Những hình ảnh tuyên truyền của IS như thế này sẽ không còn đất sống trong tương lai. Ảnh: SCMP.
Đại diện các tập đoàn công nghệ tham gia cuộc họp với bộ trưởng nội vụ các nước G7 tại Ý từ ngày 19 tới 20/10 để bàn việc giúp G7 giải quyết mối đe dọa ngày càng tăng của các phần tử cực đoan trên mạng. Hội nghị diễn ra chỉ vài ngày sau khi các lực lượng do Mỹ hậu thuẫn giành lại quyền kiểm soát Raqqa - địa điểm nổi tiếng với các cuộc hành hình, chặt đầu con tin của IS.
Dù chiến thắng đó là một bước đột phá, nhưng Giám đốc Cơ quan Tình báo nội địa Anh (MI5) Andrew Parker ngày 17/10 nói rằng, nước Anh đang đối mặt mối đe dọa khủng bố nghiêm trọng nhất từ trước đến nay, đặc biệt là sự lây lan của các tài liệu cực đoan trên mạng. Ông cảnh báo, các cuộc tấn công từ ý tưởng có thể tăng tốc biến thành hành động. Những kẻ cực đoan có thể khai thác không gian an toàn trên mạng để đưa ra các mối đe dọa khó phát hiện.
Trong phiên họp đầu tiên của G7, đại diện Google, Microsoft, Facebook và Twitter tham gia các cuộc thảo luận với bảy bộ trưởng nội vụ của Anh, Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản và Mỹ. “Internet đóng một vai trò quyết định trong chủ nghĩa cực đoan. Hơn 80% các cuộc trò chuyện của đối tượng cực đoan đều được thực hiện trên mạng”, ông Marco Minniti, người điều hành phiên họp, nói.
Theo ông Minniti, các nhà mạng cần phải nghiên cứu một hệ thống chặn tự động các nội dung cụ thể trên tinh thần hợp tác, chứ không phải ép buộc. Các nhà cung cấp cần phải chung tay với chính phủ các nước G7 ngăn chặn phần mềm độc hại bằng chương trình diệt virus.
Trước cuộc họp bộ trưởng nội vụ G7, một số chương trình hợp tác của các hãng công nghệ lớn với các chính phủ đã được áp dụng nhằm hạn chế sự lây lan của nội dung khủng bố trên mạng. Hồi tháng 6, Facebook, Microsoft, Twitter và YouTube cùng hợp tác ra mắt Diễn đàn Internet toàn cầu về chống khủng bố. Tháng 9, Twitter chặn các tài khoản mang nội dung bạo lực, khủng bố trước khi được chính phủ các nước yêu cầu.
Tháng trước, các nhà lãnh đạo chống khủng bố hàng đầu của châu Âu nói rằng, họ cần sự hỗ trợ nhiều hơn từ các công ty truyền thông xã hội để phát hiện những mối đe dọa tiềm ẩn, đặc biệt là các cuộc tấn công cực đoan đang được thực hiện bởi các “con sói đơn độc”.
Chuyên gia Ý Marco Lombardi, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu các vấn đề khủng bố và quản lý các trường hợp khẩn cấp của Ý, cho biết, đối tượng khủng bố không dễ dàng từ bỏ tiềm năng thu hút đông đảo khán giả thông qua phương tiện truyền thông xã hội. Tuy nhiên, các luật về bảo mật và bảo vệ quyền riêng tư khắt khe tại Mỹ chính là rào cản lớn nhất. Giáo sư khoa học máy tính Hany Farid, cố vấn cao cấp của Mỹ, kêu gọi G7 cần có những suy nghĩ nghiêm túc về việc áp dụng luật đối với các công ty công nghệ và buộc họ phải có những biện pháp mạnh hơn trong việc ngăn chặn thông tin bạo lực, khủng bố trên mạng.