Gặp bậc hiện thân Phật Quan Thế Âm

Gặp bậc hiện thân Phật Quan Thế Âm
TP - May mắn được tham dự Đại Pháp hội cầu Quốc thái dân an do Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa chủ trì tại chùa Vân Sơn (Tam Đảo, Vĩnh Phúc), tôi cảm nhận chữ “an” theo cách của riêng mình.

Sự kiện Đức Pháp vương Gyalwang Drukpa - bậc được tôn kính là hóa thân của Phật Quan Thế Âm cùng nhiều bậc thượng sư giác ngộ khác- và Tăng đoàn Truyền thừa Drukpa viếng thăm Việt Nam hẳn rất có ý nghĩa với các Phật tử. Bản thân người viết mù mờ Phật pháp nhưng cũng biết được rằng những đại lễ do Đức Pháp vương chủ trì sẽ đem đến cho người tham dự và đất nước Việt Nam một lợi ích tinh thần nào đó nên tự nhủ lòng chớ bỏ qua thỉnh hưởng và cũng tò mò muốn tận thấy các vị cao tăng đến từ Ấn Độ và các nước quanh dãy Himalaya.

Lúc khởi hành, thông tin duy nhất chúng tôi biết là buổi lễ ngày 7-11 diễn ra tại chùa Vân Sơn, xã Hồ Sơn, Tam Đảo. Giữa đường lại nghe nói phải có một cái thẻ gì đó mới được vào hội trường dự lễ. Mọi người lấy làm hoang mang.

Lát sau qua điện thoại lại có người hứa hẹn đến nơi sẽ cho thẻ. Rồi cuối cùng chả cần thẻ gì. Còn “hội trường” là một bãi đất trống vuông vức phủ bạt, giữa rừng cây cao. Ở nơi bán các ấn phẩm của Pháp Vương và dòng Truyền thừa Drukpa, ai cũng được phát một tờ thông bạch ghi rõ lịch trình của đoàn, với đầy đủ các số điện thoại để liên hệ. Đặc biệt có một dòng mở ngoặc nhỏ: Thông báo này thay cho giấy mời, không yêu cầu phải đăng ký trước.

Con đường từ cổng chùa lên đến đàn tràng được phủ bạt trên đó in các biểu tượng Bát đại cát tường nhiều màu sắc của Kim Cương Thừa. Hầu như không ai bước lên đó, mà chỉ đi bên rìa, muốn băng ngang đường, lại lật một đoạn bạt lên.

Sau độ hai tiếng chờ đợi, có tiếng loa thông báo đoàn xe của Pháp Vương đã tiến vào cổng chùa. Tất cả thiện nam tín nữ đứng lên niệm Nam mô A Di Đà để nghênh đón. Dẫn đầu đoàn là các vị sư trẻ cầm các nhạc khí, đeo ba-lô, đi giày thể thao.

Họ nổi bật bởi màu áo huyết dụ, để trần một cánh tay. Nam cũng như nữ hầu hết đều cao lớn, khỏe khoắn, sắc diện ửng hồng trong làn nắng bỗng trở nên rực rỡ. Nếu không vận đồ nhà Phật, họ khá giống một đoàn vận động viên. Một số người cười và gật đầu với những Phật tử xếp hàng chắp tay hai bên đường.

Các chú tiểu đến từ Tịnh Thất Tây Thiên đến dự Pháp hội để tóc trái đào mặc áo nâu xem ra nhận được nhiều nụ cười của tăng đoàn nhất. Nghe nói một trong hai chú là con của một giám đốc ngân hàng ở Hà Nội đã được gửi lên chùa vài năm nay. Em bé thích sống ở đây, không muốn về nhà.

Kế đó mới đến chú tiểu bưng lư hương đi trước dọn đường cho đoàn có Pháp Vương. Đức Pháp Vương đi dưới một cái lọng phủ lông công, về nhìn lại ảnh tôi mới biết. Lúc đó mải bấm máy, chưa kịp thấy Ngài thì Tăng đoàn đã đi qua mất.

Sự kiện buổi sáng có tên đầy đủ là Đại Pháp hội Quán đỉnh cộng đồng Mandala Quán Âm Lục Độ Phật Mẫu Tara Cầu nguyện quốc thái dân an. Buổi lễ bắt đầu với những âm thanh trầm hùng như của một bè nam cực trầm. Là người ngoại đạo, tôi chỉ thấy tiếng tụng kinh rất hay, có giai điệu như hát với giọng nữ và nam lĩnh xướng. Đặc biệt giọng nữ có phong độ của sao ca nhạc thứ thiệt.

Thỉnh thoảng rộ lên những tiếng gì như của một đàn voi rống - chắc âm thanh của dàn tù và. Đàn tràng được dựng lên ở rất cao trên triền đồi dốc, nên chúng sinh ngồi dưới khó có thể biết được các tăng sĩ làm cách nào để tạo ra những âm thanh đẹp lạ kia.

Trong khi phần lớn Tăng đoàn ngồi dưới Pháp tòa của Đức Pháp vương thì thỉnh thoảng có một vị hộ đàn ăn mặc nổi bật hơn với áo ngũ sắc hay mũ có gù cao lại đứng đỉnh lễ Pháp Vương hoặc cầm một dải vải trắng múa, hay rảy nước phúc bằng một cái quạt lông công để sái tịnh phẩm vật cúng…

Chờ Pháp vương ban phúc
Chờ Pháp Vương ban phúc.

Nói chung phần lễ buổi sáng đã giải tỏa phần nào những tò mò về nghe và nhìn của tôi, và tôi cũng không mong chờ gì hơn. Nhưng hóa ra còn có những cách khác để cảm nhận một buổi lễ, nhất là nếu lễ đó dành cho chính mình.

Những người có mặt ở chùa Vân Sơn hôm đó may mắn được dự Đại đàn Hỏa tịnh. Lịch trình cho thấy lễ này chỉ được tổ chức một lần vào 3-11 tại chùa Hà Tiên (thành phố Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc). Nhưng theo nguyện vọng và thỉnh cầu của nhiều người, vả lại nhà chùa cũng đã chuẩn bị, nên Pháp Vương đã ưng thuận cử hành khóa lễ Hỏa tịnh.

Được biết nghi lễ này có tác dụng “tiêu trừ nghiệp chướng, tịnh hóa thân tâm”, nên tôi quyết định không xoi mói chụp ảnh nữa, mà ngồi nhắm mắt định tâm quán tưởng Đức Phật theo như hướng dẫn của người dẫn chương trình. Tất cả những ai tránh nắng trong các bóng cây ở hai bên triền đồi cũng được hướng dẫn ra sân ngồi hướng lên Pháp Vương để cùng cầu nguyện giúp khóa lễ được viên mãn.

Không biết rõ về đặc tính của buổi lễ và dĩ nhiên là mù tịt về nội dung của các lời tán tụng, tôi chỉ ngồi xếp bằng nhắm mắt lắng tâm để thưởng thức lời tụng du dương và âm thanh pháp khí trầm hùng. Cứ để nhạc của Phật đi vào tâm thức, một lát sau, người tôi tự nhiên dao động nhẹ nhưng đều đặn theo chiều kim đồng hồ. Tôi cứ để tự nhiên, coi giống như việc nghe nhạc sôi động thì người mình cũng lắc theo vậy. Thậm chí tôi còn mở hé mắt ra để thấy người mình đang xoay vòng vòng thật.

Sự hận thù mang lại rất nhiều hậu quả tiêu cực cho chính bạn. Nhưng bạn cũng cần cảnh giác với tình yêu thương thiên chấp mù quáng, bởi tình cảm này chỉ tạo thêm cho chúng ta những chướng ngại khổ đau.

Bí mật của tình yêu thương là lòng Vô ngã - Vị tha, vì đó mới chính là tình yêu thương tràn đầy minh triết tuệ giác.

Chúng ta cần trưởng dưỡng tình yêu thương vô điều kiện để có thể cùng sống tương thân tương ái. Hãy loại bỏ ngã mạn, loại bỏ mong chờ đáp trả, loại bỏ hy vọng, hãy biết Sống Để Yêu Thương vì một thế giới tốt đẹp hơn - Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa

Bạn tôi lại cảm nhận khóa lễ theo cách khác, chủ yếu qua việc nhìn thấy các màu sắc trong khi ngồi quán tưởng.

Một điều cũng thú vị nữa là lúc MC kiêm phiên dịch bảo mọi người tụng một câu gì đó (về sau mới biết là Om Ami Dewa Hrih - phiên ra tiếng Việt chính là chân ngôn A Di Đà Phật), tôi cũng tụng theo và càng lúc càng nhanh, với cảm giác môi mình cứ tự động mấp máy mà vẫn không sai lệch.

Tất nhiên là tôi không nhịn được chụp ảnh, nên trong khi quán tưởng, có vài lần vẫn mở mắt ra và thấy mọi người theo chỉ dẫn của các sư xếp hàng tuần tự đi quanh một đống lửa. Sau khi đưa vài đồng tùy tâm cho nhà chùa, họ được nhận vài phẩm vật như: bơ sữa, bánh trái, hoa, quế, hồi, trầm… để tung vào đống lửa, rồi được phát lộc về chỗ.

Rồi thì ai cũng đều được gia lộc, là những sợi chỉ ngũ sắc, là bánh kẹo, tấm hình nhỏ của Phật A Di Đà hay của Đức Pháp Vương, cả những túi gạo nhỏ… Tất cả phẩm vật đều đã nhận được sự gia trì của Pháp Vương để đem lại bình an cho người nhận nó.

Sau phần tụng kinh và tấu nhạc, Đức Pháp Vương trực tiếp giảng pháp bằng tiếng Anh. Với tôi, có phần còn dễ hiểu hơn phần dịch tiếng Việt sử dụng khá nhiều thuật ngữ nhà Phật. Ngài nói một lúc lâu, nhưng đọng lại trong tôi đại ý: “Nếu để cho dục vọng mặc sức phát tác thì dục vọng chỉ là dục vọng, còn khi ta tập trung xem xét nó thì nó sẽ trở thành biểu hiện của tình yêu…” (Nguyên văn: “When we don’t manage to cultivate the desire in to the Path, then it is become just desire, a burning desire, just causes a lot of problems, but if you have the great skills of the Path of the Budda Amitabha, then you manage to cultivate the desire, so that it will be expressing the love and benifiting all others through different means”). Và Ngài còn khuyên, yêu là phải hành động, chứ không chỉ nghĩ và nói. Tất nhiên đó cũng là tình yêu lớn, bao trùm vạn vật.

Trong lúc đang ngồi quán tưởng lời kinh, nhà chùa đến từng người ban cho một ít nước phúc. Tôi bắt chước xung quanh cũng lấy nước đó xoa lên đầu lên mặt. Thấy thơm thơm mùi quế.

Lễ đã xong xuôi, Đức Pháp Vương và Tăng đoàn đã ra về, mọi người đang dọn dẹp thì có tiếng trao đổi trên đàn tràng do loa mic vẫn chưa tắt: “Còn nhiều nước gia trì lắm, hay bảo mọi người lên lấy” “Rồi lại chen lấn xô đẩy nhau cho mà xem!”. Nhưng cuối cùng vẫn có lời mời chính thức qua loa: “Mọi người cứ từ từ xếp hàng, nước có đủ cho tất cả”. Và quả thực cảnh chen lấn có diễn ra thật. Mọi người cuống quít đi kiếm chai nhựa rỗng để đựng nước. Có người tranh thủ uống ngay tại nồi, có người mang về dành để… xoa bóp.

Khi đã vãn người xúm quanh hai nồi nước, tôi mon men đến múc nước. Đúng là nước có đủ cho mọi người thật.

Buổi trưa, mọi người được chiêu đãi một bữa chay gồm cơm trắng, chuối xanh kho, sung muối và bí xào. Đạm bạc nhưng ăn rất vào trong cảnh chùa chiền, giữa thiên nhiên. Lễ kết thúc trước 5 giờ chiều, đã lại có cơm canh chờ sẵn với thực đơn lạc rang, dưa cải xào. Vậy là chúng tôi tự nhiên có trọn một ngày ăn chay niệm Phật theo đúng nghĩa.

Trên đường về, người đi cùng xe chép miệng: “Kể làm Pháp Vương cũng khổ. Cứ phải đi suốt. Đến cả bắt tay người hâm mộ cũng không được…” Theo người đó kể khi Pháp Vương đã ngồi trên ô tô, có người giơ tay ra định chạm vào Ngài thì bị người hộ tống gạt ra. Có vẻ như người nói đang hình dung Pháp Vương theo kiểu… sao nhạc pop. Tôi tự hỏi, một bậc dành hết nỗ lực đem lại bình an cho mọi người và lại được tha nhân cảm thương lại như thế có thể gọi là khổ được chăng?!

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG