Gần Tết, Hà Nội nở rộ dựng rạp đám cưới giữa lòng đường

Gần Tết, Hà Nội nở rộ dựng rạp đám cưới giữa lòng đường
TPO - Vào mùa cưới, tại các khu vực ngoại thành Hà Nội, nhiều hộ dân dựng rạp tràn ra mặt đường, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông, an toàn cháy nổ. Vi phạm công khai nhưng lực lượng chức năng không xử lý khiến người dân bức xúc.

Theo ghi nhận của PV Tiền Phong, những ngày đầu tháng 12 tình trạng dựng rạp lấn chiếm lòng lề đường ở địa bàn các xã Hữu Bằng, Phúc Lộc, thị trấn Liên Quan… huyện Thạch Thất (TP Hà Nội) diễn ra thường xuyên, ảnh hưởng đến việc tham gia giao thông của mọi người. Đáng nói, khu vực này có nhiều hộ gia đình sản xuất, buôn bán các mặt hàng gỗ, thép nên lưu lượng xe cộ đi qua các tuyến đường liên xã, liên huyện rất đông.

Gần Tết, Hà Nội nở rộ dựng rạp đám cưới giữa lòng đường ảnh 1 Tình trạng dựng rạp giữa lòng đường tại Thạch Thất gia tăng mạnh trong những ngày gần đây, khiu mùa cưới bắt đầu

Trưa ngày 2/12, dù chiều rộng con đường liên xã qua địa xã Phùng Xá rộng khoảng 5m, nhưng một hộ dân ngang nhiên dựng rạp chiếm gần hết diện tích lòng đường để tổ chức đám hỏi. Bàn ghế, rạp bằng sắt bày biện tràn lan dưới lòng đường, khiến việc di chuyển của các phương tiện gặp nhiều khó khăn.

Cách đó chừng 500 m là một rạp đám cưới khác lớn hơn ở xã Hữu Bằng, con đường có bề ngang hơn 6m bị rạp đám cưới chiếm toàn bộ. Các phương tiện lưu thông qua khu vực này buộc phải chuyển làn đường. Đặc biệt, đoạn đường có độ dốc cao, khi xe tải, xe buýt đổ dốc rồi chuyển làn đường khiến nhiều phương tiện phải nép vào sát lề né tránh.

Gần Tết, Hà Nội nở rộ dựng rạp đám cưới giữa lòng đường ảnh 2  Đường rộng hơn 6m tại xã Hữu Bằng thành nơi dựng rạp đám cưới

Anh Nguyễn Văn Hòa, lái xe tải chuyên chở hàng khu vực xã Hữu Bằng cho hay, nhiều hôm trên cùng một tuyến đường có đến 2 - 3 cái rạp cưới, nhiều đám dựng rạp lấn gần hết làn đường, buộc người điều khiển phương tiện giao thông phải lấn sang làn đường ngược chiều. Khổ nhất là gặp phải rạp ở những khúc cua, khuất tầm nhìn khiến lái xe vừa phải xử lý gấp vừa lo va chạm với xe ngược chiều. Điều này không chỉ gây nguy hiểm cho người và phương tiện lưu thông, mà nguy hiểm với cả người ngồi trong rạp.

Gần Tết, Hà Nội nở rộ dựng rạp đám cưới giữa lòng đường ảnh 3 Rạp đám cưới dựng hết cả đường, gây cản trở giao thông tại xã Hữu Bằng

Trong khi đó, bà Loan (43 tuổi, trú tại xã Phùng Xá) lo lắng: “Ở đây, đám gì người ta cũng dựng rạp ra đường, rồi ăn uống hát hò. Người lớn còn không làm việc được, trẻ con thì sao mà học hành. Xã nào cũng có nhà văn hóa để phục vụ việc hiếu hỉ cho bà con nhưng không thấy ai tổ chức ở đó. Gần Tết đến người ta sẽ còn dựng rạp nhiều hơn nữa”.

Gần Tết, Hà Nội nở rộ dựng rạp đám cưới giữa lòng đường ảnh 4 Việc đi lại của người dân những nơi có đám cưới tổ chức vô cùng khó khăn

Khảo sát thêm một số xã trên địa bàn đi trên tỉnh lộ 419, có thể thấy tình trạng “biến” đường thành nơi dựng rạp cưới diễn ra không phải ít. Có nhà còn ngang nhiên lấn cả lối đi duy nhất của ngõ, cản trở việc đi lại; mái rạp, cổng hoa rườm rà che khuất tầm nhìn của người đi đường.

Gần Tết, Hà Nội nở rộ dựng rạp đám cưới giữa lòng đường ảnh 5

Phản ánh với Tiền Phong, người dân ở đây rất bất bình với việc dựng đám cưới giữa lòng đường nhưng vì "bán anh em xa, mua láng giếng gần" nên họ không dám ý kiến. Nhiều người được hỏi đề nghị cơ quan chức năng xử nghiêm đúng quy định, chức năng.

Lẫn chiếm lòng đường bị phạt hành chính, gây hậu quả nghiêm trọng bị xử lý hình sự

Theo luật sư Nguyễn Văn Cường - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, Nghị định 100/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quản lí, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông quy định: Người dân nếu cần vẫn có thể dùng một phần hè phố nhưng có điều kiện. Cụ thể, khi sử dụng vỉa hè thì phải dành một khoản tối thiểu là 1,5m dành cho người đi bộ. Điều kiện thứ hai là thời gian sử dụng là tạm thời, đối với đám ma và đám cưới là không quá 48 tiếng, còn trường hợp là đám ma đặc biệt thì không quá 72 tiếng. Thứ ba, vị trí hè phố sử dụng phải đảm bảo kết cấu phù hợp với các trường hợp tạm thời. Thứ tư, là phải thông báo cho UBND cấp xã, phường. Tuy nhiên, Nghị định cũng nêu, tuyệt đối không được sử dụng lòng đường để làm việc này.

Ngoài ra luật sư Cường còn cho biết, Điều 12 Nghị định 100/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định bị phạt tiền ở các mức độ khác nhau đối với hành vi lấn chiếm lòng đường tuỳ vào kích thước lấn chiếm, vị trí lấn chiếm... Còn trường hợp để xảy ra các hậu quả nghiêm trọng như làm chết người hoặc chết nhiều người hay thiệt hại về tài sản thì theo tính chất, mức độ hậu quả xảy ra, người vi phạm đó có thể bị xử lý hình sự.

Theo Khoản 1 Điều 261 của Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội cản trở giao thông đường bộ, mức hình phạt là cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Ở Khoản 3 mức phạt có thể là từ 5 năm đến 10 năm tù nếu hậu quả xảy ra là làm chết từ 3 người trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 1,5 tỷ đồng trở lên. “Cần có các chế tài xử lý việc người dân tự ý dựng rạp phục vụ cho đám tang, đám cưới trên đường phố. Cần xử lý nghiêm các cán bộ, lãnh đạo buông lỏng trách nhiệm của mình. Đồng thời nâng cao công tác tuyên truyền, công tác vận động, giáo dục để người dân tự giác chấp hành”, luật sư Cường nói thêm.

MỚI - NÓNG
Bản tin Hình sự: Bắt 4 đối tượng trong đường dây lừa đảo mạo danh công an, viện kiểm sát
Bản tin Hình sự: Bắt 4 đối tượng trong đường dây lừa đảo mạo danh công an, viện kiểm sát
TPO - TIN NÓNG ngày 12/12: Công an Hà Nội điều tra vụ cháu bé 11 tuổi bị cứa cổ, hành hạ khi câu cá tại ao nhà hàng xóm; Chủ tịch Công ty Trung Hậu 68 đã 'rửa' hàng trăm tỷ thu lợi bất chính từ khai thác trái phép cát ra sao?; Nhóm thanh niên Hải Dương mang kiếm sang Bắc Ninh trộm tiền công đức ở đền chùa...
Đèo An Khê tê liệt
Đèo An Khê tê liệt
TPO - Một khối lượng đất đá bị sạt xuống đường làm bịt lối thoát nước gây ngập một đoạn đường trên đèo An Khê, khiến giao thông bị tê liệt.