> Giá hàng tiêu dùng tăng theo giá điện
> Lý giải tăng giá điện của EVN chưa thuyết phục
Ba tháng tăng một lần?
Ngày 20-12-2012, Bộ Công thương cho phép EVN tăng giá điện bình quân tăng từ 1.369 đồng/kWh lên 1.437 đồng/kWh (tăng khoảng 5%) và được áp dụng từ ngày 22-12, với mức tăng này, EVN sẽ tăng thu hơn 7.000 tỷ đồng.
Ngay sau đó, Phó tổng giám đốc EVN, ông Đinh Quang Tri cũng không ngại ngần khi tuyên bố, giá điện năm 2013 có khả năng tiếp tục tăng với mức cao hơn trong năm 2012. Điều này thực sự là “gánh nặng” đối với người dân và doanh nghiệp.
Một lý do khách quan thấy rõ và cũng là yếu tố quyết định trong năm 2013 để EVN có thể thực hiện điều chỉnh giá điện đó là lượng nước về các hồ thủy điện lớn trên cả nước năm nay thấp hơn nhiều so với năm 2012 và 2011.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Tạ Văn Luận, Giám đốc thủy điện yaly cho biết, lượng nước về hệ thống ba hồ chứa thuộc quyền quản lý của Cty trong quý IV-2012 chỉ bằng khoảng 50% của năm trước và bằng 2/3 trung bình nhiều năm.
Lượng nước về các hồ chứa vùng duyên hải miền Trung còn giảm mạnh hơn. Lượng nước về các hồ chứa giảm thấp sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc cấp điện cho sản xuất trong các tháng mùa khô sắp tới.
Giám đốc nhà máy thủy điện Trị An, ông Nguyễn Kim Phúc cũng xác nhận mùa mưa năm 2012 ở phía Nam chấm dứt sớm nên lượng nước ở hồ Trị An đang xuống thấp hơn so với các năm trước 1m – 2m. Ít nước sẽ khiến việc cấp điện trong mùa khô năm nay sẽ khó khăn, không thuận lợi.
Với cơ cấu thủy điện chiếm khoảng 50% trong tổng cơ cấu nguồn phát điện như hiện nay, việc EVN phải chi ra khoảng 6.000 - 7.000 tỷ đồng để chạy dầu bù cho việc thiếu hụt vài tỷ kWh của thủy điện trong năm 2013 là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Những tín hiệu xấu khác có thể cho thấy việc tăng giá điện có thể xảy ra cũng được nhìn thấy: Thứ nhất, giá điện hiện nay, theo EVN, vẫn chưa được tính hết chi phí.
Các khoản bù lỗ chênh lệch tỷ giá tới hơn 26.600 tỷ đồng, lỗ kinh doanh do phải mua dầu giá cao để phát điện của các năm trước chưa được đưa vào giá điện, trong khi Chính phủ yêu cầu các khoản nợ, lỗ này sẽ phải đưa dần vào giá điện từ nay đến 2015 cũng là yếu tố sẽ khiến giá điện sẽ còn phải tăng dù EVN có lãi.
Tại cuộc họp báo về điều chỉnh giá điện hôm 20-12-2012, Phó tổng giám đốc EVN, ông Đinh Quang Tri cho biết, dù năm 2012, ngành điện lãi 3.500-4.000 tỷ đồng, nhưng tổng mức tăng chi của EVN do giá than tăng khoảng 900 tỷ đồng trong năm 2012, cùng với đó giá khí cho điện trước đây cũng rẻ, nhưng năm 2010 đã tăng khoảng 35%, năm 2012 tăng tiếp, từ ngày 1-1-2013 sẽ tăng nữa... sẽ là những yếu tố khiến đầu vào của EVN sẽ tăng.
5 khuyến nghị điều chỉnh giá điện
Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, ông Nguyễn Tiến Nghi cho biết năm 2012 là năm rất khó khăn, nhiều doanh nghiệp ngành thép bị lỗ. Việc giá điện hai lần tăng trong năm 2012 khiến các doanh nghiệp trong ngành tăng chi phí lớn, trong khi sản xuất đầu ra gặp khó khăn.
“EVN độc quyền nên tăng giá điện phải minh bạch, rõ ràng. Đầu ra của ngành thép trong năm tới còn rất khó khăn nên điện tăng giá đồng nào là khó đồng đó. Với mức công suất của ngành hiện nay, chi phí tiền điện của các doanh nghiệp trong năm 2013 chắc chắn sẽ bị đội thêm hàng trăm tỷ đồng”- Ông Nghi cho biết.
Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính (Bộ Tài chính) vừa có 5 khuyến nghị gửi các cơ quan quản lý về quản lý, điều chỉnh giá điện ở Việt Nam.
Theo đó, về nguyên tắc điều chỉnh giá điện, Việt Nam cần cân nhắc điều chỉnh giá điện theo từng cấu phần của giá điện (giá phát điện, giá truyền tải, giá phân phối và giá bán lẻ), đồng thời cần hoàn thiện bộ tiêu chí về các chi phí cơ bản trong sản xuất, truyền tải và phân phối điện; Chính sách giá điện cần theo hướng đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, không nên đặt ra quá nhiều mục tiêu chính sách trong giá điện, tiến tới thị trường hóa giá điện.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục tăng cường cơ chế giám sát về điện và giá điện. Bộ Công thương và Bộ Tài chính cần phối hợp để đưa ra những bộ tiêu chí cập nhật và hiệu quả hơn trong quản lý và điều hành giá điện.
Ngoài ra, Việt Nam cần đẩy nhanh tự do hoá ngành điện. Tiến tới Nhà nước chỉ quản lý khâu truyền tải điện.
Tuy nhiên cần phải có lộ trình, trước mắt cần đẩy mạnh tự do hoá thị trường phát điện theo đúng lộ trình: Tiến hành cổ phần hoá các công ty sản xuất điện của EVN, nhằm đảm bảo tính cạnh tranh trên thị trường phát điện; Thực hiện công khai trong đấu thầu điện ở khâu phát điện để đưa lên lưới truyền tải; bình đẳng giữa các nhà máy điện độc lập và các nhà máy điện thuộc tập đoàn.
Đừng để EVN đề xuất việc tăng giá Theo TS Vũ Đình Ánh, để cân đối được cả về mức tăng giá, tần suất tăng, thời điểm tăng giá, nên giao cho một cơ quan quản lý cấp trên thực hiện chứ không nên để cho EVN tính toán và đề xuất như quy định hiện nay, dù là ở mức 5%. Bởi điều hành giá điện tác động đến toàn thể nền kinh tế nên phải để ở cấp có khả năng bao quát, đánh giá tốt hơn quyết định việc tăng giá điện. Còn nếu để như hiện nay thì cứ thấy chỉ số lạm phát (CPI) thấp EVN sẽ lại đề xuất tăng giá ngay. |