Formosa từng gây sự cố môi trường ở Mỹ, Campuchia

Hàng nghìn tấn hóa chất độc hại được đổ vào cảng của Campuchia.
Hàng nghìn tấn hóa chất độc hại được đổ vào cảng của Campuchia.
TP - Formosa Plastics từng đổ 3.000 tấn chất thải chứa thủy ngân tại một thành phố cảng của Campuchia; gây ra nhiều sự cố môi trường ở Mỹ, bị phạt tới 13 triệu USD…

Một nhà hoạt động môi trường nổi tiếng của Mỹ, bà Diane Wilson, sinh ra và lớn lên bên bờ biển vịnh Texas. Wilson bắt đầu chiến dịch chống lại Formosa Plastics khi tập đoàn này xây dựng nhà máy nhựa PVC gần thị trấn quê hương bà. Wilson đã tuyệt thực và đánh chìm chiếc thuyền của chính mình để thu hút sự chú ý của công luận. 

Năm 1994, bà thành công trong việc buộc Formosa và Alcoa (nhà sản xuất nhôm lớn thứ ba thế giới) cam kết không xả thải chất lỏng ra môi trường. “Một cách có hệ thống và ác ý, Formosa Plastics đã phá hủy vịnh biển nơi gia đình tôi đã đánh cá qua nhiều thế hệ”, Wilson nhận định. Theo bà, Formosa Plastics đã xả trái phép hàng triệu lít nước thải cực độc ra vịnh Texas vào năm 1995.

Formosa Plastics cũng gây ra sự cố môi trường ở nhiều nơi khác. Năm 1998, Formosa Plastics bị phát hiện đưa 3.000 tấn chất thải độc hại có chứa thủy ngân tới thành phố cảng Sihanoukville của Campuchia. Nhiều cư dân than phiền về tình trạng họ kiệt sức, tiêu chảy. 

Vài ngày sau khi chùi rửa khoang tàu chuyên chở chất thải từ Đài Loan sang Campuchia, một công nhân cảng tử vong, khiến hàng nghìn người dân hoảng sợ, bỏ nhà bỏ cửa, tháo chạy khỏi thành phố Sihanoukville vốn thanh bình. 

Bộ trưởng Môi trường Campuchia thông báo, xét nghiệm cho thấy hàm lượng thủy ngân trong chất thải của Formosa vượt ngưỡng an toàn hàng nghìn lần, thậm chí hàng chục nghìn lần. Hàng trăm binh sĩ mặc đồ bảo hộ ra hiện trường đóng gói chất thải độc hại vào thùng, vào container để Formosa tái xuất theo yêu cầu của cơ quan chức năng Campuchia. 

Lãnh đạo Formosa Plastics phủ nhận báo cáo của phía Campuchia rằng, tập đoàn này đã hối lộ một số quan tham Campuchia tổng cộng 3 triệu USD để họ cho phép nhập chất thải. 

Tuy nhiên, Formosa Plastics thừa nhận rằng, một đối tác Campuchia, người xử lý vụ vận chuyển và xả chất thải, đã nhận 300.000 USD. Cơ quan chức năng Campuchia đã đình chỉ 29 quan chức hải quan và cảng biển, bắt giữ giám đốc công ty Campuchia hỗ trợ việc nhập khẩu chất thải. Sau đó, Formosa công khai xin lỗi vì đã gây xáo trộn đời sống người dân Campuchia.

Bị phạt ở Mỹ

Ở Mỹ, một số nhà máy của Formosa Plastics cũng gây ô nhiễm môi trường. Nhà máy ở bang Delaware từng bị thu hồi tất cả các loại giấy phép và đóng cửa trong 6 tuần. Ở bang Louisiana, ethylene dichloride của nhà máy Formosa làm ô nhiễm nước ngầm, đe dọa hệ thống cấp nước của thành phố Baton Rouge. 

Ở bang Texas, Formosa từng xả nhiều nước thải và xả trái quy định không ít lần, khiến Ủy ban Nước Texas phải nhận định hãng “đã hoàn toàn thay đổi hệ sinh thái địa phương”. Năm 2009, Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ yêu cầu Formosa Plastics nộp 13 triệu USD, trong đó có 2,8 triệu USD tiền phạt vì đã vi phạm 3 đạo luật liên quan bảo vệ môi trường nước và không khí, bảo tồn tài nguyên và cung cấp thông tin cho cộng đồng.

Bà Diane Wilson nói: “Tôi đã nói chuyện với các công nhân trong nhà máy Formosa và họ kể về các trường hợp xả chất thải độc hại mà không báo cáo, công nhân ngã chết vì tháp, thang không an toàn, rò rỉ chất vinyl chloride nhiều đến nỗi người ta tắt chuông báo động trong phòng điều khiển để công nhân có thể yên tâm làm việc… Những công nhân này đã gửi khiếu nại cho ban quản lý Formosa, nhưng khiếu nại đồng nghĩa với sa thải”.

Năm 2009, tạp chí khoa học Ecotoxicity đăng một báo cáo của các nhà khoa học công tác tại Đại học Texas A&M. Theo đó, có sự thay đổi về cấu trúc nhiễm sắc thể và những tổn hại về gene khác trong số gia súc sống gần nhà máy Formosa. 

Nếu tính xuôi chiều gió, dù cách nhà máy tới gần 10km, một số gia súc cũng bị ảnh hưởng. Năm 2009, tổ chức môi trường Đức Etheon từng trao giải “Hành tinh Đen” cho ban lãnh đạo Formosa Plastics vì họ đã có “thành tích” liên tục chơi xấu về mặt sinh thái và xã hội ở nhiều nước trên thế giới.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.