Gắn hộp đèn cho xe công nghệ liệu có thay đổi thị trường?

Nhiều tài xế xe công nghệ cho rằng xe công nghệ đón khách đều thông qua ứng dụng trên điện thoại di động, vậy nên việc gắn mào lên nóc xe là không cần thiết.
Nhiều tài xế xe công nghệ cho rằng xe công nghệ đón khách đều thông qua ứng dụng trên điện thoại di động, vậy nên việc gắn mào lên nóc xe là không cần thiết.
Việc Bộ Giao thông – Vận tải (GTVT) vừa trình báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ giữ nguyên quan điểm buộc tất cả các xe sử dụng phần mềm để tính tiền (gọi chung là xe công nghệ) phải gắn hộp đèn (mào) lên nóc xe để dễ quản lý và tạo thuận lợi cho hành khách có nhu cầu gọi xe đã khiến không ít các tài xế xe công nghệ và cả những người sử dụng dịch vụ băn khoăn.

Gắn “mào” trên nóc xe công nghệ làm quản lý phức tạp

Là người sở hữu ô tô và tham gia lái xe công nghệ, anh Nguyễn Văn Huy, (Quận 11, TPHCM) bày tỏ quan điểm: “Tôi thấy ý kiến gắn hộp đèn không khả thi. Tôi có xe nhàn rỗi, chạy thêm Grab để giúp xe không "trùm mền" mà còn kiếm thêm một khoản thu nữa. Xe này thuộc quyền sở hữu của tôi mà lại đi gắn hộp đèn cố định như vậy thì mất thẩm mỹ quá. Những lúc tôi lấy xe lại vào các dịp cuối tuần chở gia đình đi chơi, mang thêm cái hộp đèn nữa thì thực sự không tiện chút nào. Thiết nghĩ các Bộ ban ngành nên tìm thêm các hướng mới để vừa quản lý hiệu quả vừa hợp lòng dân”.

Trong khi đó, anh Nguyễn Ngọc Dũng, một tài xế lái xe công nghệ, cũng không đồng tình việc gắn hộp đèn cho xe của mình: “Chủ xe đăng ký kinh doanh GrabCar thường sử dụng xe với nhiều mục đích: cho thuê ngắn hạn, vận chuyển trong gia đình... Grab chỉ là việc làm bán thời gian. Bây giờ đề xuất gắn hộp đèn như taxi, mỗi lần chở gia đình đi tiệc, đi chơi không lẽ tháo ra? Taxi truyền thống không thỏa mãn được nhu cầu của hành khách nên taxi công nghệ mới có đất phát triển. Taxi truyền thống đón khách dọc đường nên cần có mào để dễ nhận biết. Có cơ quan nào nhìn mào taxi để quản lý không? Xe công nghệ đón khách thông qua ứng dụng trên điện thoại di động, vậy bắt gắn mào để làm gì? Mào không giúp ích cho cơ quan quản lý, lại làm giảm lượng xe tham gia nữa”.

Chị Hà Thanh Quyên, Phó Giám đốc của một công ty may mặc tại TPHCM, là một khách hàng thường xuyên chọn xe công nghệ để di chuyển. Do tính chất công việc cần phải ra ngoài thường xuyên để gặp gỡ các đối tác và khách hàng, chị Quyên chỉ chọn đi GrabCar Plus. Số tiền chị bỏ ra cho mỗi chuyến đi không những khiêm tốn hơn so với xe taxi truyền thống mà điều khiến chị hài lòng nhất là các lựa chọn dòng xe sang, cao cấp tạo cảm giác như được đi xe nhà. “Nếu buộc xe công nghệ phải gắn mào sẽ làm tăng chi phí xã hội. Bên cạnh đó, nhiều hành khách cũng không muốn đi xe có mào vì họ thích cảm giác được đi xe riêng, xe sang trọng, đẳng cấp. Do đó, các phương tiện này phải được quản lý bằng công nghệ chứ không nên quản lý như taxi thường”.

Gắn hộp đèn cho xe công nghệ liệu có thay đổi thị trường? ảnh 1 Từ lúc Việt Nam xuất hiện các xe công nghệ và mô hình kinh doanh mới đã đem lại cho người dân những lợi ích như minh bạch về giá cước và lộ trình, giá cước phù hợp với nhu cầu của người dân, chất lượng phục vụ được nâng cao

Đồng tình với chị Quyên, chị Lê Thị Mỹ Lệ (Quận 3, TPHCM), đặt vấn đề: “Việc bắt xe công nghệ gắn hộp đèn như taxi truyền thống sẽ tạo thêm những rào cản không cần thiết và phát sinh chi phí không đáng có. Các xe công nghệ đều là xe cá nhân có nhiều mục đích sử dụng khác, việc phải gắn hộp đèn cố định như taxi sẽ rất bất tiện, gây nhiều phiền toái”.

Còn theo anh Trần Minh Thành, nhân viên một công ty cho thuê xe, nếu quy định gắn hộp đèn cho taxi công nghệ được thông qua, số lượng xe sẽ giảm mạnh, đồng nghĩa với việc hành khách sẽ khó đón xe hơn và giá cước cũng cao hơn. “Việc quản lý bằng công nghệ cho phép các tài xế có quyền tự do lái xe toàn thời gian hoặc bán thời gian tùy thuộc vào nhu cầu kiếm thêm thu nhập của mình”.

Từ lúc Việt Nam xuất hiện các xe công nghệ và những mô hình kinh doanh mới đã đem lại cho người dân những lợi ích như minh bạch về giá cước và lộ trình, giá cước phù hợp với nhu cầu của người dân, chất lượng phục vụ được nâng cao… Ý kiến của những người trong cuộc cho rằng các ban ngành liên quan cần nhìn nhận đơn vị cung cấp nền tảng như một chủ thể riêng biệt, không nên quy chiếu vào những chủ thể theo mô hình truyền thống.

Theo các chuyên gia kinh tế, để quản lý chủ thể cung cấp nền tảng kinh doanh dịch vụ di chuyển, cần có những quy định riêng và phù hợp. Đồng thời, để quản lý cấp nhà nước đối với những hoạt động kinh doanh sử dụng công nghệ, cơ quan quản lý cần sử dụng chính công nghệ quản lý và giám sát. 

MỚI - NÓNG