Facelook Tuyết Mai chia sẻ về thần tượng

Facelook Tuyết Mai chia sẻ về thần tượng
TPO - Khi ở độ tuổi ô mai, mình cũng thần tượng nhiều ca sĩ, diễn viên. Nhưng khi trở thành sinh viên đại học, tự bản thân mình cảm thấy cần phải sống thực tế hơn” là chia sẻ của Tuyết Mai.

>Facelook 2011 Tuyết Mai chia sẻ về ước mơ
>Hoa khôi Facelook với tâm niệm sống: nhớ và quên
>Nữ sinh Đại học Luật đoạt giải nhất Facelook 2011

Không để đánh mất mình

Từ sau khi trở thành Gương mặt sinh viên 2011, cuộc sống và học tập của Tuyết Mai có nhiều thay đổi không?

Ngô Tuyết Mai

NS: 1991    Chiều cao : 1m67

Quê quán: Tuyên Quang

Trường : Đại học Luật Hà Nội

Danh hiệu : Á khôi và Miss ảnh cuộc thi Sinh viên thanh lịch Đại học Luật 2009. Giải Nhất Gương mặt Sinh viên Việt Nam_Facelook 2011

Ngô Tuyết Mai cũng từng gây ấn tượng là một cây viết văn. Liên tiếp những năm học phổ thông, Tuyết Mai giành giả nhì môn Văn cấp tỉnh (lớp 9), giải nhất viết thư UPU cấp tỉnh…

Thời điểm mình giành được giải thưởng Gương mặt xuất sắc nhất FaceLook 2011 cũng cách đây khá lâu rồi nhưng dư âm của chương trình thì dường như vẫn còn mãi.

FaceLook đã thực sự thay đổi cuộc sống của Mai. Những cơ hội mới, những người bạn mới, niềm tự hào, sự trải nghiệm quý báu cũng như trách nhiệm với giải thưởng chính là những thứ mình có được sau cuộc thi.

Sau cuộc thi, Tuyết Mai dường như khá trầm khi xuất hiện không nhiều trong các hoạt động cộng đồng, các cuộc thi tài sắc khác dành cho sinh viên?

Thời gian của một sinh viên năm thứ 3 Đại học Luật như mình thường không có nhiều bởi phải dành một khoảng thời gian khá lớn cho việc học tập. Nên mình đã chọn lọc những hoạt động cộng đồng thực sự bổ ích, thiết thực để tham gia.

Trước đây, Tuyết Mai có chia sẻ là muốn trở thành một luật sư. Đến nay, Tuyết Mai đã chuẩn bị được những gì?

Chính vì ước mơ trở thành luật sư ấy mà Mai đã dành rất nhiều thời gian cho việc học tập tại trường. Trau dồi những kiến thức học được trên lớp, theo dõi những chương trình như “Phiên tòa tập sự” do trường tổ chức; tích lũy kiến thức thực tế qua các phương tiện truyền thông cũng như tìm hiểu về ngành luật sư là những việc Mai đang nỗ lực để thực hiện ước mơ của mình.

Tuyết Mai có lấy ai làm thần tượng, hình mẫu cho mình trong ngành luật sư không? Vì sao?

Hiện tại ở nước ta, có một thực tế là ngành luật sư chưa thực sự phát triển mạnh, nên theo mình nghĩ dùng từ “thần tượng, hình mẫu” có vẻ như hơi quá.

Đơn giản thôi, Mai rất cảm phục kiến thức cũng như tâm huyết của các thầy cô giáo tại trường mà mình đang theo học, bởi chính thầy cô là những người đã truyền cho mình không chỉ những kiến thức quý báu mà còn cả “lửa đam mê”, giúp mình cố gắng theo đuổi một ngành học không hề đơn giản như luật.

Bạn thấy những những bạn trẻ thần tượng trong lĩnh vực như luật pháp, giáo dục khoa học… có gì khác với cách thần tượng lĩnh vực giải trí?

Mỗi người có một quan điểm, một cách sống khác nhau nên sẽ có những cái nhìn nhiều chiều về vấn đề này. Theo mình, dù thần tượng ai đi chăng nữa thì cũng nên ở một mức độ nhất định để không đánh mất bản thân mình.

Là một người trẻ, Tuyết Mai có hâm mộ một diễn viên hay ca sĩ nào và lấy người đó làm thần tượng không?

Thật ra khi còn đang ở độ tuổi ô mai, mình cũng thần tượng nhiều ca sĩ, diễn viên lắm J. Nhưng khi trở thành sinh viên đại học rồi thì tự bản thân mình cảm thấy cần phải sống thực tế hơn, nên cảm xúc ấy đã không còn là hâm mộ nữa mà trở thành ngưỡng mộ thôi.

Tuyết Mai nghĩ thế nào khi có một bộ phận không nhỏ bạn trẻ hâm mộ một sao nào đó chỉ vì theo tâm lý a-rua đám đông chứ chưa hẳn vì một điều gì?

Đó chính là một bộ phận giới trẻ có suy nghĩ theo mình là khá lệch lạc. Sống phải có chính kiến, có lập trường mới là tuổi trẻ chứ.

Dành tình cảm cho các ngôi sao, thần tượng cũng cần có văn hóa
Dành tình cảm cho các ngôi sao, thần tượng cũng cần có văn hóa. Ảnh: X.T

Vì đâu giới trẻ thần tượng "sao" ngoại?

Tuyết Mai ấn tượng nhất điều gì ở các nhóm nhạc, diễn viên Hàn Quốc? Điều gì ở họ đã cuốn hút hơn các ca sĩ, diễn viên Việt Nam? Liệu có phải vì “bụt nhà không thiêng”?

Bản thân Mai cũng từng là một người hâm mộ những nhóm nhạc, diễn viên Hàn Quốc; và việc những nhóm nhạc, diễn viên ấy thu hút được một lượng fan trẻ khá lớn như vậy là có lí do. Ngành công nghiệp giải trí của Hàn Quốc phát triển rất mạnh, điều gây ấn tượng nhất đối với Mai đó là họ tạo nên được sự chuyên nghiệp trong cách làm việc cũng như nắm bắt được tâm lí, thị hiếu của khán giả.

Theo quan điểm của mình, “bụt nhà không thiêng” không hẳn vì nghệ thuật nước mình không phát triển, mà ở một khía cạnh nào đó vẫn chưa đủ mạnh để tạo sức hút lớn đối với khán giả trẻ.

Dù không ít "sao" đã đáp lại hết tình cảm của fan khi nhiều chương trình thời gian cao su có khi cả giờ đồng hồ, Thậm chí có những lần “leo cây”?

Cá nhân Mai cho rằng một trong những điều cơ bản nhất làm nên thành công của những ngôi sao, thần tượng là sự tôn trọng khán giả.

Ai cũng có thể gặp những chuyện ngoài ý muốn dẫn đến việc như trên, nhưng đừng nên lặp lại nhiều lần để ảnh hưởng tiêu cực đến người hâm mộ.

Trong mắt không ít bạn trẻ, thần tượng diễn viên, ca sĩ vì có ngoại hình đẹp, giọng hát hay (phần nhiều là xem trên cd, tivi…). Đã không ít lần, fan từng sốc khi bị thần tượng lừa dối, chẳng hạn về số đo chiều cao cân nặng; hoàn cảnh xuất thân; phẫu thuật thẩm mỹ… Tuyết Mai có lý giải gì cho hiện tượng này?

Theo Mai một khi đã trở thành người của công chúng thì sẽ có rất nhiều người nhìn vào họ, và họ muốn mình phải đẹp cả về giọng hát lẫn ngoại hình trước mắt khán giả, nên những chuyện như thế không thể tránh khỏi.

Mình nghĩ vấn đề đó không hẳn là “lừa dối”, mà đó là sự cố gắng của họ để hoàn hảo hơn trong trong mắt khán giả thôi. Nhưng dù sao, các thần tượng cũng nên trung thực bởi cách sống của họ sẽ ảnh hưởng ít nhiều tới người hâm mộ.

Hâm mộ có văn hóa

Bạn nghĩ sao khi có những bạn trẻ để giải thích cho sự hâm mộ Kpop là chính đáng bằng cách phủ nhận gần như toàn bộ giá trị nghệ thuật – văn hóa của âm nhạc truyền thống, trong nước?

Tiếp thu nghệ thuật của nước ngoài là tốt, nhưng cá nhân Mai cho rằng các bạn trẻ nên đón nhận một cách chọn lọc, hâm mộ một cách văn minh để không làm mất đi những giá trị nghệ thuật – văn hóa của âm nhạc truyền thống nước ta.

"Sao" cũng thấy phiền và dễ gặp rắc rối khi có những fan hâm mộ quá mức - fan cuồng. Bạn nghĩ như thế nào về điều này?

Thực tế đây là một hiện tượng phổ biến và cũng là điều dễ hiểu. Khi hâm mộ quá mức thì một số fan cuồng thường không tiết chế được cảm xúc của mình, gây ra sự phiền nhiễu và rắc rối đối với thần tượng. Các bạn trẻ nên tự đặt mình vào vị trí của họ, hiểu được cảm giác ấy để biết kìm chế cảm xúc của mình một cách đúng mức.

Nhiều fan hâm mộ một cách cuồng nhiệt, từ phong cách ăn mặc, cử chỉ… đều học tập giống thần tượng. Bạn nghĩ sao về điều này?

Mỗi người có một phong cách sống của riêng họ, mình nghĩ chỉ cần cách ăn mặc hay những cử chỉ ấy không tiêu cực là được.

Để có danh tiếng các diễn viên, ca sĩ đã phải nỗ lực, luyện tập rất kỳ công, mệt nhọc. Nhiều fan biết điều này và lấy làm hâm mộ. Nhưng chỉ dừng lại mức biết khen các sao mà bản thân không lấy điều đó làm tấm gương để noi theo để cố gắng trong cuộc sống?

Mai cho rằng học tập những đức tính tốt của sao chính là một cách hâm mộ có văn hóa và đó là một điều hoàn toàn nên làm.

Theo Tuyết Mai, thế nào là một cách hâm mộ có văn hóa? Có nên đưa sự định hướng của gia đình hay xã hội vào chuyện hâm mộ một ai đó?

Hâm mộ có văn hóa là hâm mộ một cách đúng mực, vừa đủ để thần tượng đó có ảnh hưởng tích cực đến cuộc sống của mình chứ đừng nên quá sa đà rồi đánh mất bản thân mình.

Sự giáo dục của gia đình rất quan trọng, là nền tảng để định hướng cho tương lai của các bạn. Và Mai nghĩ rất nên đưa sự định hướng ấy vào vấn đề này để tránh làm lệch lạc suy nghĩ của lớp trẻ hiện nay.

Cảm ơn Tuyết Mai!

Theo Viết
MỚI - NÓNG
Chủ tịch Quảng Nam trả lời việc doanh nghiệp xin cấp phép thăm dò vàng
Chủ tịch Quảng Nam trả lời việc doanh nghiệp xin cấp phép thăm dò vàng
TPO - Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, khu vực doanh nghiệp đề xuất khoan thăm dò không thuộc khu vực cấm, khu vực thuộc đất quốc phòng an ninh, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Vấn đề ô nhiễm môi trường hay không do Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu đánh giá, việc xem xét cấp phép hay không do Trung ương quyết định.