Gan nhiễm mỡ vì uống nước ngọt có ga

Ảnh minh hoạ: Internet
Ảnh minh hoạ: Internet
Sự phát triển của kinh tế xã hội, thói quen sử dụng những đồ ăn nhanh như đồ chiên, rán, uống nước ngọt có gas ngày càng phổ biến, đặc biệt nguy hiểm khi đây là nguyên nhân gây ảnh hưởng tới sức khỏe của thế hệ tương lai. Việc uống nước ngọt có gas đang tiềm ẩn nguy cơ gây ra bệnh gan nhiễm mỡ ngay khi còn nhỏ.

PGS.TS Trịnh Thị Ngọc, Nguyên Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, với đối tượng trẻ em, lối sống, thói quen ăn uống có ảnh hưởng rất nhiều tới sức khỏe của trẻ. Ví dụ như bố mẹ cho trẻ uống quá nhiều nước ngọt có gas, trẻ dễ mắc bệnh gan nhiễm mỡ.

Nhiều trẻ phát hiện mắc gan nhiễm mỡ khi đi khám bệnh khác

Mẹ bé Nguyễn Ngọc A., 13 tuổi ở  Hà Nội cho biết, tình cờ đi khám do cháu bị đau bụng, bác sĩ phát hiện ra cháu bị gan nhiễm mỡ, men gan tăng gấp 3-4 lần so với bình thường. Bác sĩ bảo men AST của cháu là 102 (trị số bình thường là dưới 37), men ALT là 125 (bình thường dưới 40).  Gia đình rất lo lắng cho sức khỏe của cháu, bác sĩ bảo đó là do cháu thừa cân, béo phì gây ra. Mới 13 tuổi nhưng cháu đã nặng 61 kg. Cháu rất thích ăn các đồ ăn nhanh, nhất là nước ngọt có gas, tuần nào cháu cũng ăn ít nhất 2 lần.

Bác sĩ Ngọc cho biết, các bậc cha mẹ hiện nay vẫn nghĩ rằng, đây là căn bệnh của người lớn, họ không bao giờ hình dung ra chính con em mình mắc bệnh. Khi nhận được kết quả con em mình mắc bệnh gan nhiễm mỡ, họ đã rất ngạc nhiên và không hiểu nguyên nhân do đâu. Ở trẻ em mắc gan nhiễm mỡ chủ yếu do chế độ ăn uống quá dư thừa chất, thói quen ăn nhiều đồ ngọt, lười vận động, làm trẻ thừa cân, béo phì.

Giáo sư Robert Lustig - giáo sư về nội tiết học của Đại học California, San Francisco  cho biết, trước đây, có một số căn bệnh chúng ta chưa từng gặp trên bệnh nhân là trẻ em nhưng hiện nay trẻ em của chúng ta đang mắc phải những căn bệnh này, đó là tiểu đường và gan nhiễm mỡ.

Tại sao ăn quá nhiều đồ ngọt sẽ mắc gan nhiễm mỡ

Giáo sư Robert Lustig cho biết, thừa cân, béo phì đang ảnh hưởng tới ¼ số trẻ em Mỹ. Việc ăn quá nhiều đường đặc biệt là nước uống có gas đang để lại hậu quả xấu cho sức khỏe của thế hệ tương lai.

Nhiều người thường cho rằng chỉ có uống rượu mới có ảnh hưởng tới gan,  nhưng thực tế đường trong các loại thực phẩm cũng hủy hoại cơ quan thải độc quan trọng hàng đầu của cơ thể. Đường và rượu thực tế được chuyển hóa gần như hoàn toàn giống nhau trong gan, rượu chính là đường lên men. Sự khác biệt lớn ở 2 loại phân tử này là ở rượu, men thực hiện bước đầu tiên của quá trình chuyển hóa, còn đường chính cơ thể chúng ta thực hiện bước chuyển hóa này.  Khi vào cơ thể gan sẽ không phân biệt được tác động đó là từ đường hay rượu, GS Lustig – chuyên gia về chuyển hóa giải thích. Chúng ta đang thấy xuất hiện các bệnh về gan giống như do rượu nhưng lại không phải do uống rượu.

Khi ăn quá nhiều đường từ các loại thực phẩm, đồ uống, đường được hấp thụ qua ruột đi thẳng vào gan. Đường bao gồm đường đơn glucose và fructose trước khi vào máu. Glucose chuyển hóa ở mọi tế bào trong cơ thể. Trong khi đó, fructose có trong chế độ ăn uống, chỉ chuyển hóa ở gan. Nếu ăn lượng vừa phải fructose chúng sẽ biến thành glycogen sau đó được lưu trữ ở gan. Nhưng ăn quá nhiều fructose sẽ làm gan quá tải, gan sẽ đầy glycogen buộc biến fructose thành chất béo tích tụ ở gan và các bộ phận trong cơ thể gây bệnh gan nhiễm mỡ và hội chứng chuyển hóa. Đây chính là cách mà cơ thể phản ứng khi bạn dung nạp quá nhiều đường, gan nhận quá nhiều đường sẽ chuyển hóa thành chất béo. Các chuyên gia cho biết đây là cách cơ thể chúng ta mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu.

Các nghiên cứu còn cho thấy, những người bị gan nhiễm mỡ không do rượu thường ăn gấp 2-3 lần fructose so với người bình thường. Ăn thực phẩm nhiều đường còn làm tăng 10-20% năng lượng, đó còn là nguyên nhân gây ra các vấn đề về sức khỏe như béo phì, tiểu đường , tim mạch….

PGS.TS Trịnh Thị Ngọc khuyên, với bệnh gan nhiễm mỡ thường phải điều trị ít nhất từ 6 tháng đến 1 năm, hiện nay có rất nhiều loại thuốc điều trị căn bệnh này hiệu quả, kể cả thuốc đông y. Tuy nhiên việc sử dụng thuốc cần thận trọng, chỉ dùng các thuốc được chỉ định, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và được Bộ Y tế cấp phép, nếu không muốn bệnh nặng thêm. Còn với trẻ em, việc điều trị không dễ. Nên điều quan trọng nhất là nếu trẻ đã mắc bệnh, cần tuân thủ tuyệt đối phác đồ điều trị của bác sĩ, quan trọng nhất là phải thay đổi chế độ ăn ở trẻ, tránh xa các thực phẩm chứa nhiều chất béo, đồ uống có đường. Tốt nhất cần đảm bảo cho trẻ một chế độ ăn lành mạnh, cân bằng, nhiều rau xanh, hoa quả tươi.

Theo Theo SKĐS
MỚI - NÓNG