Foreign Policy: Ukraine muốn Mỹ gửi đạn chùm

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Các quan chức Ukraine đã thúc giục Mỹ cung cấp các loại bom, đạn chùm gây tranh cãi để chiến đấu chống lại Nga, tờ Foreign Policy (FP) đưa tin.

“Chúng tôi đang yêu cầu các loại đạn mới có tầm bắn xa hơn và sức công phá mạnh hơn”, một quan chức giấu tên của quân đội Ukraine nói với FP. “Chúng tôi cần nó để phá hủy các công sự của Nga trên lãnh thổ của mình.”

FP cho biết Kiev đã gửi yêu cầu tới Washington vào khoảng một tháng trước, do kho đạn pháo từ thời Liên Xô đang vơi dần và cần phải chuyển sang các loại đạn của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Tờ báo tiết lộ Ukraine muốn được nhận DPICM, hay còn gọi là đạn thông thường cải tiến mục đích kép, chứa nhiều loại đạn con được thiết kế để chống thiết giáp hoặc chống quân.

Giống như hầu hết các loại bom đạn chùm khác, DPICM gây tranh cãi chúng có thể để lại đạn con chưa nổ gây nguy hiểm cho dân thường.

Công ước về Bom đạn chùm (CCM) năm 2008 mà hầu hết các thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã ký đều cấm các loại vũ khí này. Nhưng Nga và Ukraine chưa tham gia công ước. Washington đã đảo ngược cam kết không sử dụng bom đạn chùm vào năm 2017, nhưng vẫn giữ lệnh cấm xuất khẩu chúng, theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW).

Lầu Năm Góc có một số lượng lớn DPICM trong kho dự trữ, nhưng theo FP, những người bài Nga quyết liệt trên Đồi Capitol đang cảm thấy thất vọng vì Washington không thể gửi đạn chùm đến Ukraine.

Một phụ tá Quốc hội cho biết. “Người Ukraine nói rằng: các ông có những vũ khí được chế tạo nhằm mục đích chống lại những mối đe dọa mà chúng tôi đang đối mặt. Vậy thì tại sao chúng tôi lại không thể có chúng?”

Có nhiều báo cáo về việc Kiev sử dụng vũ khí chùm của Liên Xô trong các khu dân cư, cả trước và sau khi Mátxcơva đưa quân vào nước này.

Đáng chú ý nhất, vào tháng Ba, một tên lửa Tochka-U với đầu đạn chùm đã giết chết hơn 20 người và làm bị thương hàng chục người khác ở Donetsk. Kiev từ chối nhận trách nhiệm về vụ tấn công.

Bom đạn chùm là loại vũ khí mà đầu đạn có thể phân tách trong không trung và tỏa ra một khu vực rộng lớn.

Vũ khí này sẽ gây nguy cơ đáng kể đối với dân thường cho đến khi tất cả các đầu đạn chùm được chuyên gia xử lý đúng cách.

Công ước về Đạn chùm – có hiệu lực vào năm 2010 – đã cấm sử dụng loại vũ khí này vì những mối nguy mà chúng gây ra cho dân thường. Các nhóm tình nguyện lưu ý rằng ít nhất 20% số bom đạn chùm không lập tức phát nổ sau khi va chạm. Nhưng chúng có thể phát nổ sau đó nếu có ai đó nhặt lên.

Hơn 100 quốc gia đã ký công ước, nhưng Mỹ, Nga và Ukraine thì không.

Năm 2015, quân đội Ukraine được cho là đã sử dụng đạn chùm trong những tháng đầu của cuộc chiến chống lại phe ly khai ở miền Đông đất nước.

Theo RT, Foreign Policy
MỚI - NÓNG