Gặp các nhà báo tiêu biểu, ông Trần Quốc Vượng nhắc vụ Trịnh Xuân Thanh

TPO - Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng nhắc lại vụ việc xe biển xanh ở Hậu Giang được phản ánh trên báo Thanh Niên năm 2016, từ đó cơ quan chức năng làm rõ nhiều sai phạm liên quan đến công tác cán bộ…

Sáng nay (13/6), tại Hà Nội diễn ra hội nghị gặp mặt, tuyên dương người làm báo tiêu biểu nhân kỷ niệm 95 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.

Điểm lại những dấu ấn đậm nét của chặng đường báo chí cách mạng Việt Nam, Phó trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Lê Mạnh Hùng cho hay, trải qua từng thời kỳ cách mạng của đất nước, báo chí không ngừng lớn mạnh, trưởng thành và đã trở thành vũ khí tư tưởng sắc bén của Đảng, nhà báo là các chiến sĩ trên mặt trận ấy.

Gặp các nhà báo tiêu biểu, ông Trần Quốc Vượng nhắc vụ Trịnh Xuân Thanh ảnh 1

Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự chương trình gặp mặt các nhà báo tiêu biểu. Ảnh: Như Ý

Theo ông Hùng, đến nay, cùng với những thành tựu to lớn, toàn diện của đất nước, báo chí nước ta đã có bước phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ. Diện mạo, số lượng, chất lượng các ấn phẩm, các chương trình phát thanh, truyền hình và công nghệ làm báo…đã đạt được những bước tiến lớn.

Chất lượng chính trị, chất lượng văn hóa, tính định hướng và kỹ thuật- nghiệp vụ của báo chí ngày càng được nâng cao. Đội ngũ những người làm báo tăng nhanh về số lượng, trình độ nghiệp vụ làm báo được nâng cao, làm chủ công nghệ làm báo hiện đại.

Tại cuộc giao lưu, nhà báo lão thành Hà Đăng, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa T.Ư, nguyên Tổng Biên tập báo Nhân Dân, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản bày tỏ sự tự hào về nền báo chí cách mạng Việt Nam và tin tưởng ở tương lai báo chí nước ta. Thời gian làm báo, ông ấn tượng sâu sắc đến lời dạy của Bác Hồ, rằng “Báo chí là một mặt trận. Cán bộ báo chí là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ; bài báo là tờ lịch cách mạng...”.

Nhà báo Hà Đăng cho hay, nếu ta đang chủ trương chống lại những hành vi tiêu cực trong xã hội mà nhà báo muốn làm việc đó thì trước tiên chính mình phải chống tiêu cực trong bản thân mình.

Nhà báo Đỗ Phú Thọ - Phó Tổng biên tập báo QĐND nhắc lại kỷ niệm lần đi tác nghiệp về lũ lụt tại Nghệ An năm 2007 với nhiều nguy hiểm. Ông cũng chia sẻ trong quá trình công tác đã nhiều lần bị các đối tượng gạ gẫm, mua chuộc nhưng ông vẫn giữ được bản chất và nghĩ rằng lời từ chối đó hoàn toàn đúng.

Gặp các nhà báo tiêu biểu, ông Trần Quốc Vượng nhắc vụ Trịnh Xuân Thanh ảnh 2

Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Như Ý

Phát biểu tại buổi lễ, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng nhấn mạnh, tiếp bước các thế hệ cha anh, đội ngũ những người làm báo hôm nay đã và đang phát huy vai trò xung kích không quản khó khăn, gian khổ, dũng cảm xông pha nơi “đầu sóng”, “ngọn gió", tham gia công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo…

Đồng thời, bền bỉ tổ chức các tuyến bài điều tra về các vụ án hình sự, tham nhũng, tiêu cực phức tạp. Không ít nhà báo đã có nhiều bài viết mang tính chất phát hiện, góp sức tổng kết thực tiễn, lan tỏa các gương điển hình tiên tiến, kiến nghị các giải pháp thiết thực trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại...).

Thường trực Ban Bí thư cho hay, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta vui mừng trước sự trưởng thành, vững vàng của đội ngũ báo chí cách mạng. Những người làm báo Việt Nam không ngừng được nâng cao về năng lực, phẩm chất chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; đã và đang nỗ lực cố gắng làm chủ công nghệ làm báo hiện đại, không ngừng đổi mới, sáng tạo về hình thức thể hiện, phương thức phát hành.

Nội dung thông tin trên báo chí ngày càng toàn diện, đa dạng, phong phú, chất lượng chính trị, giá trị văn hóa trong các sản phẩm báo chí không ngừng được nâng cao. Đông đảo những người làm báo đã chịu khó học hỏi, nâng cao tri thức, trình độ tác nghiệp, thực hiện tốt trách nhiệm, sứ mệnh người làm báo cách mạng.

Chủ động bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh với các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng trong sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế.

Ngoài ra, nhiều cơ quan báo chí, nhiều phóng viên đã có thông tin, phản ánh sinh động công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng với nhiều cách tiếp cận và phản ánh đa dạng, chính xác.

Ông Trần Quốc Vượng nhắc đến vụ việc xe biển xanh ở Hậu Giang được phản ánh trên báo Thanh Niên năm 2016. Từ thông tin này, Tổng Bí thư đã yêu cầu Ủy ban Kiểm tra T.Ư vào cuộc, có kết quả công khai trên báo chí sau 20 ngày.

Gặp các nhà báo tiêu biểu, ông Trần Quốc Vượng nhắc vụ Trịnh Xuân Thanh ảnh 3

Chương trình giao lưu tại buổi lễ. Ảnh: Như Ý

“Bài báo tuy không phải là lớn, nhưng có tác động lớn. Sau khi có kết quả kiểm tra, đã xử lý nghiêm những người vi phạm, dĩ nhiên không chỉ liên quan đến xe biển xanh mà còn liên quan đến việc khác quan trọng hơn. Từ việc này, Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã đổi mới cách đặt vấn đề, đổi mới cách làm và làm đến nơi đến chốn”, ông Vượng nói.

Theo Thường trực Ban Bí thư, sự nghiệp đổi mới của đất nước ta đang bước vào giai đoạn phát triển mới. Bên cạnh những cơ hội to lớn, chúng ta cũng phải đối mặt với khó khăn, thách thức không nhỏ. Những thành tựu của khoa học - công nghệ đã làm cho báo chí có bước phát triển vượt bậc, song, cũng tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của báo chí truyền thống, tạo ra sự cạnh tranh giữa báo chí truyền thống với mạng xã hội...

Để báo chí hoàn thành tốt sứ mệnh lịch sử của mình, Thường trực Ban Bí thư đề nghị mỗi cơ quan báo chí, mỗi người làm báo, trước hết, hãy học và noi gương Bác - một nhà báo lớn, về phong cách và đạo đức làm báo. Phải thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Người: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sỹ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén" và “Viết để làm gì? Để giáo dục, giải thích, cổ động, phê bình, để phục vụ quần chúng”.

Báo chí nước ta là báo chí cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng, có sứ mệnh phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân; thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn của báo chí là “Thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của nhân dân”.

Điều đó đòi hỏi mỗi nhà báo phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, nhiệt huyết và có thái độ bình tĩnh trước mọi vấn đề; phải có tấm lòng trong sáng, không để tiêu cực chi phối, không bị tình cảm cá nhân lấn át, mất đi tính khách quan, trung thực của mỗi tác phẩm báo chí.

Báo chí phải là lực lượng xung kích trên mặt trận bảo vệ nền tảng tư tưởng, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đấu tranh với những quan điểm sai trái, thù địch, nhất là những thông tin sai trái trên internet, mạng xã hội.

Một đề nghị nữa được Thường trực Ban Bí thư nhắc tới là các nhà báo cần không ngừng học tập, nghiên cứu, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nhất là trong bối cảnh khoa học - công nghệ phát triển không ngừng; thực hiện nghiêm 10 quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo; quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam.

Ngoài ra, kịp thời chấn chỉnh, khắc phục tình trạng phản ánh thông tin thiếu khách quan, trung thực; xuống cấp về đạo đức nghề nghiệp một bộ phận người làm báo, cùng với những sai sót về tư tưởng chính trị, lịch sử trong ấn phẩm, ảnh hưởng tới niềm tin, gây tâm lý băn khoăn, hoài nghi về đội ngũ người làm báo trong xã hội.

“Khoa học - công nghệ dù phát triển, tạo thuận lợi cho nhà báo tác nghiệp, song, không thể thay thế được trái tim, khối óc, ý chí, bản lĩnh, nhân bản của người làm báo”, Thường trực Ban Bí thư nói.

MỚI - NÓNG