U19 Việt Nam trong buổi tập đầu tiên trên đất Myanmar. Ảnh: Zing
Thể lực vốn bị xem là điểm yếu cố hữu của đội tuyển U19 Việt Nam, thể hiện qua việc các học trò của HLV Guillaume Graechen thường tỏ ra đuối sức trước đối thủ ở những thời điểm cuối trận. Từ giải U19 Đông Nam Á tại Indonesia năm 2013, ông thầy người Pháp đã bị đặt nhiều câu hỏi về vấn đề thể lực của các cầu thủ. Đến mức, đã có lúc ông Guillaume mất bình tĩnh, “vặn” nhau với cả phóng viên.
Tại giải U19 châu Á lần này, U19 Việt Nam rơi vào bảng đấu rất nặng, với 3 đối thủ đều là những đội bóng trội về thể lực, và mật độ thi đấu dày đặc, 2 ngày/trận.
Cụ thể, ngày 9/10 U19 Việt Nam sẽ chạm trán đương kim vô địch Hàn Quốc. Đây là đội bóng nổi tiếng khoẻ ở châu Á, thậm chí ngang tầm nhiều đội bóng châu Âu. Hai ngày sau đấy, thầy trò HLV Guillaume Graechen sẽ tiếp tục phải đấu với 1 đối thủ khác, “xương” không kém là U19 Nhật Bản. Đây là đội bóng đã đánh bại U19 Việt Nam trong cả 3 lần chạm trán gần đây, với thất bại nặng nhất là 0-7 ở cúp bóng đá TP.Hồ Chí Minh.
Ngày 13/10, U19 Việt Nam sẽ đá trận cuối cùng của vòng bảng với U19 Trung Quốc. Dù không mạnh bằng hai đội bóng nói trên, nhưng đây vẫn được nhận định là đối thủ mạnh hơn U19 Việt Nam.
Vấn đề thể lực vì vậy được BHL U19 Việt Nam và ông Guillaume Graechen đặc biệt quan tâm. Theo kế hoạch chuẩn bị, sau mỗi trận đấu các cầu thủ ở đội hình chính sẽ được ngâm nước nóng và sau đó ngâm nước đá rồi mới ăn tối. Toàn bộ số cầu thủ này trong sáng hôm sau, tiếp tục bơi thả lỏng và ngâm nước đá trước khi được các bác sĩ mát-xa, chăm sóc trị liệu.
Cho cầu thủ ngâm nước đá chính là phương pháp hồi phục thể lực được HLV người Nhật Bản Toshiya Miura áp dụng ở đội tuyển Olympic Việt Nam trong quá trình chuẩn bị cho ASIAD 17. Phương pháp này đã đem lại hiệu quả tích cực khi các cầu thủ Olympic Việt Nam đã thi đấu rất mạnh mẽ ở ASIAD, giành quyền đi tiếp vào vòng 1/16 với vị trí nhất bảng qua 2 trận toàn thắng.