Tiền chảy ra nước ngoài
Diễn đàn do Hội nhà báo Việt Nam chỉ đạo báo Nhà báo và Công luận thực hiện.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ TT&TT cho rằng, trong thời điểm xảy ra dịch COVID-19, nền tảng Netflix tăng 1 triệu thuê bao mới ở Việt Nam, trong khi các nền tảng truyền hình ở Việt Nam mất đi 1 triệu thuê bao.
Các mạng xã hội như facebook, google chiếm đa số chi phí quảng cáo của doanh nghiệp, dẫn đến nguồn thu các cơ quan báo chí ngày càng nhỏ lại, thậm chí đến mức không còn nguồn thu.
“Bối cảnh khó khăn hiện nay, đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận nghiêm túc về hình thức thu phí. Mọi người dân được xem các kênh truyền hình thiết yếu không bị thu phí nhưng các kênh giải trí khác có chất lượng thì đều có thu phí. Khi báo chí cùng tham gia vào hệ sinh thái số có thu phí thì cần có chính sách thắt chặt và kiểm soát gắt gao hơn nữa về vấn đề bản quyền”, ông Phúc nói.
Tổng Biên tập báo Tiền Phong Lê Xuân Sơn phát biểu tại diễn đàn
Trao đổi tại diễn đàn, nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng Biên tập báo Tiền Phong cho biết, hiện nay, kinh tế báo chí đã suy giảm nghiêm trọng dưới ảnh hưởng của dịch COVID-19. Như thông tin từ Bộ TT&TT, thị trường quảng cáo ở Việt Nam khoảng 12 nghìn tỷ, nhưng mấy ông lớn mạng xã hội đã chiếm khoảng 7,5 nghìn tỷ. 900 cơ quan báo chí trong nước chia nhau khoảng 4,5 – 5 nghìn tỷ còn lại, dù thế, 2/3 của số này cũng rơi vào các cơ quan truyền hình lớn. “Vì thế, miếng bánh còn lại của 900 cơ quan báo chí ngày càng teo tóp đi”, ông Sơn nói.
Ông Sơn cũng cho rằng, hiện nay, báo chí vận hành theo cơ chế thị trường, là đơn vị sự nghiệp có thu nhưng hoạt động như các doanh nghiệp tự chủ về kinh tế. Cũng có ý kiến cho rằng nếu không tồn tại được thì cho chấm dứt đi, tuy nhiên báo chí cách mạng có chức năng rất lớn, nếu chấm dứt hoạt động của cơ quan báo chí truyền thống thì ai sẽ làm nhiệm vụ giáo dục chính trị tư tưởng, cung cấp cái nhìn nhiều chiều, phản biện xã hội, tham mưu cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước…
Theo ông Sơn, báo Tiền Phong cũng không nằm ngoài những khó khăn đó, thậm chí có phần nhiều hơn vì COVID-19 và mới sáp nhập thêm báo Sinh viên Việt Nam và Hoa học trò.
“Theo tham mưu của các phòng, ban trong tòa soạn, kịch bản lạc quan nhất là chúng ta khống chế được dịch COVID-19, kinh tế bùng nổ trở lại thì cũng suy giảm 5%, kịch bản suy giảm trung bình là 10 – 15%, còn nếu kịch bản xấu xảy ra thì suy giảm 20 – 25%. Nếu kịch bản xấu xảy ra thì kinh phí dành cho phát triển báo điện tử của Tiền Phong sẽ không còn nữa”, ông Sơn nói.
Từ tình hình đó, ông Sơn nêu một số kiến nghị. Cụ thể, Nhà nước nên nghiên cứu giải pháp chính sách điều hướng một phần doanh số quảng cáo, truyền thông từ các mạng xã hội chủ yếu của nước ngoài trở lại thị trường quảng cáo, truyền thông trong nước.
Bên cạnh đó, nên có chính sách bắt buộc hoặc thuyết phục các nhà mạng chia sẻ cho các báo một phần lợi nhuận từ dịch vụ cung cấp internet cho những bạn đọc báo điện tử. Tiếp tục giảm hoặc miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho báo chí.
Ông Sơn cũng kiến nghị có chính sách hỗ trợ báo chí thông qua hình thức đặt hàng khi cần mở những đợt truyền thông, tuyên truyền lớn, hoặc đối tác thông tin về những chương trình quốc gia mang tính dài hơi. Thậm chí, nên xem xét nghiên cứu mở rộng thêm chính sách trợ cấp một phần hoặc bao cấp toàn bộ cho một số cơ quan báo chí được chọn lọc, có vai trò và vị trí quan trọng trên mặt trận thông tin, tuyên truyền.
Lập “liên minh” báo chí chống “xào nấu” thông tin
Tại diễn đàn, nhà báo Lưu Quang Định, Tổng Biên tập báo Nông thôn ngày nay/Dân Việt chia sẻ, nhà nước nên làm rõ chính sách làm kinh tế của báo chí. Ông Định ví dụ, năm ngoái, báo Nông thôn ngày nay có thành lập trung tâm kết nối tiêu thụ nông sản. Vừa rồi, trong thời điểm dịch COVID-19, báo cũng nhập về 100 tấn gạo ST24 để góp phần giúp đỡ bà con nông dân và bán kiếm lời.
“Chúng tôi thành lập trung tâm và thành lập trang thông tin điện tử chonongsan.danviet.vn. Tuy nhiên, thủ tục rất phức tạp, mất hơn nửa năm. Sở Công thương Hà Nội cứ hỏi là tại sao báo lại đi lập trang thương mại điện tử. Về sau chúng tôi phải liên hệ với Bộ trưởng Bộ Công thương giúp. Kinh doanh không biết lời lãi đến đâu nhưng thủ tục rườm rà quá. Vì vậy đề nghị làm rõ quy định về báo chí làm kinh tế”, ông Định nói.
Toàn cảnh hội nghị
Cũng theo ông Định, Nhà nước cần duy trì cơ chế đặt hàng. Đây không phải là xin cho mà công bằng vì báo chí cũng giúp tuyên truyền rất nhiều chính sách của Nhà nước, của các tỉnh thành, bộ, ngành. Theo ông Định, báo Nông thôn ngày nay rất chủ động trong việc này, chiếm 20 – 30% doanh số PR, tuyên truyền của báo.
Ông Định cho biết, cũng tán thành với giải pháp thu phí người đọc báo điện tử. “Chúng tôi đang chuẩn bị làm những thông tin để bán. Nhưng để bán thì phải là tin bài chất lượng riêng biệt, không lẫn, không xào của ai. Nhưng quan trọng là vấn đề bản quyền, nếu không bảo vệ được bản quyền thì không bao giờ làm được việc thu phí”, ông Định nói thêm.
Tổng Biên tập báo Nông thôn ngày nay cũng đồng tình với việc đề nghị các nhà mạng phải chia sẻ nguồn thu với các cơ quan báo chí. Theo ông Định, cơ quan báo chí càng phát triển, lượng truy cập càng nhiều thì chỉ các nhà mạng lợi, các cơ quan báo chí chẳng có gì ngoài tiền quảng cáo.
“Chúng tôi gặp các anh ở Viettel, Vinaphone, Mobifone, các anh ấy bảo lý do kỹ thuật, không tách được lượng đọc của báo. Nhưng việc khó hơn các anh ấy còn làm được thì cái này có gì khó. Hiện nay Bộ trưởng Bộ TT&TT cũng từng làm doanh nghiệp viễn thông, hoàn toàn có thể hiểu và làm được việc này”, ông Định chia sẻ.
Mong các báo đừng lấy thông tin của báo tôi
Trong khi đó, Tổng Biên tập báo Giao thông Nguyễn Bá Kiên cho rằng, cùng một thể chế nhưng các báo Đảng hiện đang sống rất khỏe, còn các báo của chính quyền rất yếu và không có gì cả. “Như báo Hà Nội mới, sau khi có quy định về các Đảng viên hơn 30 năm tuổi Đảng đọc báo hàng ngày thì lập tức báo rất phát triển. Tại sao báo khác lại không có chính sách đó. Đề nghị Bộ TT&TT hàng năm lập dự toán, quy định chi tiết cụ thể về các dự toán đặt hàng, QH sẽ duyệt để các báo đều được hưởng”, ông Kiên nói.
Ông Kiên cũng đề nghị quy định trong Luật Báo chí về chia sẻ nguồn thu từ các nhà mạng cho các cơ quan báo chí. Bộ TT&TT phải đồng hành với các báo trong việc này. Cùng với đó, cũng phải quy định trong luật về việc chia sẻ nguồn thu của mạng xã hội với các cơ quan báo chi.
Liên quan vấn đề bản quyền, ông Kiên cho rằng, vài năm trở lại đây, báo Giao thông đã tuyệt đối không lấy lại thông tin của các báo khác. Báo cũng có văn bản đề nghị các báo không lấy thông tin của báo Giao thông. “Chúng tôi thực hiện thì ngay lập tức có nguồn thu ngay. Ví dụ muốn lấy thông tin từ báo Giao thông thì phải trả tiền, không thì dứt khoát không cho”, ông Kiên nói.
Cũng theo ông Kiên, nếu như báo nào cũng làm như báo Giao thông thì sẽ giải quyết được câu chuyện bản quyền. "Cứ mỗi tuần chúng tôi sẽ tìm kiếm trên google để phát hiện các trang lấy lại thông tin của báo giao thông. Nếu không được đồng ý thì sẽ kiến nghị Bộ TT&TT xử phạt. Chúng tôi cũng xin mạn phép các báo lớn không lấy lại bài của báo chúng tôi”, ông Kiên đề nghị.