Ông Võ Anh Tài, Phó TGĐ Saigontourist nêu thực tế, một số đối tác và công ty lữ hành nước ngoài nói rằng Việt Nam không phải là một trong những thị trường trọng tâm, họ tập trung điểm đến mới như Myanmar. “Tuy nhiên với Việt Nam họ vẫn giữ sự quan tâm ở mức độ cao, đặc biệt quan tâm tới Phú Quốc”, ông Tài nói. Ông nói một tập đoàn du lịch hàng đầu của Ý tổ chức các chuyến bay charter tới Phú Quốc trong thời gian tới-cơ hội hút khách lớn với các khu nghỉ dưỡng biển đảo.
Ông Võ Anh Tài chỉ ra rằng, các đối tác nước ngoài không chỉ bán sản phẩm du lịch Việt Nam, còn bán sản phẩm Thái Lan, Singapore, Ấn Độ và khu vực Trung Đông. “Giá cả rõ ràng là vấn đề đáng quan tâm khi thu nhập nhiều nước khó khăn. Sản phẩm du lịch Việt Nam ít cạnh tranh, giá cả lại không cạnh tranh được thì rất khó”, ông Tài nói. Thực tế thời gian qua Việt Nam không những giảm giá, lại còn tăng giá ở một số dịch vụ dẫn tới giá sản phẩm du lịch tăng.
Ở nhiều nước sở hữu những hòn đảo du lịch hút khách, Chính phủ nước đó luôn có chính sách cởi mở. Chẳng hạn khách có visa ở một số nước khi bay thẳng tới đảo Jeju sẽ được miễn visa. “Hiện nay Phú Quốc đang là điểm đến hấp dẫn, có khả năng thu hút khách lớn. Tôi nghĩ trong kế hoạch quảng bá sắp tới, Tổng cục nên lưu ý điểm nhấn về điểm đến, sản phẩm”, ông Tài nêu ý kiến. Ông Tề Trí Dũng, Phó TGĐ Bến Thành Tourist cũng góp tiếng nói liên quan đến sự liên kết giữa du lịch và hàng không, tạo sự thuận lợi và giá cả cạnh tranh hơn.
NỖI NIỀM MUÔN THUỞ
Nỗi niềm chung nhất của nhiều doanh nghiệp lữ hành liên quan tới visa. Lãnh đạo các doanh nghiệp này đề xuất cần có chính sách visa ổn định, lâu dài hơn để doanh nghiệp chủ động chiến lược tiếp thị, quảng bá. Thông thường với các thị trường khách Tây Âu, họ phải bán tua trước cả năm, trong khi chính sách miễn visa ở ta vẫn gia hạn năm một. Một đại diện nêu ví dụ, nếu khách du lịch Đài Loan có visa Mỹ thì chỉ cần làm thêm visa điện tử rất nhanh chóng và tiết kiệm. Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn ghi nhận góp ý này, nói rằng các nhà quản lý quyết tâm và kiên trì theo đuổi chính sách visa “tuy nhiên hết sức khó khăn”.
Ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành nêu thực trạng khách Hàn Quốc và Trung Quốc cũng như một số thị trường có ngôn ngữ hiếm khác tăng nhanh ở một số địa phương dẫn tới thiếu hụt nghiêm trọng hướng dẫn viên. Chẳng hạn, Đà Nẵng có mức tăng trưởng khách quốc tế tới 49% cho nên thiếu hụt hướng dẫn viên, tạo cơ hội doanh nghiệp và hướng dẫn viên nước ngoài thao túng. Cơ quan chức năng đã phát hiện hơn 300 thẻ hướng dẫn viên du lịch giả và đang xử lý.
Đại diện Sở Du lịch Quảng Ninh lo ngại cả hình thức, chất lượng hướng dẫn viên bởi “một số hướng dẫn viên xăm trổ, mặc quần đùi khi hành nghề”. Theo bà Nguyễn Thị Vân Anh, TGĐ Hanoi Redtours, doanh nghiệp lữ hành rất trăn trở về giải pháp tăng cường đào tạo hướng dẫn viên, đội ngũ phục vụ và phải “chấm dứt tình trạng làm ăn chộp giật”. Ghi nhận ý kiến đóng góp nêu trên, ông Nguyễn Văn Tuấn khẳng định mục tiêu đón 13 triệu khách quốc tế năm nay hoàn toàn có thể thực hiện được.