọi tình huống của dịch.

Công an, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường hoạt động rà soát, phát hiện nhanh các trường hợp nhập cảnh trái phép trên địa bàn, xử lý nghiêm theo pháp luật các trường hợp nhập cảnh trái phép theo quy định.

Tại Bình Phước, lãnh đạo địa phương này đã ký công văn gửi đến các đơn vị liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Nhằm bảo vệ tốt nhất sức khỏe nhân dân, đặc biệt trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 sắp tới, UBND tỉnh Bình Phước yêu cầu các đơn vị tiếp tục nâng cao cảnh giác với nguy cơ dịch bệnh, đề cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương. Thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch đã đề ra với phương châm “phòng ngừa tích cực, phát hiện sớm, cách ly nhanh, điều trị hiệu quả, xử lý dứt điểm, nhanh chóng ổn định tình hình”.

Bình Phước có diện tích tiếp giáp với Campuchia đến 260km. Do đó, UBND tỉnh Bình Phước giao Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh và đơn vị liên quan tiếp tục kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất nhập cảnh trên tuyến biên giới; tăng cường hoạt động rà soát, phát hiện nhanh các trường hợp xuất nhập cảnh trái phép, xử lý nghiêm theo quy định.

Bộ Y tế: Ra mắt Ban chỉ đạo An toàn tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19

Ngày 28/4 tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố ra mắt Ban chỉ đạo An toàn tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 và tập huấn hướng dẫn xử trí sự cố bất lợi sau tiêm chủng vắc xin COVID-19.

Hội nghị nhằm nâng cao năng lực chẩn đoán, điều trị COVID-19 và xử trí sự cố bất lợi sau tiêm chủng vắc xin COVID-19 cho các cở sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc.

Việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 là sự đầu tư rất lớn của Chính phủ để phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả, góp phần đạt mục tiêu kép: bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân trên cả nước và bảo đảm phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Để đảm bảo việc an toàn hơn đối với công tác tiêm chủng, ngày 15/4/2021, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã ký Quyết định số 1888/QĐ-BYT thành lập Ban chỉ đạo an toàn tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 do PGS.TS Nguyễn Trường Sơn- Thứ trưởng Bộ Y tế làm Trưởng ban; PGS.TS Lương Ngọc Khuê- Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh làm Phó Trưởng Ban thường trực.

Các thành viên còn lại là lãnh đạo các Vụ, Cục của Bộ Y tế, các chuyên gia lĩnh vực hồi sức cấp cứu, bệnh truyền nhiễm, dịch tễ… của Bộ Y tế.

Ban chỉ đạo còn có Tiểu ban Hướng dẫn sàng lọc trước tiêm chủng do GS.TS Nguyễn Văn Kính- Chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam làm Trưởng Tiểu ban; Tiểu ban hướng dẫn và tổ chức xử trí xự cố bất lợi sau tiểm chủng vắc xin phòng COVID-19 do GS.TS Nguyễn Gia Bình làm Chủ tịch Hội hồi sức Cấp cứu và chống độc Việt Nam làm Trưởng tiểu ban.

Nhóm chuyên gia tư vấn có đại diện của Văn phòng Tổ chức y tế thế giới tại Việt Nam và Quỹ Nhi đồng liên hợp quốc tại Việt Nam.

Ban chỉ đạo có nhiệm vụ cập nhật, sửa đổi, bổ sung hướng dẫn sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19; Xây dựng hướng dẫn xử trí sự cố bất lợi sau tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19; Chỉ đạo xử trí cấp cứu sự cố bất lợi sau tiêm chủng; tổ chức đào tạo, tập huấn hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng và xử trí sự cố bất lợi sau tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19; Nghiên cứu, phân tích, đánh giá điều trị các ca bệnh sự cố bất lợi sau tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19; Tổ chức giám sát, đánh giá, kiểm tra việc thực hiện tiêm vắc xin phòng COVID-19; Chỉ đạo công tác truyền thông về việc thực hiện tiêm vắc xin phòng COVID-19.

MỚI - NÓNG
Chưa có tiền lệ
Chưa có tiền lệ
TP - Chưa từng có nguyên thủ quốc gia nước ngoài nào tham dự lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ, khiến lời mời của ông Donald Trump dành cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trở thành chưa từng có tiền lệ. Lời mời này nhấn mạnh khuynh hướng của ông Trump về những cử chỉ gây ấn tượng mạnh nhằm tái định hình mối quan hệ hoặc thu hút sự chú ý toàn cầu.