Gặp lại “người hùng” trong thảm họa sập cầu Cần Thơ

Ông Lê Tấn Thành (Mười Hên) bên chiếc máy cưa đã từng cứu 11 người trong vụ sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ (Ảnh Nhật Huy).
Ông Lê Tấn Thành (Mười Hên) bên chiếc máy cưa đã từng cứu 11 người trong vụ sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ (Ảnh Nhật Huy).
TPO - Ngày này (26/9) của mười năm trước, cầu Cần Thơ đang xây dựng bỗng đổ sập khiến hàng trăm người thương vong. Chúng tôi trở lại nơi xảy ra thảm họa sau đúng 10 năm dẫu tàn tích của vụ sập cầu đã được thời gian xóa nhòa, nhưng dư âm vẫn in hằn trong ký ức người dân.

Con đường mòn lởm chởm ổ voi, ổ gà và đọng nước sau những cơn mưa dầm của những ngày cuối tháng 9, là lối dẫn vào xóm nhỏ (ấp Mỹ Hưng 1, xã Mỹ Hòa, TX. Bình Minh, tĩnh Vĩnh Long) nơi có nhiều người tử nạn trong vụ sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ 10 năm trước. Xóm nhỏ tang thương ngày ấy giờ có nhiều sự đổi thay, nhà cửa khang trang mọc lên san sát, xung quanh là vườn bưởi năm roi trĩu quả xanh tốt nhưng vẫn mang dáng vẻ ảm đạm, nhất là khi ngày giỗ các nạn nhân của vụ sập cầu cận kề. Người chúng tôi muốn tìm gặp lại là ông Lâm Tấn Thành (52 tuổi), tức Mười Hên- người đã quên thân mình lao vào cứu 11 nạn nhân kẹt trong đống đổ nát.

Gặp lại “người hùng” trong thảm họa sập cầu Cần Thơ ảnh 1

Nhịp dẫn cầu Cần Thơ trở thành đống đổ nát sau sự cố 26/9/2007 (Ảnh Sáu Nghệ)

Mình trần, chân đất cứu người

Nhà ông Mười Hên nằm gần chân cầu Cần Thơ bên đầu Vĩnh Long. Chính vì vậy, ông đã tận mắt chứng kiến khoảnh khắc nhịp dẫn cầu Cần Thơ đổ sập. “Khoảng gần 8 giờ sáng hôm đó, tôi và vợ đang ngồi ăn cơm để chuẩn bị đi cưa cây cho người ta thì bỗng nghe tiếng nổ lớn, âm thanh vang dội rồi xuất hiện trước mắt tôi lúc đó là toàn bộ nhịp dẫn đổ sập xuống, bụi bay mùi trời. Buông đũa, tôi chạy ra nhìn thì thấy người chết, người bị kẹt trong đống bê tông máu me lai láng. Tôi lật đật chạy vào nhà quơ cái máy cưa cây và bình xăng rồi lao đến đống đổ nát để cứu người, quên cả mặc áo và mang giày dép” – ông Mười Hên nhớ lại.

Mặc kệ mình trần, chân đất, Mười Hên cứ thế ôm cưa máy xông vào đống đổ nát cắt từng đoạn sắt, tảng bê tông cứu người. “Lúc đó tôi không suy nghĩ gì cả, chỉ thấy người ta bị nạn thì xông vào cứu” – ông Mười Hên nói. Ông dùng cưa cắt đôi tảng bê tông rồi lôi hai người kẹt phía dưới lên và cõng từng người ra khỏi đống đổ nát. Sau đó ông quay trở lại cứu một người bị kẹt ở tư thế như chiếc áo treo trên sào phơi đồ.

Ông Mười Hên kể: “Nạn nhân là một thanh niên. Lúc đó tôi tưởng anh ta đã chết vì nằm bất động kẹt giữa phía dưới là cây sắt chỏi lên, phía trên là ba cây xà gồ chỏi xuống. Tôi vỗ vai nạn nhân hỏi: “Anh ơi anh, anh còn sống không tôi cứu anh?”, nhưng không thấy nhúc nhích. Mặc dù vậy, tôi nghĩ dù chết cũng phải mang xác người ra về để chôn cất. Khi đã cắt xong khối sắt thì nạn nhân bắt đầu thở lại, lúc đó tôi rất mừng và xốc hẳn anh ta lên đưa ra ngoài. Mặc dù anh ta to cao, nặng chừng 70kg, trong khi lúc đó tôi chỉ nặng 50kg nhưng tôi vác anh ta đi nhẹ tênh”.

Cứ như thế, một mình chiến đấu với đống đổ nát và sau hơn một giờ đồng hồ, ông Mười Hơn đã cứu được 9 người thoát chết trước khi các cơ quan chức năng kịp trở tay. Khi người thứ 9 vừa được đưa ra khỏi nơi nguy hiểm thì dưới lớp bê tông nơi ông Mười Hên đang đứng có một chiếc bình gas phát nổ. Nhưng do tảng bê tông khá dày nên ông Mười thoát chết. Đúng là “hên”. Đúng lúc đó, vợ ông mang chiếc áo chạy đến đưa qua hàng rào cho chồng, hai hàng nước mắt lăn dài trên má vì bà nghĩ chồng mình sẽ chết. Cả ngày hôm đó, ông Mười Hên đã cứu được tổng cộng 11 người. Tối muộn, khi nạn nhân cuối cùng đã được đưa ra khỏi đống đổ nát, ông lặng lẽ ôm chiếc máy cưa trở về nhà. Chiếc áo trên người ông đẫm mồ hôi và máu của những nạn nhân.

Điều khiến ông Mười Hên đến nay vẫn canh cánh trong lòng là không cứu được người em họ. “Khi sự việc xảy, ra thấy người ta bị nạn tôi lao vào cứu, không được là có người em của mình cũng đang gặp nạn. Đến hôm sau, hay tin em tôi mất tôi đã thấy rất buồn và luôn ray rứt” – ông Mười Hên bộc bạch.

Sau một hồi ngồi kể chuyện xưa, ông Mười Hên đứng lên đi vào trong nhà. Lúc sau ông cầm ra chiếc máy cưa đã cũ màu đỏ bầm. Ông cho biết đó là chiếc máy cưa 10 năm trước ông dùng để cứu người. Vị cắt bê tông, sắt thép nên chiếc máy bị hỏng, răng cưa không còn nguyên vẹn nhưng ông vẫn cất kỹ trong tủ như một vật kỉ vật quý giá. Ông tiết lộ, lúc sự cố sập cầu xảy ra cũng là lúc ông mới mua chiếc máy cưa này với trị giá một cây vàng từ tiền tích cóp của hai vợ chồng và vay mượn người thân để làm kiếm tiền nuôi gia đình.

Tái sinh

“Dù chú Mười Hên không sinh ra tôi nhưng nhờ chú mà tôi còn sống sót trên đời này nên tôi coi chú như người cha thứ hai đã sinh ra tôi” - anh Nguyễn Quốc Trung, hiện 40 tuổi (ngụ ấp Đông Lợi, xã Đông Bình, TX. Bình Minh) là một trong những người được ông Mười Hên cứu sống năm xưa, nói trong sự xúc động. Khi sự cố xảy ra, anh bị kẹt ở thế như áo treo trên sào phơi đồ và đã ngưng thở, nhưng đã được ông Mười Hên giật lấy mạng sống từ tay tử thần. Anh Trung cho biết, hôm xảy ra tai nạn, anh đang làm việc trên cầu thì bỗng nhiên cầu rung chuyển, chưa biết chuyện gì xảy ra thì mọi thứ dưới chân đổ sập. Sau đó, anh bất tỉnh và không biết gì nữa. Đến khi mở mắt ra thì thấy nằm trong bệnh viện.

Gặp lại “người hùng” trong thảm họa sập cầu Cần Thơ ảnh 2

Nơi sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ sau 10 năm nhìn lại (Ảnh Nhật Huy).

Vụ tai nạn đã kiến anh Trung bị gãy cánh tay trái, và gãy mấy chiếc xương sườn, chấn thương nặng ở vùng đầu. Anh phải nằm điều trị tại bệnh viện gần 2 tháng sau đó về nhà và tĩnh dưỡng suốt một năm trời. Dù sức khỏe đã bình phục nhưng vẫn không được như xưa. Vì không thể làm công việc nặng nhọc nên hiện nay anh phải xuống tận Cà Mau giữ vuông tôm với thu nhập mỗi ngày 100 – 120 ngàn đồng gửi về chăm lo cho gia đình.

Nằm trên giường bệnh, ông Nguyễn Hồng Vân (65 tuổi), cha ruột anh Trung nhớ lại vụ tai nạn năm xưa. Ông kể hôm đó, thấy người ta  khiêng từ cái xác này đến cái xác nọ ra khỏi hiện trường, ông chạy đến giở từng tấm vải đắp tử thi để tìm con nhưng không thấy. “Tôi chạy khắp nơi, gặp ai cũng hỏi có thấy thằng Mực (tên gọi ở nhà của anh Trung) con tôi không? nhưng tất cả đều lắc đầu. Một hồi sau, có người la to “ông Ba Vân ơi thằng Mực đây nè” tôi chạy tới thì thấy chú Mười Hên đang vác con tôi ra. Lúc đó, mặt nó bê bết máu, sưng vù, quần áo rách tả tơi tôi nghĩ chắc con tôi chết rồi”– ông Vân hồi tưởng.

Gặp lại “người hùng” trong thảm họa sập cầu Cần Thơ ảnh 3

Anh Nguyễn Quốc Trung người được ông Mười Hên cứu sống cách đây 10 năm đứng cạnh đứa con gái (Ảnh Nhật Huy).

“Người hùng” bình dị

Hiện nay, vợ chồng ông vẫn gắn bó với nghề cưa gỗ. Tiền công mỗi ngày khoảng 200 ngàn đồng, nhưng gần đây, nhu cầu cưa cây dần ít đi nên vài ba ngày mới có người thuê nên thu nhập rất bấp bênh. Do đó, cuộc sống vốn đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn. Vì đã lớn tuổi, không thể tiếp tục cùng chồng đi cưa cây, vợ ông, bà Lê Thị Bé Tư (53 tuổi) phải nhận gia công đan giỏ lát để có thêm thu nhập. “Một ngày trung bình tôi đan được 2 đến 3 giỏ, tiền công mỗi giỏ 9 ngàn đồng, đủ tiền sinh hoạt trong ngày của hai vợ chồng. Hiện tại, hai con tôi đã lớn và đi làm ăn xa, nhưng tụi nó vẫn khó khăn chưa giúp được nhiều cho gia đình” –bà Tư nói.

Trong mắt người dân địa phương, ông Mười Hên là một “người hùng” bình dị giữa đời thường. Ông Huỳnh Văn Kiệt (50 tuổi) chia sẻ: “Sống ở xóm từ xưa đến giờ tôi chưa thấy anh Mười Hên mích lòng với ai. Có lần tôi nghe gia đình của một người được anh Mười Hên cứu sống trong vụ sập cầu năm xưa nói với ảnh rằng: “Anh không cứu con tôi thì người khác cũng cứu thôi”. Tôi thấy anh Mười Hên không tỏ ra khó chịu hay buồn mà vẫn vui vẻ hòa đồng. Tuy gia đình không khá giả nhưng anh Mười Hên hay giúp đỡ bà con trong xóm nên ai cũng quý”.

Sự cố sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ xảy ra vào ngày 26/9/2007, tại đầu cầu bên tỉnh Vĩnh Long. Hai nhịp dẫn dài khoảng 87m, rộng 24m, cao 30m đang được xây dựng bất ngờ đổ sập, kéo theo giàn giáo cùng nhiều công nhân, kỹ sư, bảo vệ công trình đang làm việc. Vụ tai nạn khiến 55 người chết, 80 người bị thương. Các nạn nhân đa số là người dân địa phương làm việc thời vụ tại công trình. Cầu Cần Thơ bắc qua sông Hậu, nối tỉnh Vĩnh Long với TP.Cần Thơ, được khởi công ngày 25/9/2004 và khánh thành ngày 24/4/2010. Đây là cây cầu dây văng có nhịp chính dài nhất Đông Nam Á.

Sau khi vụ tai nạn xảy ra, vợ chồng ông Mười Hên được Đài truyền hình Việt Nam mời ra thủ đô Hà Nội giao lưu trong chương trình “Người đương thời”. Ngày ra Hà Nội, ông không quên mang theo chiếc máy cưa dùng để cắt cắt bê tông cứu người. Ông Mười Hên cho biết, lần đầu tiên ông được ra Hà Nội nên suốt đêm ông không thể nào chợp mắt được, nằm trằn trọc đến tận sáng. Đến Hà Nội, ông được đưa đi tham quan các khu di tích lịch sử. “Tôi nhớ rõ nhất là trong lúc tham quan bảo tàng Hà Nội được mọi người giới thiệu đây là người đã cứu sống 11 nạn nhân trong sự cố sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ, lúc đó ai cũng đến bắt tay, ôm tôi thăm hỏi và động viên sức khỏe”–ông Mười Hên thuật lại.

MỚI - NÓNG