Gặp họa sỹ… xác chết

Nguyễn Đình Hoàng Việt và tác phẩm. Ảnh: N.M.Hà.
Nguyễn Đình Hoàng Việt và tác phẩm. Ảnh: N.M.Hà.
TP - Triển lãm tên cực ngắn, chỉ gồm hai dấu câu ?! của Nguyễn Đình Hoàng Việt diễn ra đến 6/12 tại Manzi, 14 Phan Huy Ích, Hà Nội. Kể cũng khó đặt cái tên khi triển lãm gồm hai mảng. Một là xác của các loại động vật thuộc chuỗi thức ăn của con người. Hai là những chi tiết vụn vặt trong phòng như vết kính nứt, chiếc đinh trên tường… Một họa sĩ bị hấp dẫn bởi xác chết và thường giam mình trong nhà sẽ có chuyện gì để kể?

Chúng tôi ngồi trò chuyện dưới bức tranh vẽ vết kính nứt hình mạng nhện, y như thật. Để có được vết nứt như ý, Việt phải đập rất nhiều kính. Lúc vẽ chỉ vài tiếng nhưng phác thảo mất cả tháng. Các bức tranh trong triển lãm đều nhỏ xinh vì Việt toàn vẽ những thứ bé nhỏ với kích thước thật. Anh lý giải: “Vì tôi muốn làm những gì thật và chân thành. Nếu vẽ to cũng phải có động cơ nào đấy xuất phát từ bản thân, chứ không phải để bán nhiều tiền hơn”.

Điểm chung của một miếng kính nứt và một con vịt sau khi làm lông là chúng đều mang trong mình một “biến cố”. Cái đó hấp dẫn Việt. “Cá đang bơi, vịt đang chạy nhìn hết sức bình thường, nhiều người đã vẽ. Nhưng khi chúng chết, tôi cảm giác chúng có sự tương tác với con người, nằm trong bữa cơm của con người, gần gũi với đời sống. Mẹ tôi hàng ngày mua những thứ đấy về. Từ nhỏ tôi đã cảm thấy chúng có sức hấp dẫn. Nhưng tôi không nhìn chúng ở khía cạnh bi lụy, dã man. Tôi muốn đưa tính người vào nhiều”. Quả thực con vịt mặc dù cái cổ nứt toác và đã bị vặt lông nhưng mắt vẫn như đang… cười. Ở một bức khác, con gà sau khi làm lông nằm chổng phao câu một cách khá… sexy. Cua, cá… trong tranh Việt tuy không gợi cảm bằng nhưng bù lại, rất trầm tư.

Việt gốc Huế, học và làm việc tại Huế - nơi hầu như quanh năm chẳng có hoạt động mỹ thuật gì. Tuy nhiên, anh lại thích sự đìu hiu đó: “Nếu làm ở đây sẽ có nhiều người sưu tập đến đặt cọc này kia, làm mình bị lung lạc. Thì tôi nghĩ ở Huế là nơi thích hợp để làm việc, rất yên tĩnh”. Nhà có truyền thống làm nghề giáo, bố mẹ Việt dạy cấp II muốn Việt thi khối A. Năm đầu trượt ĐH Nông lâm. Năm sau Việt dùng tiền bố mẹ cho để ôn thi vào Mỹ thuật. Đến khi đỗ Á khoa, bố mẹ mới biết Việt không ôn thi vào trường họ muốn. Bố mẹ dần hiểu và chấp nhận lựa chọn của Việt, nhất là khi Việt được một số họa sĩ nổi tiếng tới tận nhà động viên. Dù bán được tranh nhưng đến giờ, sau 4 năm ra trường, Việt tự nhận vẫn được bố mẹ nuôi. “Hằng ngày tôi chỉ làm những thứ mình thích”, anh kể. “Một năm tôi vẽ 25-30 bức, không nhiều”. Giữa 2015, Việt có 7 bức tham gia triển lãm nhóm họa sĩ trẻ do Hanoi Grapevine lựa chọn, bán sạch ngay trong ngày khai mạc. Còn triển lãm lần này, trong tối khai mạc, 5 bức đã có người mua. Khách của Việt chủ yếu là người nước ngoài.

Xem tranh của Việt, tôi lập tức có thắc mắc bao giờ thì cậu sẽ vẽ tới người. Việt chia sẻ, đúng là ham thích của anh “tăng đô dần”. Việt ấn tượng mạnh bởi không khí nặng nề của các đám tang. Anh cũng từng tham quan lò mổ, nhà xác mong có thể chụp ảnh về nghiên cứu. Nhưng việc này không đơn giản. Đận vào lò mổ chụp được rất nhiều tư liệu ưng ý nhưng Việt bị ông chủ lò tóm dính. Dù có giấy giới thiệu của trường ĐH Mỹ thuật Huế, ông vẫn nghi Việt là phóng viên đang đi viết về vệ sinh thực phẩm. Ông đưa Việt lên công an, bắt xóa ảnh. “Ông đòi phải có giấy phép của chủ tịch tỉnh, kiểu không muốn mình chụp”, Việt kể. “Sau này có nhiều hướng phát triển đề tài khác, nên về xác chết có thể hoãn lại. Chờ cảm xúc đong đầy hơn!”. Thêm một lý do khiến Việt tạm dừng việc vẽ người (lợn thì đã trưng bày ở Huế rồi) là gần đây anh phát hiện ra một họa sĩ Trung Quốc cũng vẽ lò mổ, lợn chết và tử thi. Nên anh đang tìm một hướng thể hiện khác.

“Hơi bệnh bệnh” là từ anh dùng để mô tả sở thích của bản thân. “Không phải theo kiểu bệnh hoạn, nguy hiểm cho xã hội mà sở thích hơi khác người”, Việt nói. “Cũng có nhiều người thích kiểu như tôi và tôi cũng làm cho nhiều người bắt đầu thích giống tôi. Họ cũng hiểu đúng tinh thần tác phẩm của tôi. Nhiều người ở nước ngoài sưu tập tranh tôi nói tuy vẽ về động vật chết nhưng nhìn vào đó lại cho họ một năng lượng sống. Khi vẽ tôi dồn nhiều năng lượng vào tranh. Và đó năng lượng tích cực chứ không phải cái gì đó bệnh hoạn hoặc là giết chóc. Giống như tôi yêu thương thứ mình vẽ”.

Sau lễ khai mạc triển lãm ?!, Việt lại ngồi một góc lặng lẽ bên những bức tranh của mình. Ai hỏi chuyện thì tiếp, chứ không sà vào đám đông. Nhìn bề ngoài, anh giống thầy giáo hơn. Anh cho hay: “Tôi luôn hướng đến sự lịch sự. Tôi muốn giữ mọi thứ bên trong mình hơn là tỏ ra bên ngoài. Họa sĩ cần năng lượng rất lớn để làm việc. Mình đi chơi nhiều, nhậu nhiều sẽ làm phân tán cái đấy. Nên tôi dành rất nhiều thời gian để ở nhà, rất ít tham gia nơi đông người”.

Tương lai chưa biết “tình yêu” của Việt với xác chết phát triển đến đâu, nhưng hiện xem phim kinh dị có cảnh máu me, anh vẫn ghê. Lại nhớ các bậc thầy tâm linh ở Ấn Độ hay khuyên đệ tử ra bãi tha ma hay chỗ thiêu xác để thiền định về sự chết. Thấy Việt giống như đang giúp người xem thoáng nhận sự vô thường qua những bức vẽ xác chết của anh.

MỚI - NÓNG
Vang mãi khúc quân hành
Vang mãi khúc quân hành
TPO - Ngày 14/12, Học viện Kỹ thuật Quân sự tổ chức Ngày hội văn hóa và chương trình nghệ thuật “Vang mãi khúc quân hành” thiết thực hướng tới chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.