Từ chối đại học và theo học trường nghề, Trần Văn Sang – sinh viên cao đẳng nghề TP.HCM đã chứng minh con đường mình đi là đúng khi vừa mang về cho đất nước tấm HCV, tại kì thi Tay nghề Asean lần 10 vừa diễn ra tại Hà Nội với sự tham gia hơn 10 nước Asean.
Giành đôi tay vàng nhờ đam mê
Tốt nghiệp THPT, Trần Văn Sang đăng kí thẳng vào ngành cơ khí CĐ nghề TP.HCM với đam mê cháy bỏng và suy nghĩ xã hội đang thừa thầy, thiếu thợ; mình học nghề không sợ thiếu việc làm.
Trần Văn Sang tại một khóa huấn luyện nước ngoài.
Khi còn là cậu sinh viên năm nhất, Sang đã lon ton đi theo các anh chị khóa trên xem chế tạo robocon và thậm chí cùng thức trắng đêm phụ các anh lắp ráp để kịp thời gian thi đấu.
Anh chàng được thầy cô phát hiện bởi những buổi học thực hành tại xưởng. Sang cần cù, chịu khó và mê mẫn quên cả thời gian mỗi khi được đứng máy cùng giảng viên; kiến thức nào không hiểu là anh hỏi giảng viên ngay tại chỗ hoặc đeo bám đến khi nào tìm được câu trả lời.
Trần Văn Sang chia sẻ: “Mình nhớ có lần mình viết chương trình nhưng máy không chạy. Mình phải mất gần 3 tuần để đọc lại tất cả các tài liệu nghiên cứu, đọc kỹ từng chữ để tìm cách khắc phục. Ngoài những tài liệu có bản quyền của giảng viên thì mình thường lên mạng tìm hiểu thêm kiến thức chuyên ngành”.
Trần Văn Sang (giữa) tại cuộc thi tay nghề Asean.
Thạc sĩ Phan Thị Kim Thư - trưởng khoa cơ khí, CĐ nghề TP.HCM cho biết: “Trần Văn Sang là một sinh viên siêng năng, cần cù và là kì vọng của khoa. Đây là năm đầu tiên Khoa cơ khí tham dự cuộc thi Tay nghề Asean và mang về HCV cho trường với đề tài bảo trì máy CNC.
Ngành bảo trì máy CNC là ngành mới và có tương lai. Hiện tại rất ít trường đưa vào giảng dạy ngành này vì máy móc đưa vào giảng dạy phải nhập từ nước ngoài. Đến với cuộc thi này, Sang chỉ có 1 tháng để làm quen với máy mới nhập về, thời gian còn lại chủ yếu là ôn luyện lý thuyết và tập huấn tại nước ngoài”.
Bám xưởng cả ngày lẫn đêm
Để mang HCV về cho trường anh chàng cần cù bám xưởng cả ngày lẫn đêm. Sang cho biết: “Yếu tố mang lại HCV cho đội có lẽ đó là sự tự tin, tự tin vào kiến thức mình học, tự tin vào tay nghề của mình rèn dũa bao nhiêu năm”.
Hầu hết thời gian của anh chàng là học tập trên xưởng, cọ xác thực tế nên đôi khi cũng có những tai nạn bất ngờ: Có lần ngồi máy khoan anh không giữ kỹ phôi nên đã bị văng đứt tay. Sau lần đó anh chàng trở nên kỹ tính: làm bất cứ làm gì anh chàng cũng kiểm tra nhiều lần trước khi vận hành máy.
Chàng sinh viên ngày đêm bám xưởng.
Không chỉ giỏi tay nghề, Trần Văn Sang còn là thủ lĩnh lớp học toàn con trai mà theo anh chàng “Dân cơ khí toàn những chàng trai không biết lãng mạn, không ngại bẩn và có mùi khét đặc trưng mỗi khi bước ra từ xưởng. Đặc biệt tụi mình có chung sở thích đá bóng ”.
Vì lớp toàn con trai không có lấy một bóng hồng nên làm thủ lĩnh cũng có chiến thuật: Khi nào cần mềm thì mềm khi nào cần cứng thì cứng nhờ vậy mà anh chàng tự tin về khả năng quản lý và làm việc nhóm của mình.
Sắp tới, anh chàng sẽ đi Nhật Bản làm việc khoảng 3 năm để học hỏi kinh nghiệm của đất nước đứng đầu về ngành công nghệ chế tạo máy.
Kỳ thi tay nghề ASEAN lần thứ 10 diễn ra vào ngày 19-29/10/2014, tại Trung tâm hội nghị quốc gia, Hà Nội với 300 thí sinh đến từ 10 nước thành viên ASEAN dự thi 25 nghề.
Năm nay, có 2 ngành nghề mới đưa vào dự thi: robot di động và bảo trì máy CNC. Và thí sinh Trần Văn Sang, sinh viên (lớp C11, CK) cao đẳng nghề TP.HCM là một trong những thí sinh giành được huy chương vàng nghề trình diễn bảo trì máy CNC. Kết thúc Kỳ thi, Việt Nam giành giành nhất toàn đoàn kỳ thi tay nghề ASEAN với 15 huy chương vàng, 7 huy chương bạc, 6 huy chương đồng...