Ông Nguyễn Văn Lai - Ảnh: Đình Trinh |
Bốn đời làm nghề
Đi trên phố Lò Rèn, nghe vọng ra tiếng búa đập chan chát. Tôi tiến lại trước nhà số 30 hỏi chuyện ông thợ rèn có dáng to, béo, lưng hơi khom. Ông ngẩng lên cười rồi vừa làm, vừa kể chuyện.
- Tôi tên là Nguyễn Văn Lai, năm nay 65 tuổi. Xuất thân từ làng nghề rèn truyền thống nổi tiếng Xuân Phương, Từ Liêm, Hà Nội. Tôi vào nghề năm 17 tuổi, là đời thứ tư trong gia đình sử dụng chiếc lò rèn này làm kế sinh nhai. Thời các cụ tôi ngày xưa thì làm ăn thịnh vượng. Nhưng nay thì buồn lắm anh ơi! Đấy anh đi từ đầu phố đến cuối phố chẳng còn ai làm cái nghề này ngoài gia đình tôi số 30 và một nhà nữa ở số 26.
Ông vừa ngừng nói thì trong nhà người con trai to, khỏe chạy huỳnh huỵch ra, cầm búa đập chan chát nhanh, mạnh, chính xác vào từng chiếc khoan bê tông nhọn hoắt đang ửng lửa, to gần bằng cổ tay. Động tác của hai bố con ông Lai thật nhịp nhàng. Dần dần mũi khoan thành hình. Chiếc khăn mặt trên vai ông Lai ướt sũng bởi những giọt mồ hôi.
Tôi hỏi “Một tháng ông thu nhập được bao nhiêu?” ông trả lời “Chẳng ăn thua đâu, nghề này không giàu, chỉ đủ ăn thôi, tầm được 3 triệu. Có nhiều hôm ngồi chơi dài”, ông chỉ tay vào chiếc lò rèn bảo: “Cuộc sống gia đình bây giờ trông chờ vào nó cả đấy”.
“Sao ông không chọn nghề khác?”- “Tôi vốn là người hoài cổ, lại sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghề lò rèn. Tôi thích nghề này”.
Tôi nhìn vào trong nhà ông, không nghĩ đây lại là nơi sinh sống của cả gia đình gồm 4 người. Diện tích thật nhỏ bé, có lẽ chỉ đủ để được ba chiếc xe máy bên trong, đồ đạc chẳng có gì đáng kể. Một chiếc giường nhỏ được kê ngay sát tường, bộ bàn ghế nhựa màu đỏ để ngồi uống nước, dưới nền nhà để kìm, búa, đe và thanh sắt dài chưa làm thành sản phẩm hoàn thiện. Tường nhà nhìn bụi bặm, nhem nhuốc những vết ngang, dọc.
Tôi còn sống, thì nghề vẫn còn
Tôi hỏi “Ông làm mũi khoan phá bê tông, mỗi chiếc được lờ lãi bao nhiêu tiền?”, ông dừng búa, rồi thở dài: Được có 5 nghìn đồng thôi, chẳng bõ bèn so với công sức bỏ ra. Đa phần người ta đến rèn mũi khoan phá bê tông. Cả ngày nếu dậy làm cật lực được khoảng 35-40 cái.
Tiếng búa kêu đập suốt ngày khiến ông Lai bị mắc bệnh nặng tai, cứ phải nói to thì ông mới nghe rõ. Ông nói xong rồi đưa mắt nhìn người con trai năm nay 30 tuổi vẫn chưa lấy vợ.
Khi tôi hỏi “Con trai ông vẫn còn trẻ, hơn nữa nhiều nhà đã bỏ nghề rèn để xoay sang làm ăn, kinh doanh có lãi nhiều. Sao con trai ông lại chọn nghề này?”. Ông trả lời “Vợ chồng tôi sinh được mình nó. Ngày trước cứ mỗi lần đi học về, thấy tôi đang làm là nó cũng cầm ngay tay đe, tay búa. Tôi khuyên nó gắng mà học giỏi để thi đỗ vào trường này, trường kia, sau này đỡ khổ nhưng nó bảo chỉ thích nghề rèn của tôi. Tôi hơi buồn nhưng tôn trọng sở thích của con”.
Ông nói tiếp “Thôi! Âu cũng là cái nghề, cái nghiệp nó vận vào thân”, nói xong ông liền nhẩm đọc mấy câu thơ ông rất tâm đắc “Giữa trăm nghề chọn nghề thợ rèn/Ngồi xuống nhọ lưng, quệt ngang nhọ mũi/Suốt tám giờ chân than, mặt bụi/Giữa trăm nghề, chọn nghề thợ rèn”. Ông cười lớn vẻ sảng khoái.
Tôi xin ông cho tôi làm thử nghề thợ rèn một lần. Cầm chiếc búa to và nặng trịch đập mới được vài nhát, tôi đã không chịu được vì trời nắng nóng, hơn nữa đứng gần cái lò lửa đang hừng hực cháy, tôi như bị ngộp thở. Vậy mà quanh năm suốt tháng ông Lai vẫn đứng đó làm, thì quả thật tôi ngạc nhiên và khâm phục với sức chịu đựng của ông.
Hơn 40 năm gắn bó với nghề rèn, ông Lai và một số người cùng tuổi như ông Nguyễn Văn Tự không quên được thời kỳ làm chẳng hết việc. Còn nay rất nhiều đồ dùng, dao, kéo Trung Quốc sáng choang bán la liệt khắp các chợ. Đó là điều khó khăn nhất để duy trì nghề lò rèn.