Gánh nặng thuế, phí vẫn “đè” doanh nghiệp

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
TP - Một số chính sách thuế thay đổi nhanh chóng khiến doanh nghiệp không kịp trở tay; Thủ tục thuế và hải quan còn rườm rà khiến gánh nặng chi phí vấn đề doanh nghiệp... Đặc biệt, doanh nghiệp vẫn còn phải chung chi, bồi dưỡng ngành. Đó là những vấn đề nổi bật tại Hội nghị đối thoại thuế, hải quan với doanh nghiệp năm 2017.

Tại Hội nghị đối thoại giữa Bộ Tài chính và doanh nghiệp (DN) về chính sách và thủ tục hành chính thuế, hải quan năm 2017 diễn ra ngày 27/11, Tiến sỹ Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết rất nhiều ý kiến, kiến nghị của DN đã được chuyển tới các vị trực thuộc Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan xem xét giải quyết trước thềm hội nghị này.

Trong lĩnh vực thuế, một số quy định trong chính sách thuế thay đổi nhanh chóng khiến DN gặp khó. Thậm chí, nhiều nghị định, thông tư về thuế vừa ra đã chỉnh sửa bổ sung, văn bản ra lúc nào DN cũng không biết.

Bên cạnh đó, thủ tục dành cho các DN nợ thuế, phạt chậm nợ thuế còn rườm rà, phức tạp, làm khó DN. “Có DN cho biết, phát sinh thuế phải nộp quý 4 nhưng thời hạn cuối nộp rơi vào quý 1 năm sau, nên DN nộp vào quý 1 năm sau (vẫn được xem là nộp đúng hạn và không nợ thuế). Chưa kể, mức phạt khoản tiền chậm nộp quá cao khiến DN gặp thêm khó khăn về kinh doanh. Cơ quan thuế nên xem xét, đánh giá tình hình của DN để có thể miễn, giảm khoản mức phạt khoản tiền chậm nộp. Ở lĩnh vực hải quan, ông Đoàn Duy Khương cho biết, khi DN phản ánh, công văn trả lời cho các vấn đề vướng mắc của DN còn chung chung, chủ yếu đưa ra các thông tư, nghị định mà không có câu trả lời rõ ràng và các hướng dẫn cụ thể cho họ. Trong một số trường hợp sự phối hợp giữa hải quan và các cơ quan liên quan chưa đồng bộ, gây ảnh hưởng đến hoạt động của DN.

“Theo phản ánh của một số DN, thực tế DN vẫn e sợ thủ tục hải quan do công chức cán bộ hải quan có thể viện lý do quá tải, giải quyết hồ sơ tồn đọng trước đó v.v…mà làm chậm hồ sơ hoặc hay bắt lỗi nhỏ nhặt của DN để làm khó....”, ông Khương chia sẻ.

Ngoài ra, vấn đề kiểm tra chuyên ngành cũng có quá nhiều văn bản, thông tư, nghị định chồng chéo của các cơ quan chuyên ngành làm DN dễ bị nhiễu loạn và rối loạn thông tin. Nhiều khi, DN phải tự chạy đi tới cơ quan giám định yêu cầu ký giấy xác nhận mà cũng không được chấp nhận. Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hiệp hội tư vấn thuế Việt Nam cũng cho rằng, có những vướng mắc rất nhỏ trong các văn bản nhưng lại ảnh hưởng rất lớn đến DN. Vẫn còn tồn tại những khó khăn vướng mắc ở cả chính sách thuế và quản lý thuế. Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, bộ xin ghi nhận ý kiến của bà Cúc và các DN.

MỚI - NÓNG