Sáng 30/10, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã báo cáo Quốc hội việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4 Quốc hội Khóa XIV.
Về kết quả thực hiện Nghị quyết tại kỳ họp thứ 2, trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, ông Bình cho biết, thời gian qua, cơ quan chức năng đã tích cực tổ chức kiểm tra, rà soát, theo dõi, đánh giá hiện trạng để hướng dẫn địa phương xử lý, ứng phó, giải quyết các sự cố môi trường và cách lập quy hoạch các công trình bảo vệ môi trường tại các khu kinh tế ven biển.
Đối với các tồn tại, vi phạm quy định về bảo vệ môi trường của công ty Formosa Hà Tĩnh, công ty này đã khắc phục xong các lỗi vi phạm hành chính, tiến hành cải thiện, bổ sung công trình xử lý chất thải; chất thải được giám sát bằng các thiết bị quan trắc tự động liên tục, số liệu được truyền trực tiếp về Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Tĩnh và Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Về cải thiện môi trường làng nghề, thời gian qua, các Bộ, ngành, địa phương có liên quan đã triển khai quyết liệt Đề án bảo vệ môi trường làng nghề đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, tăng cường mạnh mẽ công tác bảo vệ môi trường trong quản lý và phát triển làng nghề trên phạm vi toàn quốc, ngăn chặn việc phát sinh các làng nghề ô nhiễm môi trường mới; từng bước khắc phục, cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, bảo vệ sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống dân cư, góp phần phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn một cách bền vững.
Theo Phó Thủ tướng, qua công tác thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường, các vi phạm chủ yếu tập trung vào việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ các nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc cam kết bảo vệ môi trường đã được phê duyệt; không có báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc bản cam kết bảo vệ môi trường; vi phạm về quản lý chất thải nguy hại; xả chất thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải.
Khắc phục tối đa thiệt hại 12 dự án thua lỗ
Liên quan đến việc rà soát, đánh giá tổng thể thực trạng, mức độ thiệt hại, xử lý dứt điểm đối với các dự án thua lỗ, kém hiệu quả, ông Bình cho biết, lãnh đạo Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương chủ trì rà soát, cập nhật, hoàn thiện nội dung “Đề án xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương”. Mục tiêu là sớm giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc để chấm dứt tình trạng thua lỗ, khắc phục tối đa thiệt hại cho nhà nước và xác định rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm minh đối với các tổ chức, cá nhân có sai phạm trong quá trình đầu tư, quản lý, vận hành, khai thác từng dự án, doanh nghiệp theo lộ trình.
Sau hơn một năm triển khai thực hiện công tác rà soát, đánh giá và xử lý tồn tại, yếu kém ở các dự án, doanh nghiệp thuộc ngành công thương cho thấy công tác chỉ đạo xử lý tồn tại, yếu kém ở các dự án, doanh nghiệp đã được thực hiện thống nhất, đồng bộ, bảo đảm bám sát quan điểm, mục tiêu, nội dung chỉ đạo của Bộ Chính trị và phương án, giải pháp xử lý các dự án, doanh nghiệp theo Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Các giải pháp xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, doanh nghiệp đã được triển khai thực hiện một cách tổng thể, toàn diện, đến nay đã có 02 nhà máy hoạt động sản xuất kinh doanh bước đầu có lãi trên 6 nhà máy trước đây có hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng thua lỗ, 01 nhà máy bắt đầu vận hành trở lại trên tổng số 3 nhà máy trước đây bị dừng sản xuất kinh doanh.
Cùng với việc xử lý các vấn đề về tài chính, quản trị, thị trường, hỗ trợ pháp lý, khoa học công nghệ, các vấn đề về lao động việc làm, ổn định xã hội, bảo đảm môi trường, an ninh - quốc phòng đã được xem xét để xử lý, tới nay đã đạt được các kết quả cụ thể, nhiều dự án có chuyển biến tích cực.
Khắc phục các bất cập của kỳ thi “3 chung”
Theo Phó Thủ tướng, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát, phân tích những tác động tích cực và hạn chế của Luật Giáo dục hiện hành; tổng kết, đánh giá việc thi hành Luật Giáo dục; nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội và nhân dân một cách nghiêm túc để sửa đổi toàn diện Luật Giáo dục. Thủ tướng Chính phủ đang xem xét, chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Giáo dục (sửa đổi), thừa ủy quyền của Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV.
Chính phủ đã ban hành chương trình hành động và chỉ đạo các Bộ, ngành xây dựng, triển khai 14 đề án. Việc ban hành và triển khai các đề án đã góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng các hoạt động Giáo dục và Đào tạo ở tất cả các cấp học.
Cùng với đó là xây dựng phương án đổi mới thi với mục tiêu kế thừa những ưu điểm và kết quả đạt được, khắc phục các bất cập của kỳ thi “3 chung” trước đây, đảm bảo tính liên tục của lộ trình đổi mới thi, không gây xáo trộn cho giáo viên và học sinh, phù hợp với Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học và phù hợp với xu hướng chung của các nước trên thế giới.
Phó Thủ tướng cho biết, qua 4 năm thực hiện, Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia và xét tuyển sinh đại học, cao đẳng đã đáp ứng yêu cầu gọn nhẹ, thiết thực, khách quan, tiết kiệm, giảm áp lực cho thí sinh, gia đình và xã hội. Bất cập, sai phạm trong tổ chức thi ở một số địa phương đã được chỉ đạo nghiêm túc rút kinh nghiệm, đề ra giải pháp khắc phục trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2019. Tuyển sinh đại học, cao đẳng đảm bảo quyền tự chủ của các trường theo quy định của pháp luật.