Gặp cụ bà người Việt thọ nhất thế giới

Cụ Nguyễn Thị Trù 121 tuổi ở TPHCM. Ảnh: ND
Cụ Nguyễn Thị Trù 121 tuổi ở TPHCM. Ảnh: ND
TP - Sống qua 3 thế kỉ, cụ Nguyễn Thị Trù (sinh năm 1893, ngụ ấp 5, xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, TPHCM) vừa được tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục là cụ bà sống lâu nhất Việt Nam. Sắp tới, tổ chức Kỷ lục Việt Nam sẽ nộp hồ sơ đề nghị tổ chức Kỷ lục châu Á cũng như tổ chức Kỷ lục Thế giới công nhận cụ Trù là người phụ nữ thọ nhất thế giới với số tuổi hiện tại là 121. 

Ngày 21/7, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận cụ Trù là cụ bà sống thọ nhất Việt Nam đến thời điểm hiện tại. 


Căn cứ để xác lập kỷ lục là giấy Chứng minh nhân dân số 021172033 do Công an tỉnh Long An cấp ngày 25/7/1979. Theo giấy CMND này, cụ Trù sinh năm 1893, quê quán là huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Nơi thường trú là ấp 1 (nay là ấp 5), xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, TPHCM. 

Kỷ lục người phụ nữ thọ nhất thế giới này đang thuộc về một cụ bà người Nhật Bản, thọ 116 tuổi (ít hơn 5 tuổi so với cụ Trù). 

Cụ Trù đang sống cùng người con trai út là ông Nguyễn Hữu Phương (74 tuổi) và vợ ông là bà Nguyễn Thị Đoàn (75 tuổi). Theo quan sát của chúng tôi, cụ Trù hiện vẫn có thể đi được, nhưng rất yếu, tay chân cụ đã teo tóp, mắt cụ vẫn còn sáng, giọng nói vẫn còn chuẩn, riêng tai thì có hơi lãng. 

Bí quyết sống lâu 

“Đơn giản là mẹ chồng tôi ăn uống điều độ, thực phẩm chủ yếu là cây nhà lá vườn. Đặc biệt, mẹ rất thích ăn ngọt và ham vui”, bà Đoàn, con dâu út của cụ Trù, nói về bí quyết sống lâu của mẹ chồng.  

Bà Đoàn cho biết, buổi sáng thức dậy, mẹ chồng thường uống sữa, đến khoảng 8 giờ thì ăn chén (bát) cháo, còn buổi trưa và chiều tối, ăn mỗi bữa một chén cơm. 

“Cơm nấu cho mẹ khá nhừ, thịt cá phải thái nhỏ, mỗi bữa cơm phải có cho mẹ chén canh. Bữa nào khỏe thì mẹ tự ăn, còn bữa nào đau ốm hay trở tính thì vợ chồng tôi phải người dỗ, người đút mẹ mới ăn”, bà Đoàn nói. Theo bà Đoàn, trước đây, khi còn khỏe mạnh, cụ Trù thường đi chùa, ăn chay. 

Tuy nhiên, mấy năm gần đây, do sức khỏe yếu, nên cụ không đi nữa, việc ăn chay cũng bỏ luôn vì giờ trí nhớ của cụ gần như không còn. “Kể cả vợ chồng tôi, mẹ cũng không còn nhớ, gặp ai mẹ cũng gọi là anh, chị hết”, bà Đoàn cười nói. 

Chúng tôi ngồi trò chuyện với vợ chồng ông Phương đến khoảng 7 giờ tối thì ông Phương dìu cụ Trù lên giường nằm ngủ. Tuy nhiên, khi ông Phương vừa bỏ màn xuống thì cụ Trù lại kéo màn lên, tay quấn màn lại và miệng lẩm bẩm “tôi chưa muốn ngủ, có muỗi đâu mà bỏ màn”.  

Vừa nhìn cụ Trù, ông Phương vừa cười nói: “Mẹ tui ham vui lắm, thấy có ai đến chơi là thích ngồi mãi, có lúc đến giờ ngủ mẹ cũng không chịu lên giường nữa...”. 

Theo thông tin từ vợ chồng ông Phương, cụ Trù có 11 người con, tuy nhiên, 6 người con đầu mất khi còn trẻ, hiện cụ còn 3 người con, người lớn tuổi nhất hơn 80 tuổi. 

Riêng vợ chồng ông Phương có 7 người con, năm vừa rồi, ông vừa có thêm người cháu cố. Tính riêng con cháu, dâu rể, nhà ông Phương có hơn 40 người. 

Suốt 50 năm chăm sóc mẹ chồng, bà Đoàn lo chuyện ăn uống, đau ốm, tắm rửa, vệ sinh rất cẩn thận. Dù con cái xây nhà cao ráo, nhưng từ khi cụ Trù không còn đi lại được, ông bà dựng một căn nhà nhỏ phía sau vườn rồi ra đó ngủ và chăm sóc mẹ cho tiện. 

MỚI - NÓNG