Ngoài 5.000 liều cấp cho Lào Cai, 15.000 liều còn lại được cấp cho 8 tỉnh khu vực Tây Nam bộ. Trong đó, Tiền Giang, Bến Tre và Sóc Trăng, mỗi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật 3 tỉnh này nhận 2.000 liều. 5 tỉnh còn lại gồm: Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Bạc Liêu và Cà Mau, mỗi tỉnh nhận 1.800 liều.
Bộ Y tế yêu cầu Dự án Tiêm chủng mở rộng Quốc gia - Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương thực hiện điều chuyên vắc xin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương đến Dự án Tiêm chủng mở rộng khu vực miền Bắc và miền Nam để cung ứng cho các địa phương, đơn vị theo danh sách. Các đơn vị tiếp nhận vắc xin và tổ chức triển khai tiêm chủng theo quy định.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu các địa phương tổ chức tiêm vaccine theo chương trình Tiêm chủng mở rộng phải kết thúc việc tiêm trước ngày 5/5. Không được để xảy ra tình trạng phải huỷ một liều vắc xin nào vì lý do không tổ chức tiêm chủng.
Việt Nam: Tỷ lệ phản ứng thông thường sau tiêm vắc xin COVID-19 khoảng 30%
Theo PGS.TS Đào Xuân Cơ- Phó Giám đốc BV Bạch Mai, Tổng Thư ký Hội Hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam đến nay Việt Nam đã tiêm cho gần 260.000 người, trong đó, tỷ lệ phản ứng thông thường sau tiêm vắc xin COVID-19 gặp khoảng 30%, thấp hơn báo cáo của châu Âu và nhà sản xuất.
Sau tiêm, các biểu hiện phản ứng là sốt, mệt mỏi, đau chỗ tiêm…Đây là các biểu hiện thường gặp và cũng là những phản ứng thông thường của cơ thể với tất cả các loại vaccine nói chung và vắc xin phòng COVID-19 nói riêng. Chỉ một số trường hợp xuất hiện phản ứng dị ứng với các mức độ khác nhau, chủ yếu ở mức độ I, rất ít trường hợp ở mức độ II,III. Tất cả các trường hợp này đều được phát hiện kịp thời và xử trí theo đúng phác đồ của Bộ Y tế ban hành.
Đặc biệt, do khâu tổ chức tiêm chủng của chúng ta hết sức bài bản với mục tiêu là đảm bảo an toàn cho người đi tiêm, nên quy trình tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 của Việt Nam khác hẳn so với các quốc gia trên thế giới, trong đó bao gồm cả các nước phát triển, đó là tổ chức thực hiện khám sàng lọc, tư vấn trước tiêm chủng, tổ chức buổi tiêm chủng an toàn, người tiêm được theo dõi sức khỏe tại điểm tiêm ít nhất 30 phút, sau đó tiếp tục được theo dõi sức khỏe tại nhà ít nhất 24 giờ tiếp theo, và tiếp tục theo dõi đến 3 tuần sau khi tiêm…
Các bệnh viện thì luôn sẵn sàng, thường trực đề phòng những trường hợp có phản ứng nặng sau tiêm chủng nhằm bảo đảm an toàn tối đa cho người được tiêm.
Có thể nói, Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới thực hiện quyết liệt đồng thời tất cả những biện pháp trong chương trình tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 như hiện nay. Chính sự phối hợp chặt chẽ của cả hệ thống từ y tế cơ sở cho đến tuyến Trung ương, các ca có phản ứng sau tiêm vắc xin COVID-19 vừa qua ở nước ta đều được xử lý theo đúng quy định và nhanh chóng phục hồi sức khỏe.
Theo báo cáo của Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu và các quốc gia sử dụng vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca cũng như các vắc xin phòng COVID-19 của các công ty khác, trong quá trình tiêm chủng tất cả các vắc xin đều gặp một tỷ lệ rất thấp (hiếm gặp) với 1-4 ca trên 1 triệu người tiêm có biểu hiện rối loạn đông máu khuyết khối, giảm tiểu cầu. Tuy nhiên, ở Việt Nam cho đến nay chưa ghi nhận ca nào có biểu hiện rối loạn đông máu.
Cần Thơ yêu cầu doanh nghiệp chỉ đón khách khi đảm bảo phòng dịch
Ngày 27/4, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó giám đốc Sở VH&TTDL TP Cần Thơ cho biết, đã có công văn đề nghị các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn thành phố thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch COVID - 19.
Cụ thể, Sở VH&TTDL TP Cần Thơ đề nghị các doanh nghiệp du lịch tiếp tục thực hiện nghiêm và đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định; đồng thời thực hiện tốt theo yêu cầu 5K, nhất là đeo khẩu trang bắc buộc tại nơi công cộng, tại các sự kiện có tập trung đông người, các khu, điểm du lịch; bảo tàng, kệ thống rạp chiếu phim, di tích, nơi tổ chức các hoạt động văn hóa thể thao, địa điểm tổ chức lễ hội.
Bên cạnh đó, yêu cầu các cơ sở lưu trú du lịch tiếp tục thực hiện đăng ký, tự đánh giá và kết nối hệ thống an toàn COVID -19 Quốc gia. Đối với các cơ sở lưu trú tăng cường phòng chống dịch chặt chẽ, yêu cầu tất cả khách đến lưu trú khai báo thông tin về lịch sử di chuyển, lịch sử tiếp xúc, tình trạng sức khỏe để phòng chống dịch.
Ngoài ra yêu cầu các đơn vị kinh doanh du lịch xây dựng và tổ chức thực hiện các phương án đảm bảo an ninh, an toàn phòng chống dịch COVID -19 cho khách tham quan, khách du lịch. Chỉ tổ chức đón khách khi đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch theo hướng dẫn của ngành y tế.
Trong buổi chiều 27/4, Phó giám đốc Sở VH&TTDL TP Cần Thơ Nguyễn Minh Tuấn cũng đã dẫn đầu đoàn công tác của Sở kiểm tra các cơ sở lưu trú, nhà hàng, khách sạn trên địa bàn quận Ninh Kiều, Cái Răng và Phong Điền về công tác phòng dịch trong tình hình mới.
Đà Nẵng siết chặt việc đeo khẩu trang, sát khuẩn tại nơi đông người
Theo ghi nhận của Tiền Phong chiều 27/4, những khu vực tập trung đông người tại Đà Nẵng đang siết chặt các biện pháp phòng chống dịch. Tại Ga Đà Nẵng, nước sát khuẩn được bố trí từ phòng bán vé, cổng kiểm soát, phòng chờ…Nhân viên luôn đeo khẩu trang và nhắc nhở hành khách đeo khẩu trang khi vào ga.
Ông Phạm Lợi, Tổng Giám đốc Công ty CP vận tải và quản lý bến xe Đà Nẵng cho hay bến xe tuyên truyền trên loa phát thanh nhắc nhở mọi người phải thực hiện nghiêm yêu cầu 5K. Đồng thời lưu ý bảo vệ nhắc nhở người dân việc đeo khẩu trang, sát khuẩn khi vào bến. “Bến xe cũng bố trí nước sát khuẩn rất nhiều nơi, như phòng vé, nhà ga xe khách đến… Dự kiến tối 29/4 du khách về Đà Nẵng sẽ đông hơn, chúng tôi tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng chống dịch, nhắc nhở, vì thực tế có rất nhiều người chủ quan”, ông nói.
Tại các khách sạn ven biển, việc sát khuẩn, đeo khẩu trang cũng được siết chặt. Trước tiền sảnh các khách sạn đều bố trí nước sát khuẩn cho du khách. Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch cho hay trong dịp lễ tới đây, Sở Du lịch sẽ bố trí lực lượng đóng giả du khách vào các khách sạn để kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch với khách như thế nào. Nếu thiếu sót sẽ nhắc nhở, hoặc sai phạm nghiêm trọng sẽ kiến nghị Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 có biện pháp xử lý.
Chiều cùng ngày, Thành ủy Đà Nẵng cũng chỉ đạo các đơn vị chức năng phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là tại những nơi có nguy cơ dễ xảy ra lây nhiễm như công sở, sân bay, các cơ sở y tế, du lịch, chợ, siêu thị, phương tiện công cộng, trường học, khu công nghiệp, nhà máy... Yêu cầu mọi người dân phải thực hiện nghiêm yêu cầu 5K. Thành Ủy nhấn mạnh, lực lượng chức năng phải kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch, nhất là việc không đeo khẩu trang.
Ngoài ra, phải rà soát tất cả sự kiện, lễ hội trên địa bàn trong thời gian đến, tiếp tục hạn chế các sự kiện tập trung đông người không cần thiết. Trường hợp tổ chức phải thực hiện nghiêm các yêu cầu, quy định công tác phòng, chống dịch.
Trước đó, tại cuộc họp Ban chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 chiều 26/4, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cũng yêu cầu các đơn vị chức năng kích hoạt lại các nhiệm vụ phòng chống dịch. Tất cả những nơi tập trung đông người phải đeo khẩu trang, có nước sát khuẩn.